Sức ép từ cuộc điều tra xe hơi nhập khẩu của Mỹ

TRẦN BÍCH| 07/06/2018 00:09

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã quyết định mở cuộc điều tra đối với xe hơi nhập khẩu. Thuế quan xe hơi sau cuộc điều tra này sẽ tăng tương tự như thuế quan áp đặt cho thép và nhôm nhập khẩu.

Sức ép từ cuộc điều tra xe hơi nhập khẩu của Mỹ

Cổ phiếu các hãng GM, Ford tăng khi cuộc điều tra xe hơi nhập khẩu vào Mỹ bắt đầu

Được biết, cả Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Canada đều lên tiếng về cuộc điều tra này. Theo Bộ Thương mại Mỹ, cuộc điều tra xe hơi nhập khẩu dựa theo Mục 232 Đạo luật Mở rộng thương mại năm 1962 và Mỹ muốn biết việc nhập khẩu xe hơi và phụ tùng có đe dọa ngành công nghiệp ô tô cũng như khả năng nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới hay không.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross phát biểu với hãng tin CNBC trong một cuộc phỏng vấn của chương trình Squawk Box: "Cuộc điều tra về xe hơi nhập khẩu là để xác định liệu có những lạm dụng thương mại gây thiệt hại cho Mỹ hay không. Cuộc điều tra có tính an ninh quốc gia vì an ninh quốc gia được xác định bao gồm cả kinh tế, công ăn việc làm và nhiều lĩnh vực khác. An ninh kinh tế là an ninh quân sự. Và không có an ninh kinh tế, sẽ không thể có an ninh quân sự".

Kết quả cuộc điều tra sẽ cho biết sản lượng nhập khẩu xe hơi tăng lên suốt 20 năm qua có làm tổn hại an ninh quốc gia, từ đó làm suy yếu nền kinh tế của Mỹ hay không. Ông Ross khẳng định: "Có hơn 8 triệu ô tô nhập khẩu vào Mỹ mỗi năm.

Một phần nguyên nhân của sự gia tăng nhập khẩu đối đầu với xuất khẩu của đất nước là do chúng ta chỉ đánh thuế 2,5% đối với xe hơi và phụ tùng nhập khẩu". Ông không đổ lỗi cho các nước mà cho rằng "Các nước khác đã làm đúng. Sự ngớ ngẩn là chúng ta tự nhốt mình trong chiếc hộp thuế quan cực kỳ thấp này".

Phát biểu tại quốc hội khi có đại biểu hỏi Nhật Bản sẽ đối phó thế nào trước việc Mỹ điều tra xe hơi nhập khẩu, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết sẽ thuyết phục Tổng thống Donald Trump về vai trò quan trọng của các hãng sản xuất xe hơi Nhật trong nền kinh tế Mỹ.

Link bài viết

Ông nói: "Các hãng xe hơi Nhật Bản đã tạo công ăn việc làm và có những đóng góp to lớn vào nền kinh tế Mỹ. Là một quốc gia dựa trên pháp lý, trên hệ thống thương mại đa phương, Nhật Bản tin rằng bất kỳ hành động nào đưa ra về thương mại cũng phải phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới".  

Cũng theo Thủ tướng Abe, số lượng xe hơi của các hãng Nhật sản xuất tại Mỹ gấp đôi số xe Nhật xuất sang Mỹ. Ông còn cho biết sẽ thuyết phục Washington gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ông chia sẻ: "Nhật Bản đã giải thích cho Hoa Kỳ rằng CPTPP là hình mẫu tốt nhất cho thương mại song phương. Chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phám với Hoa Kỳ dựa trên quan điểm này".

Chính phủ Trung Quốc và Hàn Quốc cũng khẳng định họ sẽ theo dõi tình hình cuộc điều tra của Mỹ về xe hơi nhập khẩu. Đặc biệt, Bắc Kinh cho biết sẽ bảo vệ các quyền lợi của Trung Quốc. "Trung Quốc phản đối việc lạm dụng các điều khoản an ninh quốc gia dẫn đến phá vỡ nghiêm trọng hệ thống thương mại đa phương và cản trở trật tự thương mại thế giới" - Gao Feng - phát ngôn viên của bộ Thương mại Trung Quốc - lên tiếng trong cuộc họp báo ngày 24/5 qua.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã bày tỏ quan ngại về cuộc điều tra xe hơi và xe tải nhập khẩu vào Mỹ trong các cuộc đàm phán với Tổng thống Mỹ. Cả hai nguyên thủ cũng thảo luận về Hiệp định Mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Cuộc điều tra xe hơi nhập khẩu của Mỹ đã tăng thêm sức ép đối với các cuộc thương lượng về NAFTA, vì các điều khoản thương mại về ô tô là một phần rất quan trọng trong nội dung đàm phán. Trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters ngày 24/5, ông Trudeau cho rằng cuộc điều tra dựa trên logic mỏng manh và là một phần áp lực của Washington đối với các thương lượng liên quan đến NAFTA.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sức ép từ cuộc điều tra xe hơi nhập khẩu của Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO