"Sóng thần" trong chính quyền Nhật Bản

GIANG LANG| 01/08/2017 05:06

Từ khi nắm quyền vào năm 2012, chưa bao giờ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe rơi vào tình thế khó khăn như hiện nay.

Từ khi nắm quyền vào năm 2012, chưa bao giờ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe rơi vào tình thế khó khăn như hiện nay. Uy tín của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đang xuống rất thấp, trong khi thách thức trong và ngoài nước lại gia tăng. 

Đọc E-paper

Ngày 29/7, Nhật Bản và Mỹ thông báo phát hiện Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo rơi vào vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản.

Sự kiện này có vẻ không mới trong năm nay, nhưng thái độ của Triều Tiên lại được thể hiện đúng vào thời điểm căng thẳng nhất ở Nhật Bản, vì ngay trong ngày 28/7, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada đã chính thức nộp đơn từ chức. Chắc chắn sức ép lại tiếp tục dồn về chính quyền Thủ tướng Abe, vốn dĩ cũng đang sụt giảm uy tín nghiêm trọng.

Bà Inada rời chức cùng thời điểm với việc Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố kết quả điều tra cho thấy những thông tin về chiến sự tại Nam Sudan đã bị che đậy. Trước đây binh sĩ Nhật Bản tham gia một phần nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan, nhưng chủ yếu phục vụ hạ tầng.

Theo luật, Nhật Bản chỉ có thể đưa quân đội ra nước ngoài khi có lệnh ngừng bắn, nhưng chiến sự Nam Sudan diễn ra khốc liệt với hàng trăm người chết và hàng chục ngàn người mất nhà cửa. Có điều những thông tin trên lại không công bố cho người dân biết, tức ảnh hưởng tới quyết định tiếp tục hay dừng việc triển khai quân đội tại Nam Sudan, và cũng coi như ngó lơ sự an toàn của lính Nhật.

Việc từ chức của bà Inada, một đồng minh thân cận về chính sách của ông Abe, diễn ra chỉ vài ngày sau khi chính Thủ tướng Nhật cũng dính cáo buộc ưu ái cho một người bạn thân của ông mua đất kinh doanh với giá rẻ. Tính rộng ra từ năm 2012, có 6 bộ trưởng trong nội các của ông Abe phải từ chức.

Những kết quả khảo sát tỷ lệ tín nhiệm gần đây cho thấy mức độ ủng hộ dành cho ông Abe và chính quyền đang xuống mức thấp kỷ lục, với chỉ khoảng 25%. Chỉ số này phù hợp với thực tế rằng đảng LDP đã thất bại trong cuộc bầu cử Hội đồng Tokyo vừa qua, và đối diện với sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ của các đảng đối lập.

Hãng tin Kyodo nhận xét rằng, thực tế số phận của bà Inada đã được "định đoạt" trước cuộc cải tổ chính quyền sẽ diễn ra trong tuần này. Đảng LDP phải hành động để lấy lại uy tín, và một trong những điều đầu tiên là tìm cách "trảm" những người đang mất uy tín trong công chúng.

Bà Inada trước đó đã vướng chỉ trích sau khi phát biểu không chuẩn mực ở cuộc bầu cử Hội đồng Tokyo. Nữ chính trị gia 58 tuổi lấy tư cách "Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng và thay mặt Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản" để kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho một ứng viên đảng LDP. Đó là hành động vi phạm nguyên tắc trung lập của Bộ Quốc phòng, vốn phải cam kết không liên quan tới nhánh chính trị.

>>Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đối mặt dấu hỏi lớn về Abenomics

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Sóng thần" trong chính quyền Nhật Bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO