Thảm kịch Paris và phát súng tuyên chiến với khủng bố

HÀ CÚC| 18/11/2015 09:25

Kể từ sau vụ khủng bố kinh hoàng tại nước Mỹ ngày 11/9/2001, nước Mỹ và cả thế giới đã thay đổi rất nhiều. Thế nhưng thảm kịch đen tối lặp lại tại nước Pháp và lần này ám ảnh về khủng bố còn lớn hơn.

Thảm kịch Paris và phát súng tuyên chiến với khủng bố

Kể từ sau vụ khủng bố kinh hoàng tại nước Mỹ ngày 11/9/2001, nước Mỹ và cả thế giới đã thay đổi rất nhiều với cuộc chiến chống khủng bố được phát động trên toàn cầu. Thế nhưng thảm kịch đen tối lặp lại tại nước Pháp và lần này ám ảnh về khủng bố còn lớn hơn.

Đọc E-paper

Trong ba ngày, kể từ 15/11/2015, nước Pháp cử hành quốc tang tưởng niệm 129 nạn nhân thiệt mạng trong 6 vụ tấn công đẫm máu ở Paris và vùng Seine - Saint Denis. Sự kiện khủng khiếp chưa từng thấy tại nước Pháp đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ trong công luận.

Bên cạnh quyết tâm đoàn kết quốc gia, báo chí Pháp kêu gọi "phải trả thù” cho các nạn nhân và khẳng định đây là cuộc chiến giữa "một nền cộng hòa đối đầu với man rợ". Thủ tướng Manuel Valls tuyên bố nước Pháp "đang trong tình trạng chiến tranh, chúng ta sẽ hành động và tấn công kẻ thù muốn tàn phá nước Pháp, tàn phá châu Âu, tàn phá Syria và Iraq...

Cuộc chiến đó đang diễn ra trên lãnh thổ quốc gia và trên trận địa Syria". Ngay sau tuyên bố này, chiến đấu cơ Pháp xuất kích tấn công hàng loạt cứ điểm Nhà nước Hồi giáo (IS) ở thành phố Raqqa, trung tâm đầu não của quân khủng bố tại Syria. Có 12 máy bay tham gia vào nhiệm vụ lần này, trong đó có 10 chiến đấu cơ, đã ném tất cả 20 quả bom xuống Syria.

Loạt khủng bố ở Pháp làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ trên khắp thế giới. Từ Hoa Kỳ đến Iran, từ Đức, Nga sang Trung Quốc, các nước trên toàn thế giới đồng thanh lên án vụ khủng bố tàn bạo này. Thủ tướng Matteo Renzi tuyên bố: "Cũng như mọi người dân Ý, tôi biết rằng bọn khủng bố không thể chiến thắng. Tự do luôn mạnh mẽ hơn sự tàn bạo, và lòng can đảm mạnh hơn nỗi sợ hãi".

Sau khi Pháp tuyên bố tình trạng khẩn cấp và kiểm soát chặt chẽ biên giới sau một loạt vụ tấn công ở Paris, các biện pháp an ninh đã được tăng cường tại nhiều quốc gia, trong đó có các nước láng giềng của Pháp ở châu Âu, cũng như tại Nga và Mỹ. Lãnh đạo G-20 đang nhóm họp tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, cam kết "mãnh liệt đáp trả” khủng bố bằng hành động cụ thể và cứng rắn khi khủng bố được coi là không chỉ chống nước Pháp mà còn chống cả nhân loại.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng tuyên bố sẽ "gia tăng gấp đôi nỗ lực chống khủng bố sau các vụ tấn công tại Pháp". Tổng thống Nga Putin nêu rõ: "Chúng tôi nhận thức rõ rằng để đối phó với mối đe dọa khủng bố và giúp hàng triệu người bị mất nhà cửa, chỉ có thể thông qua việc đoàn kết những nỗ lực của toàn thể cộng đồng quốc tế”.

14 năm kể từ sau vụ sự kiện kinh hoàng 11/9/2001, nước Mỹ và cả thế giới đã thay đổi rất nhiều. Chính quyền Tổng thống Bush sau đó đã phát động cuộc chiến chống khủng bố trên phạm vi toàn thế giới với hai chiến trường chính là Afghanistan và Iraq. Nhưng một lần nữa, thảm kịch lại lặp lại tại nước Pháp cho thấy ám ảnh khủng bố buộc thế giới phải nỗ lực nhiều nữa để ngăn chặn thảm kịch tái diễn. Các nhà lãnh đạo trên thế giới đang đối mặt sức ép gia tăng về việc tìm kiếm tiếng nói chung trong cuộc chiến chống lại mối đe dọa của IS - giờ đây không còn giới hạn trong phạm vi ở Syria và Iraq.

Theo AFP, G-20 ngoài bản tuyên bố chung, chuẩn bị một bản tuyên bố đặc biệt về các vụ khủng bố tại Paris. Cùng với Ngoại trưởng Laurent Fabius, đại diện cho Tổng thống Pháp, Bộ trưởng Tài chính Michel Sapin hy vọng G-20 sẽ thông qua những quyết định cụ thể đánh phá các đường dây tài chính IS.

Trong bản dự thảo tuyên bố của G-20, các nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường kiểm soát biên giới và an ninh hàng không. Hãng tin AP nhận định các vụ khủng bố ở Paris có thể sẽ thúc đẩy các nước Mỹ, Anh và Nga gia tăng hành động quân sự chống lại IS ở cả Syria và Iraq. Theo ông William McCants, một chuyên gia tại Trung tâm Chính sách Trung Đông của Viện Brookings (Mỹ), sự kiện này có thể sẽ làm gia tăng sự ủng hộ của công chúng ở châu Âu và Mỹ về một cuộc tấn công lớn trên bộ nhằm vào những lãnh thổ đang do IS kiểm soát, nhất là tại Syria.

>Sau khủng bố tại Paris, FED có nên tăng lãi suất vào tháng 12 tới?

>Vụ khủng bố Paris có thể làm kinh tế châu Âu u ám hơn

>Hậu khủng bố Paris: Obama - Putin đồng thuận trong cuộc gặp 35 phút

>Cách ứng phó khi gặp khủng bố trên đường đi du lịch

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thảm kịch Paris và phát súng tuyên chiến với khủng bố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO