Thị trường máy bay: Cuộc "không chiến" mới

VY KHÁNH| 03/06/2017 06:14

Cuối tháng 5, công ty liên doanh China-Russia Commercial Aircraft International (CRAIC) sản xuất máy bay thân rộng ra đời, đặt "nền móng" cho cuộc "không chiến" với các đại gia hiện hữu.

Thị trường máy bay: Cuộc

Cuối tháng 5, công ty liên doanh China-Russia Commercial Aircraft International (CRAIC) sản xuất máy bay thân rộng ra đời, đặt "nền móng" cho cuộc "không chiến" với các đại gia hiện hữu.  

Đọc E-paper

Năm 1910, William Boeing đặt nền móng đầu tiên cho đế chế sản xuất máy bay Boeing. Năm 1960, hãng máy bay Airbus ra đời, có 34 năm sản xuất máy bay thân rộng. Cả hai trở thành bá chủ bầu trời thế giới, và lao vào cuộc cạnh tranh không khoan nhượng nhiều thập kỷ. Thế nhưng, tương lai không xa, cả Boeing lẫn Airbus sẽ phải cùng tham gia cuộc chiến mới với hãng sản xuất máy bay non trẻ CRAIC.

Đông Á có còn là "cấm địa?

CRAIC là sự hợp tác giữa Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) và United Aircraft Corporation (UAC) của Nga. Công ty đặt trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc), gần COMAC. Với sự ra đời này, hai chiếc 787 Dreamliner (Boeing) của Mỹ và A350 XWB (Airbus) của nhà sản xuất Pháp sẽ bị cạnh tranh trực tiếp khi CRAIC là máy bay thân rộng có thể chở được 280 hành khách với 3 khoang, hành trình bay khoảng 12.000 km.

Chiếc máy bay được trông đợi này chưa có tên chính thức, hiện tạm được gọi là C9X9 hoặc C929. Kế hoạch hợp tác chế tạo máy bay thân rộng lần đầu được công bố vào tháng 6/2016 khi Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Craic là bản vá hoàn hảo cho các khuyết điểm, đồng thời tận dụng thế mạnh của cả hai nước.

Ngành hàng không Nga phát triển rất sớm, từ những năm 60 với chiếc Yakovlev Yak-40. Dù nổi tiếng về trình độ sản xuất chuyên nghiệp nhưng người Nga không giỏi thiết kế mẫu mã và tạo nên sự thoải mái cho hành khách. Đó lại là những điểm mạnh của người Trung Quốc, vốn nhiều "chiêu trò" làm hài lòng khách nhưng trình độ kỹ thuật lại chưa cao.

Sự kết hợp này hứa hẹn tạo nên cơn chấn động trong lịch sử ngành sản xuất máy bay - "hất cẳng" hai gã khổng lồ không đối thủ khỏi vùng trời Đông Á. Ngành công nghiệp máy bay Trung Quốc phát triển chậm, tuy nhiên đã có cột mốc lịch sử quan trọng khi chiếc C919 - máy bay đầu tiên do Trung Quốc tự sản xuất đã bay thử thành công hôm 5/5. Khi được đưa vào sử dụng, C919 sẽ chia sẻ thị phần mạnh mẽ với hai đối thủ máy bay thân hẹp Boeing 737 và Airbus A320.

Chủ tịch COMAC Jin Zhuanglong khẳng định đây sẽ là mô hình hợp tác điển hình giữa Trung - Nga. Sự ra đời của hãng máy bay liên doanh sẽ phá vỡ thế độc quyền của Airbus và Boeing trong mọi lĩnh vực, từ sản xuất, mua bán, đến khai thác máy bay thương mại cỡ lớn. Châu Á chính là điểm nóng của cuộc đua hàng không giá rẻ, là vùng trời đầy tiềm năng mà các hãng hàng không châu Âu cố tiếp cận.

Theo Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC), chỉ trong năm 2016, người Trung Quốc đi 487 triệu chuyến bay trong nước và quốc tế, tăng 12% so với 2015. Con số này còn tăng trưởng mạnh mẽ do nhu cầu đi lại còn tăng, tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều hơn và họ chấp nhận chi trả hàng tỷ nhân dân tệ cho các kỳ du lịch. 1,4 tỷ người ở Đại lục là nguyên nhân thúc đẩy số chuyến bay tăng vọt, theo CNN. Hiện 50% máy bay sử dụng tại Trung Quốc do Boeing cung cấp.

>>Chậm giờ bay - "Điểm trừ" của hàng không Trung Quốc

Tuy nhiên trong tương lai, các hãng không nội địa dự kiến sẽ trở thành khách hàng của C919. China Eastern Airlinessẽ là khách hàng đầu tiên của COMAC, đưa vào sử dụng C919 ngay sau khi chiếc phi cơ này hoàn tất quá trình kiểm tra. Đặc biệt, COMAC là hàng không quốc doanh, được chính phủ bảo hộ. Vì thế, sẽ không có gì ngạc nhiên khi C919 sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh bầu trời Đại lục, như cách mà thị trường này đã cô lập bất cứ "ông lớn" phương Tây nào, từ Amazon đến Uber.

Sự bảo hộ của chính phủ cũng giải thích cho động lực sản xuất máy bay của Trung Quốc lớn hơn rất nhiều so với Nhật Bản hay Brazil. Lợi thế tuyệt đối của COMAC hay CRAIC đến từ thể chế của hai nước Nga - Trung, khi cơ chế kinh tế của cả hai vẫn chịu sự điều tiết mạnh mẽ của nhà nước. Và đó chính là cơ hội cho ngoại giao kinh tế của chính phủ phát huy sức mạnh.

Mặt khác, châu Á cũng là điểm nóng của cuộc cạnh tranh hàng không giá rẻ. Trong khi Airbus hay Boeing theo đuổi những chuẩn mực về trọng lượng máy bay hay thân rộng tiện nghi, thì đối thủ của họ "đánh" vào yếu tố giá rẻ, tiếp thêm vũ khí cho các hãng hàng không khu vực giảm mạnh chi phí đầu tư.

Đứng trên vai người khổng lồ

Dự án dài hơi CRAIC ít nhất kéo dài 10 năm mới thực sự gây được ảnh hưởng đến thị trường, điều này có nghĩa Boeing sẽ tiếp tục bán được khoảng 5.100 chiếc máy bay cỡ lớn cho Trung Quốc, trị giá 1.000 tỷ USD trong vòng vài năm tới. Tuy nhiên, khi CRAIC hay COMAC đủ "trưởng thành", miếng ngon đó không còn chảy về túi của hãng sản xuất máy bay của Mỹ.

Ít nhất 7 tỷ USD đã được chính phủ Bắc Kinh bơm vào chương trình phát triển này, theo nhà phân tích George Ferguson thuộc Bloomberg Intelligence. Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và Mỹ cùng các nước phương Tây căng thẳng, mối quan hệ giữa Matxcova và Bắc Kinh lại ấm lên, được thúc đẩy bởi công ty liên doanh CRAIC, tạo thành đối trọng tại khu vực châu Á cả về kinh tế lẫn chính trị.

C919 cho thấy rõ chiến lược "đứng trên vai người khổng lồ” để vươn ra thế giới của ngành hàng không Trung Quốc. Tiếng là "Made in China", nhưng C919 bay được là nhờ ít nhất 16 liên doanh về điện tử hàng không, kiểm soát chuyến bay, năng lượng, nhiên liệu và thiết bị hạ cánh của phương Tây, bao gồm cả General Electric, Honeywell và Parker Aerospace.

Giám đốc tài chính Tom Szlosek của hãng Honeywell cho biết: "COMAC thực sự đã dựa vào kinh nghiệm của các nhà cung ứng. Chúng tôi thêm vào tàu bay rất nhiều giá trị”. Theo chuyên gia Yu Zhanfu thuộc Hãng Roland Berger Strategy Consultants ở Bắc Kinh, việc COMAC tận dụng công nghệ của phương Tây là hợp lý, và "tầm gửi" vào những nhà cung ứng chính là chiến lược để hàng không vũ trụ Đại lục cất cánh.

Sân bay Trung Quốc nằm trong top 20 sân bay chậm trễ, hủy chuyến nhiều nhất thế giới, bởi nhu cầu bay của người Trung Quốc tăng vọt gây ra sự quá tải nặng nề. Để khắc phục tình trạng này, Trung Quốc nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng trong nhiều năm gần đây. Vì thế, việc tự sản xuất máy bay là mấu chốt cuối cùng trong hệ sinh thái hàng không phát triển mạnh mẽ của nước này.

>>Hàng không thế giới: "Chim tụ đàn"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường máy bay: Cuộc "không chiến" mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO