Trắng tay ra về

THỤY KHA| 18/07/2009 08:52

Hội nghị thượng đỉnh G8 đã phải khai mạc chậm hơn dự kiến vì máy bay của các nguyên thủ phải chờ nhau mới hạ cánh được xuống phi trường của thành phố nhỏ bé này.

Trắng tay ra về

Diễn ra vào ngày 8/7/2009 tại thành phố L’Aquila (Ý), khu vực vừa bị động đất tàn phá cách nay ba tháng, Hội nghị thượng đỉnh G8 đã phải khai mạc chậm hơn dự kiến vì máy bay của các nguyên thủ phải chờ nhau mới hạ cánh được xuống phi trường của thành phố nhỏ bé này. Trục trặc khởi đầu này còn kéo dài đến hết lịch trình của hội nghị 8 nước lớn.

Cho đến phút chót, các nhà lãnh đạo G8 đã không thể khiến các cường quốc mới nổi nhất trí về những mục tiêu biến đổi khí hậu đến năm 2050, và những kết luận của họ trong ngày đầu tiên của cuộc gặp thượng đỉnh cũng không đề cập gì tới cuộc tranh cãi nhạy cảm về vị thế thống trị của đồng USD. Các nhà lãnh đạo G8 đặt ra mục tiêu duy trì giới hạn đà tăng nhiệt độ trái đất ở mức tối đa 2 độ C đến năm 2050. Các quốc gia phát triển sẽ cắt giảm 80% lượng khí thải carbon đến năm 2050 để đạt tới mục tiêu giảm 50% lượng khí này trên toàn cầu vào cùng mốc thời gian.Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon chỉ trích thỏa thuận cắt giảm khí thải nhà kính của G8 đã không đạt tầm mức cần có. Các nhà phân tích thì phân vân rằng còn nhiều câu hỏi quanh tuyên bố và không rõ làm thế nào người ta đạt được mục tiêu này.

Chương trình nghị sự của G8 tại L’Aquila còn bao gồm các vấn đề khủng hoảng kinh tế toàn cầu, an ninh lương thực, khủng bố, CHDCND Triều Tiên và Iran. Các nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, nghị sự và diễn biến của diễn đàn cho thấy không có nhiều sáng kiến lớn xuất hiện ở cuộc gặp mặt lần này và sẽ phải chờ đến một diễn đàn lớn hơn G-20, bao gồm cả các nước lớn đang phát triển. “Trên thực tế, L’Aquila chỉ là một bước trung gian” - một quan chức cao cấp của Pháp nói với Reuters.

Đột phá của Hội nghị G-8 có lẽ là thương mại. Một bản tuyên bố dự thảo nói G8 và nhóm G5 bao gồm các nước đang phát triển sẽ nhất trí về việc gút lại vòng thương lượng thương mại Doha vào năm 2010. Các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về đề nghị của Mỹ muốn các nước giàu cam kết chi 15 tỷ USD trong vài năm tới để phát triển nông nghiệp ở các nước nghèo nhằm đảm bảo nguồn cung lương thực.

Thực tế, từ nhiều năm nay công luận cũng đã không trông chờ bao nhiêu từ những cuộc họp thượng đỉnh G8 như thế này. Trong một thế giới có nhiều thay đổi, trong đó cán cân lực lượng giữa các nước ở các khu vực khác nhau cũng có nhiều thay đổi. Từ lâu, bên cạnh những G8 “truyền thống” như thế này, người ta đã bắt đầu có những G5, G17, G20 chuyên đề nhằm xử lý từng vấn đề một và tỏ ra có hiệu quả hơn. Có lẽ vì vậy, cách đặt vấn đề về việc chấm dứt sự tồn tại của thể chế G8 cũng không có gì quá tiêu cực...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trắng tay ra về
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO