Thất nghiệp: 'Gót chân Achilles' cản đường Obama

13/09/2012 04:05

Chính sách mà ông Obama thực hiện vừa qua chẳng những không giúp nền kinh tế Mỹ khởi sắc hơn là bao mà còn gây thiệt hại cho một số ngành chế tạo, khiến người Mỹ vẫn mãi lao đao trong cơn "khát" việc làm.

Thất nghiệp: 'Gót chân Achilles' cản đường Obama

Chính sách mà ông Obama thực hiện vừa qua chẳng những không giúp nền kinh tế Mỹ khởi sắc hơn là bao mà còn gây thiệt hại cho một số ngành chế tạo, khiến người Mỹ vẫn mãi lao đao trong cơn "khát" việc làm.

Người phát ngôn cho cựu Thống đốc Mitt Romney trong cuộc vận động bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kì tới - ông Amanda Henneberg - đã bày tỏ mối nghi ngờ về lời hứa giảm tỷ lệ thất nghiệp của tổng thống Obama suốt nhiệm kì vừa qua. Ông cho rằng, những chính sách mà ông Obama thực hiện chẳng những không giúp nền kinh tế Mỹ khởi sắc hơn là bao mà còn gây thiệt hại cho một số ngành chế tạo, khiến người Mỹ vẫn mãi lao đao trong cơn "khát" việc làm.

Lời hứa 4 năm trước

Cùng với những lời hứa làm thay đổi hình ảnh một nước Mỹ hiếu chiến trong mắt thế giới, tại kỳ tranh cử trước, Tổng thống Obama đã làm nức lòng người dân khi xác định "việc làm là ưu tiên hàng đầu trong năm 2010". Phát biểu tại bài diễn văn của mình, ông Obama quyết định sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn là nguồn tạo ra việc làm cho lao động thông qua những khoản tiền do các tập đoàn tài chính chi trả. Đồng thời, vị tổng thống Mỹ cũng tuyên bố sẽ đẩy mạnh sản lượng hàng hóa xuất khẩu trong vòng 5 năm tới lên gấp đôi nhằm mục đích hỗ trợ cho hơn 2 triệu việc làm.

Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều chính sách đã được thực hiện nhưng lời hứa về một nước Mỹ "khỏe mạnh" dường như vẫn còn rất xa xôi khi con số thất nghiệp ấy vẫn tiếp tục tăng cao, có dấu hiệu báo động và bắt đầu vượt ngưỡng tám chấm, đạt kỉ lục ở mức 8.3. Trước tình hình này, có vẻ như ông Obama không mấy lợi thế khi đứng trước cựu Thống đốc bang Massachusetts. Ông Romney đã tập trung tấn công vào việc hàng triệu người vẫn chưa có việc làm và xem đó như một lời chất vấn cho đảng Dân chủ.

Những nỗ lực cuối cùng

Tuy không thành công mấy trong thời gian qua nhưng hình như ông Obama vẫn đang rất có niềm tin sẽ xoay chuyển được cục diện kinh tế hiện nay. Vẫn là những lời nói xưa, nhưng cùng với hành động cố gắng bảo vệ cho 2 tập đoàn sản xuất xe hơi lớn của bang Ohio (General Motors và Daimler - Chrysler), trước việc Trung Quốc đánh thuế cao cho dòng sản phẩm này nhập từ Mỹ.

Có vẻ như ông Obama đang cố lấy lại niềm tin từ tầng lớp trung lưu sau những thất bại trước đó. Việc chiếm sự đồng cảm của người dân, đặc biệt là những cử tri da trắng, cũng như các bộ phận của tầng lớp trung lưu vẫn đang được đương kim Tổng thống Mỹ đánh giá rất cao khi muốn tái đắc cử cho vị trí này.

Tổng thống Barak Obama cho rằng vẫn nên đánh thêm thuế thêm cho những người giàu và gia hạn thêm một năm giảm thuế cho những hộ gia đình có thu nhập dưới 250.000 USD và những cá nhân thu nhập dưới 200.000 USD mỗi năm.

"Và nếu bạn đủ may mắn nằm trong 2% người giàu của nước Mỹ thì những gì chúng tôi đang yêu cầu bạn phải làm là hãy đóng góp thêm cho quốc gia", Tổng thống Obama phát biểu hôm thứ 4 ngày 31/7, trong buổi vận động tranh cử ở Mansfield, tiểu bang Ohio.

Nhưng giải pháp này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ đảng Cộng hòa, mà đại diện là Cựu thống đốc Mitt Romney - người lâu nay vẫn ủng hộ các chính sách có lợi cho người giàu tại Mỹ. Ông nghĩ rằng những đề xuất mang tính bảo trợ cho tầng lớp trung lưu sẽ vô tình làm thiệt hại đến lợi ích các tiểu doanh nghiệp, vì họ là những người tạo ra việc làm cho lao động Mỹ.

Khi Mitt Romney lên tiếng

Ông Romney lập luận, nền kinh tế hiện nay không phải là xấu nhưng dường như đang chống lại những gì mà ông Obama cố thuyết phục mọi người tin vào. Cựu thống đốc tuyên bố: "Tổng thống đã không có những chính sách giúp các gia đình có công việc. Tôi sẽ làm. Tôi sẽ giúp những người Mỹ có việc làm trở lại". Ông Mitt Romney đưa ra kế hoạch bao gồm việc sẽ duy trì cắt giảm thuế, tiếp tục sản xuất năng lượng trong nước đồng thời giảm mạnh mức chi tiêu chính phủ hàng năm.

Mặc dù cựu thống đốc chưa đưa ra một kế hoạch cụ thể nào cho những dự định giảm thuế sắp tới, nhưng theo báo cáo của Trung tâm chính sách thuế thì gánh nặng của những "chính sách tương lai" này đang dần đeo lên vai tầng lớp trung lưu Mỹ.

Điều này đã bị đương kim tổng thống hết sức phản đối. Vì người giàu và người nghèo đều chịu chung một mức thuế sẽ là bất công bởi số thuế đó không đủ làm ảnh hưởng đến tài sản của các tỷ phú. Chưa kể đến tầng lớp trung lưu lại không quá giàu để đóng góp sức mình cũng như không "đủ nghèo" để hưởng các ưu đãi từ chính phủ.

Mỗi bên đều có lí lẽ của mình cùng những lời chất vấn cho phía đối thủ. Và dù cuộc đua này ai là người cán đích đầu tiên đi chăng nữa thì những tranh cãi về việc làm và việc cắt giảm thuế vẫn còn là một bài toán cần được vị tổng thống tương lai của nước Mỹ giải trình. Liệu những chính sách mới được đưa ra sẽ giúp cho nền kinh tế Mỹ tăng trưởng hay lại tiếp tục lâm vào ngõ cụt?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thất nghiệp: 'Gót chân Achilles' cản đường Obama
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO