Thời của năng lượng tái tạo

12/10/2017 06:30

Trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu cùng hiện tượng nóng lên toàn cầu, năm 2017 tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ của các nguồn năng lượng sạch.

Thời của năng lượng tái tạo

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), chúng ta đang tận mắt chứng kiến sự ra đời của thời đại năng lượng tái tạo.

Theo IEA, lượng điện từ pin mặt trời đã tăng 50% so với năm 2015. Đây là lần đầu tiên quang điện đạt mức tăng trưởng cao như vậy, thậm chí vượt qua cả nhiệt điện than và những nguồn cung cấp khác. Giám đốc IEA, ông Fatih Birol, cho biết: "IEA tin chắc rằng quang năng sẽ phát triển hơn bất cứ năng lượng tái tạo nào khác vào năm 2022. Chúng ta đang được chứng kiến sự ra đời của một thời đại mới, thời đại của năng lượng mặt trời".

Cũng theo cơ quan này, gần số nhà máy xây dựng trong năm ngoái được dùng để khai thác năng lượng tái tạo. Trong năm 2016, xấp xỉ 165 gigawatt (GW) điện đã được sản xuất và tới năm 2022 thì công suất thu được từ năng lượng tái tạo sẽ tăng 43%. Ông Birol tiếp lời: "Đến năm 2022, công suất có được từ năng lượng tái tạo sẽ tăng gần 1.000 GW, tương đương với một nửa mức có được từ than đá mà vốn phải mất 80 năm mới đạt được".

Còn năm nay, theo dự đoán, năng lượng sạch sẽ mở rộng hơn 12% so với kỳ trước, chủ yếu nhờ sự gia tăng lượng pin quang điện ở Trung Quốc và Ấn Độ. Đến năm 2022, khoảng năng lượng tái tạo toàn cầu sẽ do Trung Quốc, Ấn Độ và Hoa Kỳ nắm giữ.

Dù việc thay thế hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo vẫn là ưu tiên số một, nhưng quả thật, hiện các nguồn cung cấp mới vẫn chưa đủ khả năng đáp ứng trọn vẹn nhu cầu tiêu thụ của thế giới. Ông Birol nói: "Một mình năng lượng tái tạo không đủ sức đem lại điện năng 24/7 cho con người, do đó, chúng ta cần một phương án có sự kết hợp của cả hai". Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ như hiện nay thì một giải pháp tối ưu dành riêng cho năng lượng tái tạo sẽ chỉ là chuyện một sớm một chiều.

Đơn cử như theo báo cáo mới nhất của Chính phủ Anh, chi phí từ các dự án điện gió ngoài khơi quốc gia này đã giảm gần một nửa so với cách nay 2 năm, ở mức 57,5 bảng cho 1 megawatt giờ (MWh). Giá thành thấp hơn cả điện nguyên tử này đã khiến cho các dự án đấu thầu điện gió tại Anh đạt mức kỷ lục, với 11 công trình đang chờ đợi xây dựng. Tại Mỹ, năng lượng mặt trời trong quý II vừa qua cũng phát triển khá ấn tượng với công suất gần 2.400 MWh.

Link bài viết

Trong khi đó, Nhật Bản, với mục tiêu đạt 24% quang điện trên tổng số điện sản xuất vào năm 2030, hiện đã có nhà máy đủ cung cấp cho gần 22.000 hộ gia đình. Còn tại Trung Quốc, tính riêng nửa đầu 2017, công suất từ năng lượng tái tạo ở nước này đã tăng thêm 600 triệu KW. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đặt cược lớn vào năng lượng xanh khi cam kết đầu tư 2.500 tỷ nhân dân tệ để sản xuất năng lượng sạch vào năm 2020.

Ngoài ra, Trung Quốc còn là ông lớn trong sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm năng lượng sạch khi cung cấp gần lượng pin mặt trời cũng như một nửa số tua-bin gió cho toàn cầu. Đây là bằng chứng khẳng định cho sự vươn lên của Trung Quốc trong việc trở thành quốc gia cung cấp năng lượng xanh hàng đầu thế giới. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế thì Trung Quốc hiện có 3,5 triệu cá nhân làm việc trong lĩnh vực năng lượng sạch.

Ông Fatih Birol nói: "Cứ mỗi năm trôi qua thì năng lượng sạch lại ghi thêm một kỷ lục mới. Năm nay, thế giới hứa hẹn sẽ chào đón thêm nhiều nhà máy điện mặt trời mọc lên với số lượng vượt qua các công trình thu điện từ gió, than, khí tự nhiên và nguyên tử. Và, trong đó sẽ có hơn 50% số nhà máy năng lượng mặt trời chỉ đến từ quốc gia duy nhất là Trung Quốc".

Có thể thấy, trong số các lựa chọn khả dĩ cho năng lượng tái tạo thì mặt trời được xem như nguồn cung tối ưu hơn cả bởi những ưu điểm nổi trội của mình. Ngoài sự thân thiện với môi trường, khả năng tái tạo gần như vô hạn của năng lượng mặt trời là điểm cộng lớn nhất.

Quá trình lắp đặt dễ dàng, ít chiếm diện tích và chỉ tiêu tốn chi phí một lần đã và đang khiến cho pin mặt trời ngày càng được ưa chuộng hơn, đặc biệt tại các quốc gia có tiềm năng tiếp nhận ánh sáng lớn. Tại một số nơi như Trung Quốc và Ấn Độ, quang điện thậm chí đã có thể cạnh tranh với than đá mà không gặp phải bất cứ trở ngại nào.

Bên cạnh mặt trời, các nguồn khác như gió hay thủy triều cũng có bước phát triển rõ rệt trong thời gian gần đây, minh chứng cho việc thế giới đã quan tâm hơn tới năng lượng tái tạo. Theo thời gian, chắc chắn giá than, khí tự nhiên, dầu mỏ và nhiên liệu hóa thạch sẽ ngày một tăng khi số lượng của chúng dần khan hiếm. Ngược lại, chi phí dành cho các nguồn năng lượng xanh sẽ giảm dần cùng với sự đi lên của công nghệ.

Cụ thể hơn, theo ông Birol: "Ba năm trở lại đây, chi phí dành cho điện mặt trời đã sụt xuống một nửa và sẽ còn tiếp tục giảm thêm 50% trong thời gian tới. Thời đại năng lượng tái tạo đắt đỏ đã kết thúc rồi!".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thời của năng lượng tái tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO