Sự va chạm của những cột trụ kinh tế

THỤY KHA| 18/06/2015 06:46

Sự va chạm của bốn cột trụ kinh tế cơ bản là lực lượng lao động, đô thị hoá, công nghệ, nhân khẩu học và toàn cầu hoá đang tạo ra những động lực thay đổi chưa từng thấy của kinh tế thế giới.

Sự va chạm của những cột trụ kinh tế

Theo Project Syndicate, va chạm đầu tiên là sự thay đổi của các thành phố tại thị trường mới nổi. Cho đến năm 2000, 95% công ty trong danh sách Fortune Global 500 có trụ sở chính tại các nền kinh tế phát triển. Đến năm 2025, gần một nửa công ty trong danh sách Fortune Global 500 sẽ dựa vào các nền kinh tế mới nổi, trong đó Trung Quốc có tiềm lực còn lớn hơn so với Hoa Kỳ hay châu Âu.

Gần một nửa tăng trưởng GDP toàn cầu 2010-2025 sẽ đến từ 440 thành phố tại các thị trường mới nổi. Đó là những nơi như Thiên Tân, một thành phố phía đông nam của Trung Quốc với GDP ngang bằng với Stockholm và có thể bằng cả Thụy Điển vào năm 2025. Hay theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và dữ liệu của Bloomberg, sản lượng hàng hóa của Quảng Đông, Hồng Kông và Ma Cao kết hợp còn cao hơn cả sản lượng của các nền kinh tế Mexico, Hàn Quốc và Tây Ban Nha vào năm 2014.

Với dân số 107 triệu người, Quảng Đông là một trung tâm sản xuất thiết bị điện tử, hàng may mặc và ô tô vượt trội so với Đức và Việt Nam. Thiên Tân, với khoảng 15 triệu người, có giao dịch hàng hóa trị giá 253 tỷ USD năm ngoái, cao hơn cả Pakistan.

Va chạm thứ hai là sự thay đổi thần tốc của công nghệ, đặc biệt công nghệ kỹ thuật số và điện thoại di động. Phải mất hơn 50 năm sau khi điện thoại được phát minh, một nửa số gia đình Mỹ sở hữu một điện thoại, nhưng chỉ mất 20 năm, điện thoại di động bùng nổ từ chưa đầy 3% dân số sở hữu sang hơn hai phần ba dân số sở hữu. Thế giới ảo Facebook có 6 triệu người sử dụng trong năm 2006, nhanh chóng tăng lên 1,4 tỷ người vào thời điểm hiện tại.

Internet tạo ra động lực cải thiện đời sống kinh tế cho hàng tỷ người dân tại các nền kinh tế mới nổi với tốc độ "không thể tưởng tượng". Và nó mang lại cho kinh doanh một cơ hội cạnh tranh lớn hơn trong một thế giới phẳng hơn. Nhưng thay đổi công nghệ cũng mang lại rủi ro, đặc biệt là đối với những người lao động bị mất việc làm do tốc độ tự động hóa ngày càng cao hoặc thiếu các kỹ năng làm việc trong các lĩnh vực công nghệ cao.

Va chạm thứ ba là nhân khẩu học. Lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ, dân số già đến như vậy. Lão hóa dân số tại các nước phát triển hiện đang lan tới đất nước 1,4 tỷ dân Trung Quốc và sẽ sớm lan tới các nước Mỹ Latin. Khi người cao tuổi ngày càng đông hơn người trong độ tuổi lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chiến lược kinh tế dựa trên lực lượng lao động, và các khoản thu thuế, cần thiết để trả nợ chính phủ và tài trợ cho các dịch vụ công cộng và lương hưu...

Va chạm cuối cùng là liên kết lẫn nhau ngày càng tăng của thế giới, từ hàng hóa, vốn, con người đến trao đổi thông tin dễ dàng hơn bao giờ hết. Cách đây không lâu, liên kết quốc tế tồn tại chủ yếu trong những trung tâm thương mại lớn ở châu Âu và Bắc Mỹ. Hiện tại, các dòng vốn trong nền kinh tế mới nổi đã tăng gấp đôi chỉ trong 10 năm, và hơn một tỷ người di chuyển qua biên giới trong năm 2009, gấp 5 lần con số này vào năm 1980.

Tất nhiên, sự liên kết này tạo ra các cơ hội lớn nhưng cũng tạo ra nhiều cản trở nếu không tận dụng được lợi thế đầy đủ của họ. Điều này đặc biệt đúng đối với các công ty. Theo nghiên cứu của McKinsey, 1990-2005, các công ty Mỹ hầu như luôn luôn được phân bổ nguồn lực trên cơ sở của quá khứ, chứ không phải là tương lai, cơ hội. Các công ty không thắng nổi quán tính và sức ỳ như vậy có lẽ sẽ đi xuống, chứ không phải cạnh tranh được trong nền kinh tế toàn cầu mới.

Tuy nhiên, một số công ty sẽ thích nghi, lợi dụng cơ hội chưa từng có này để tăng trưởng nhanh chóng. Thay vì phải xây dựng một trụ sở mới, thuê một cửa hàng đòi hỏi một lượng vốn lớn, họ có thể mở một văn phòng kinh doanh vệ tinh, tạo ra một cửa hàng trực tuyến... Tính linh hoạt và đáp ứng sẽ cho phép các doanh nghiệp này phát triển mạnh mẽ trong thời gian ngắn.

Tốc độ và quy mô của sự chuyển đổi kinh tế hiện nay còn nhiều trở ngại. Nhưng có rất nhiều lý do để lạc quan. Bất bình đẳng đã giảm đáng kể trên quy mô toàn cầu. Gần một tỷ người đã thoát khỏi đói nghèo cùng cực trong thời gian 1990 - 2010, thêm ba tỷ người sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu trong hai thập niên tới.

Năm 1930, ở đỉnh cao của cuộc Đại suy thoái, dựa trên bốn cột trụ kinh tế cơ bản, nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes tuyên bố rằng các tiêu chuẩn sống trong "các nền kinh tế tiên tiến" sẽ tăng 4-8 lần trong 100 năm tiếp theo. Tiên đoán của ông được coi như là vô vọng vào thời điểm đó, hóa ra đã chính xác vào thời điểm hiện tại. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sự va chạm của những cột trụ kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO