Thế giới chống tham nhũng

12/12/2011 00:02

Chống tham nhũng đang trở thành ưu tiên trong chương trình nghị sự của chính phủ các nước. Dư luận đã lên tiếng thông qua truyền thông xã hội khiến chính phủ và lãnh đạo các nước ngày càng không thể “mũ ni che tai” mà phải hành động.

Thế giới chống tham nhũng

Chống tham nhũng đang trở thành ưu tiên trong chương trình nghị sự của chính phủ các nước. Dư luận đã lên tiếng thông qua truyền thông xã hội khiến chính phủ và lãnh đạo các nước ngày càng không thể “mũ ni che tai” mà phải hành động.

Những người Ấn Độ xuống đường tuần hành chống tham nhũng ngày 4/12 ở New Delhi- Ảnh: Reuters

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Minh bạch quốc tế, các nước tăng trưởng nhanh nhất hiện nay lại ở vị trí giữa hoặc dưới mức trung bình trong danh sách các nước minh bạch và ít tham nhũng nhất. Kiểm soát tham nhũng ở những nước này thường bị coi là tốn kém, phức tạp, thậm chí nhạy cảm và có thể gây bất ổn, khiến tham nhũng và hối lộ trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” hay được bào chữa là “văn hóa địa phương”.

Lần đầu tiên Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố các hành vi thông đồng, gian lận, tham nhũng liên quan tới các chương trình, dự án sử dụng các nguồn tài chính của thể chế này trên toàn cầu. Với biện pháp mới này, WB trở thành thể chế phát triển đa phương đầu tiên công khai vấn đề này như là một biện pháp mạnh chống vấn nạn tham nhũng.

Theo số liệu của WB, kể từ năm 1999, WB đã trừng phạt hơn 450 công ty và cá nhân về các hành vi liên quan tới gian lận và tham nhũng, song phần lớn quá trình xử phạt vẫn chưa được công khai. Hồi đầu năm, WB đã công khai hóa mọi chi tiêu tài chính trên mạng trực tuyến.

Các diễn biến xã hội - chính trị lớn trong năm 2011 chứng minh sự chịu đựng của công chúng đã tới giới hạn. Họ không thể im lặng trước những bất công do hành vi vơ vét bất minh và lạm quyền của một thiểu số có chức quyền được nhân dân tin tưởng giao phó. Nếu các chính phủ tham nhũng không tự giác thay đổi thì cũng sẽ buộc phải thay đổi nhằm thực hiện sự công bằng và minh bạch trong phân phối các thành quả của phát triển.

Trong thông điệp năm nay nhân Ngày thế giới phòng chống tham nhũng (9/12), Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon đã nhấn mạnh mỗi người trên thế giới đều có nghĩa vụ góp phần cùng xã hội loại bỏ “khối ung thư tham nhũng”. Bởi vì tham nhũng đang tác động đến tất cả các nước, cản trở tiến bộ xã hội và nuôi dưỡng bất công và bất bình đẳng. Ông nhấn mạnh tình trạng các cá nhân và chính phủ tham nhũng đã làm mất đi những nguồn lực cần thiết cho phát triển, dẫn đến một bộ phận người dân không được hưởng các dịch vụ giáo dục, y tế và các dịch vụ thiết yếu khác.

Theo nghiên cứu, các nước kiểm soát tham nhũng yếu, chính phủ kém hiệu quả và luật pháp không mạnh có nguy cơ nội chiến 30-45% cao hơn so với các nước khác, và nguy cơ rất cao về tội phạm.

Rất nhiều hoạt động đã được tổ chức ở khắp nơi trên thế giới ngày 9/12. Ở Fiji tổ chức thi thơ, tuần hành ở Liberia, văn nghệ ở quần đảo Solomon. Tại Venezuela, tổ chức thi vẽ hoạt hình, Mauritius dán những khẩu hiệu chống tham nhũng lên xe buýt. Mexico có sáng kiến tạo ra bộ phông chữ liêm chính ra mắt vào năm 2012, thể hiện cam kết của người dân với tinh thần liêm chính.

Trung Quốc thực hiện tuần lễ sinh viên liêm chính với sự tham gia của gần 190.000 sinh viên. Indonesia có thông điệp rõ ràng với giới trẻ tham gia lễ hội nghệ thuật và âm nhạc “Hãy thật thà, hãy tuyệt vời!”. Ở đó, với nhiều nhạc cụ, giới trẻ có thể cất tiếng nói, đòi hỏi xã hội liêm chính và chính quyền phải giải trình. Thụy Sĩ tổ chức cuộc thi phim ngắn nhân dịp này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thế giới chống tham nhũng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO