![]() |
Hôm 13/1/2019, tờ Yomiuri Shimbun của Nhật đưa tin, Chính phủ Mỹ đã đề xuất với phía Triều Tiên về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Việt Nam vào giữa tháng 2 tới.
Trước đó, vào ngày 6/1, Tổng thống Donald Trump đã cho biết, Mỹ đang cùng Triều Tiên tiến hành đối thoại nhằm chọn địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần 2 với ông Kim Jong-un, và thông tin chi tiết sẽ được công bố trong "tương lai không xa". Còn nhà Lãnh đạo Triều Tiên, trong bài phát biểu năm mới của mình, cũng bày tỏ sẵn sàng gặp lại Tổng thống Trump vào "bất cứ lúc nào".
Tờ báo Nhật cũng khẳng định, đề xuất trên được đưa ra bởi chính Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, chính phủ các nước vẫn chưa có thông báo chính thức về việc này. Triều Tiên được cho là vẫn đang xem xét yêu cầu từ phía Tổng thống Trump và hiện vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời đồn đoán rằng, hai nhà lãnh đạo sẽ sớm tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần hai để tiếp nối các cuộc đối thoại về phi hạt nhân hóa, vốn đang đi vào bế tắc sau cuộc gặp lần đầu tiên tại Singapore vào tháng 6 năm ngoái.
Về địa điểm tổ chức cuộc họp lần này, Việt Nam, Singapore và Hawaii là 3 lựa chọn ưu tiên. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện các ứng cử viên tiềm năng khác bao gồm Thái Lan, Indonesia và Mông Cổ.
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, Việt Nam và Singapore có xác suất đăng cai cao hơn, khi là nơi có đại sứ quán Triều Tiên. Trong đó, giới phân tích cho rằng, Việt Nam có thể sẽ là lựa chọn khả thi, vì sở hữu mối quan hệ tốt đẹp với cả Mỹ lẫn Triều Tiên, tình trạng chính trị ổn định và đã có kinh nghiệm tổ chức các sự kiện cấp cao như APEC.
Nhật báo Munhwa Ilbo của Hàn Quốc trích dẫn các nguồn tin ngoại giao từ Seoul và Washington cho biết, các quan chức Mỹ đã gặp đối tác Triều Tiên tại Hà Nội để thảo luận nhằm điều chỉnh lịch trình cho các cuộc đàm phán.
Còn tờ JoongAng Ilbo của Hàn Quốc cũng đưa tin Mark Lambert, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về các vấn đề của Triều Tiên, đã đến thăm Việt Nam hồi tháng 12.
Đàm phán hạt nhân đã không thể tiến triển sau lần hội nghị thượng đỉnh đầu tiên vào năm ngoái, do có sự khác biệt về lập trường giữa hai bên về phi hạt nhân hóa. Trong khi Mỹ khăng khăng Triều Tiên nên có hành động cụ thể hơn đối với tiến trình phi hạt nhân hóa và đệ trình danh sách vũ khí hạt nhân, Bình Nhưỡng cũng yêu cầu một động thái tương tự, như nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế.
Trong một thông điệp đầu năm 2019, ông Kim Jong-un đã cảnh báo, Bình Nhưỡng có thể thay đổi cách tiếp cận trong đàm phán hạt nhân, và "chọn cho mình một lối đi mới" nếu Washington duy trì các lệnh trừng phạt hà khắc. Tuy nhiên, vào ngày 6/1, Tổng thống Trump khẳng định, các lệnh trừng phạt sẽ tiếp tục được thực thi một cách toàn diện. Các biện pháp tạo áp lực tối đa vẫn có hiệu lực cho đến khi Mỹ ghi nhận được kết quả tích cực trong đàm phán với Triều Tiên.
Ý KIẾN CỦA BẠN