Thái Lan: Đón năm mới trong yên bình tạm thời

14/04/2010 09:23

Năm nay, lễ hội mừng năm mới của người Thái, lễ té nước Songkran, cũng là lúc khủng hoảng chính trị ở đây lên cao, nhiều người thiệt mạng.

Thái Lan: Đón năm mới trong yên bình tạm thời

Thái Lan những ngày này, mọi năm người ta vui mừng bước vào lễ hội đón năm mới của dân tộc Thái, lễ té nước Songkran. Năm nay, Songkran cũng là lúc khủng hoảng chính trị ở đây lên cao, nhiều người thiệt mạng. Phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị có mặt tại Bangkok trong những ngày này để tường thuật và phân tích diễn biến ở đây.

Một người áo đỏ té nước mừng lễ Songkran, trong lúc vẫn cắm trại ở Bangkok. Ảnh: Reuters

Mấy hôm nay, đi đến đâu cũng nghe chuyện chính trị, áo đỏ, áo vàng, thậm chí “dưa hấu”. Đa số áo đỏ là tầng lớp lao động. Đa số áo vàng là tầng lớp trung lưu, có học. Những người lính chống bạo động nói rằng họ là “dưa hấu” vì bên ngoài vỏ xanh, nhưng bên trong là màu đỏ. Những người biểu tình cũng là những người thuộc giai tầng của họ, nên việc phải trấn áp biểu tình là việc rất khó làm.

Gần đây, lại thêm một phong trào “áo hồng” xuất phát từ những sinh viên đại học Chulalongkorn. Những người này cho rằng họ mệt mỏi với tất cả mọi cuộc tranh chấp và kêu gọi hoà bình. Nhưng áo hồng thực ra bên trong cũng là áo vàng, và ở Bangkok, những ngày này có câu nói đùa: “Màu hồng là màu vàng mới”.

Cũng chính vì sự chia rẽ này trong xã hội Thái Lan, khiến cho mọi giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng hiện nay đều tỏ ra khó đảm bảo cho một sự bình yên lâu dài cho một đất nước mà trong lịch sử đã tránh được hầu hết các cuộc chiến tranh.

Mọi áp lực đang đè nặng lên vai ông Abhisit Vejjajiva, vị thủ tướng đẹp trai tốt nghiệp từ đại học Oxford, với đoàn quân biểu tình áo đỏ vẫn đóng chốt ở nhiều khu phố chính, người đứng đầu quân đội kêu gọi giải tán quốc hội, và uỷ ban bầu cử đề xuất giải tán đảng Dân chủ của ông do một vi phạm năm 2005. An ủi duy nhất của ông Abhisit là lễ hội năm mới Songkran. Đa số người dân Thái Lan không muốn bất kỳ tai hoạ nào xảy ra trong những ngày này.

Cho đến thời điểm hiện nay, khả năng giải tán quốc hội là không tránh khỏi. Vấn đề mấu chốt là thời điểm nào. Chính phủ đề nghị việc này được thực hiện trong vòng sáu tháng, nhưng quân áo đỏ thẳng thừng từ chối. Họ đòi việc giải tán phải được thực hiện ngay lập tức, thậm chí còn yêu cầu thủ tướng từ chức và đi khỏi Thái Lan. Thủ tướng Thái Lan đang cố gắng thu thập chứng cứ để chứng minh rằng vụ đụng độ đẫm máu hôm thứ bảy có bàn tay của khủng bố, để giành được sự thông cảm của công chúng và tránh bị đổ lỗi. Áo đỏ đang gọi ông Abhisit là “kẻ sát nhân”, cáo buộc rằng chính phủ ra lệnh bắn vào đoàn người. Một vài bức ảnh, đoạn video quay lại tối thứ bảy bạo động cho thấy có một số tay súng áo đen trà trộn trong đám đông.

Nhưng nói dễ hơn làm. Các nhà bình luận chính trị đều cho rằng ông Abhisit đứng trước quá nhiều khó khăn. Uỷ ban bầu cử Thái Lan ngày thứ hai đưa ra một quyết định bất lợi cho đảng Dân chủ khi cho rằng đảng này đã vi phạm luật vì nhận tiền ủng hộ một cách bất hợp pháp từ công ty TPI Polene từ năm 2005. Thực ra theo đúng trình tự, để kết luận rằng đảng Dân chủ thực sự vi phạm và phải giải thể cũng phải mất cả năm. Nhưng động thái này gây thêm sức ép tâm lý cho ông Abhisit.

Trong lúc này, áo đỏ đang sẵn tình thế có lợi, tiếp tục gây áp lực lên chính phủ. Người dân các tỉnh tiếp tục tụ tập trong cái nắng gay gắt mệt lả để nghe diễn thuyết, biểu tình trước các cơ quan quan trọng cũng như nhà riêng của thủ tướng. Các lãnh đạo của phong trào áo đỏ cho biết họ sẽ không rời khỏi Bangkok khi yêu sách của họ chưa được chấp nhận.

Các nhà phân tích chính trị cho rằng mặc dù có thể có những rạn nứt trong giới tướng lĩnh, tới giờ phút này Abhisit vẫn còn được sự hậu thuẫn của lực lượng vũ trang. Nếu không, ông ta đã không thể giữ vai trò thủ tướng như hiện nay. Tại Washington, bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Kasit Piromya lớn tiếng chỉ trích các quốc gia như Nga, Đức, Dubai… đã làm ngơ và để cho Thaksin ra vào nước của họ. Ông này cáo buộc Thaksin là “kẻ khủng bố” đứng đằng sau phong trào áo đỏ dẫn đến thương vong nặng nề, thậm chí so sánh ông Thaksin với Adolf Hitler. Những người ủng hộ ông Thaksin gọi Kasit là kẻ có hệ thống “giá trị kép”. Vì chính Kasit ủng hộ phong trào biểu tình của Áo Vàng năm ngoái với việc chiếm đóng sân bay quốc tế Suvarnabhumi cả tuần lễ.

Songkran được coi là giai đoạn “ngừng bắn” giữa các bên trong cuộc xung đột chính trị này, và có thể không có quyết định nào lớn được đưa ra cho tới khi ngày lễ kết thúc và mọi người trở lại công việc vào thứ hai tuần tới. Người dân Thái những ngày này ra đường với hy vọng họ chỉ bị bắn súng phun nước mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thái Lan: Đón năm mới trong yên bình tạm thời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO