Toàn cảnh

Bản tin chiều 6/5: 3.000 chiếc đèn lồng, 7 tòa sen dọc kênh Nhiêu Lộc mừng Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc

NH 06/05/2025 16:00

Tin tức đáng chú ý chiều 6/5: Khai mạc triển lãm Văn hoá Phật giáo; 3.000 chiếc đèn lồng, 7 tòa sen dọc kênh Nhiêu Lộc mừng Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc; TP.HCM đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây mới chung cư cũ; Lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 từ 6/5; Dùng thẻ BHYT của người khác có thể bị phạt từ 40 triệu đồng.

Khai mạc triển lãm Văn hoá Phật giáo

Sáng ngày 5/5/2025, tại Học viện Phật giáo Việt Nam (huyện Bình Chánh, TP.HCM), Lễ khai mạc Triển lãm Văn hóa Phật giáo đã diễn ra trong không khí trang nghiêm và sâu lắng. Sự kiện là một trong những hoạt động trọng điểm nằm trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025, nhằm tôn vinh và quảng bá giá trị văn hóa đặc sắc của Phật giáo Việt Nam đến với đông đảo tăng ni, Phật tử và công chúng.

Triển lãm giới thiệu khái quát về văn hóa Phật giáo Việt Nam qua nhiều khía cạnh như ngôn ngữ, pháp phục, kiến trúc, mỹ thuật, di sản vật thể và phi vật thể.

Đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm

Đặc biệt, lần đầu tiên, mô hình và thông tin về 87 Bảo vật Quốc gia liên quan đến Phật giáo được công bố rộng rãi, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc bảo tồn và giới thiệu giá trị văn hóa Phật giáo đến với công chúng trong và ngoài nước. Trong số đó có những hiện vật quý hiếm được phục dựng kỳ công như tượng Phật A Di Đà tại chùa Phật Tích, bộ tượng Tam thế tại chùa Linh Ứng, những biểu tượng tiêu biểu cho các giai đoạn hình thành và phát triển của Phật giáo trên dải đất hình chữ S.

Không gian triển lãm còn gây ấn tượng mạnh với các khu trưng bày chuyên đề về nhạc cụ truyền thống, trà đạo, pháp phục, kinh sách, mộc bản, sắc phong, tranh ảnh Phật giáo. Mỗi hiện vật được trình bày không chỉ mang giá trị thẩm mỹ cao mà còn thấm đẫm tinh thần dân tộc, thể hiện chiều sâu văn hóa và tôn giáo. Qua đó, triển lãm góp phần lan tỏa tinh thần Phật pháp trong đời sống đương đại, khơi gợi niềm tự hào văn hóa và ý thức giữ gìn bản sắc truyền thống của dân tộc Việt Nam.

3.000 chiếc đèn lồng, 7 tòa sen dọc kênh Nhiêu Lộc mừng Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc

Nhân dịp Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc (Vesak) năm 2025, TP.HCM đã trở nên rực rỡ và thiêng liêng với hàng loạt hoạt động văn hóa - tâm linh do Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM cùng các quận, huyện và cơ sở tự viện trên địa bàn tổ chức.

Nổi bật trong chuỗi sự kiện này là công trình trang trí không gian mừng Đại lễ do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận Phú Nhuận phối hợp với Quan Âm tu viện thực hiện, tạo nên cảnh quan vừa trang nghiêm, vừa lung linh ấn tượng dọc theo tuyến kênh Nhiêu Lộc.

Đặc biệt, 3.000 chiếc đèn lồng rực rỡ được treo trang trí dọc tuyến kênh đã góp phần tạo nên không khí hân hoan, tôn nghiêm. Bên cạnh đó, 7 tòa sen khổng lồ được hạ thủy trang trọng trên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, biểu trưng cho bảy bước đi đầu tiên của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau khi đản sinh, đồng thời truyền tải thông điệp từ bi, hòa bình và sự tỉnh thức đến cộng đồng.

Song song đó, tại nhiều địa phương trong Thành phố, các buổi lễ kính mừng Phật đản Phật lịch 2569 - Dương lịch 2025 được tổ chức long trọng, bao gồm các nghi thức tâm linh, diễu hành, thuyết pháp, từ thiện xã hội… Những hoạt động này không chỉ thể hiện lòng tôn kính Đức Phật mà còn góp phần lan tỏa giá trị nhân văn, yêu thương và gắn kết cộng đồng trong đời sống hiện đại.

TP.HCM đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây mới chung cư cũ

TP.HCM hiện đang đứng trước yêu cầu cấp bách trong việc cải tạo, xây mới các chung cư cũ, đặc biệt là 16 chung cư đã được kiểm định cấp D - mức độ hư hỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng cư dân.

Dù nhu cầu di dời và tái thiết là rất lớn, thực tế triển khai lại gặp nhiều vướng mắc, từ việc bố trí tạm cư, giải quyết tranh chấp, cho đến khó khăn trong thu hút nhà đầu tư. Một ví dụ điển hình là chung cư Vĩnh Hội (quận 4) và Cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh), dù đã có kế hoạch di dời từ nhiều năm trước, song đến nay vẫn chưa thể triển khai xây dựng do sự chậm trễ trong công tác bồi thường, thiếu sự đồng thuận từ cư dân và đặc biệt là khó khăn trong hoàn tất thủ tục pháp lý.

cu-xa-thanh-da-3-1843.jpg.jpg
Các tòa nhà trong khu cư xá Thanh Đa quận Bình Thạnh, TP.HCM đang xuống cấp nghiêm trọng

Nhằm tháo gỡ những trở ngại này, TP.HCM đã có chỉ đạo bố trí ngân sách để hỗ trợ khâu lập, điều chỉnh quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ thủ tục đầu tư xây dựng. Đồng thời, thành phố cũng giao trách nhiệm cụ thể cho các quận, huyện trong việc phối hợp với nhà đầu tư và người dân, đảm bảo tiến độ di dời và tái định cư. Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, Luật Nhà ở 2023 cùng Nghị định 98/2024/NĐ-CP đã ban hành nhiều cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư, bao gồm quyền khai thác thương mại, hỗ trợ tài chính cho công tác di dời và xây dựng.

TP.HCM hiện cũng đang soạn thảo nghị quyết riêng để bổ sung các cơ chế đặc thù, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và hấp dẫn hơn cho doanh nghiệp tham gia. Đây được kỳ vọng sẽ là bước đột phá nhằm đẩy nhanh chương trình cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, một nhiệm vụ quan trọng để vừa đảm bảo an toàn cho cư dân, vừa tạo nên diện mạo đô thị hiện đại, bền vững.

Lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 từ 6/5

Từ ngày 6/5/2025, việc lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 chính thức được triển khai rộng rãi trên các nền tảng thông tin điện tử và phương tiện truyền thông đại chúng. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đã chỉ đạo công bố toàn văn dự thảo Nghị quyết cùng các tài liệu liên quan trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan báo chí lớn như VTV, VOV, Thông tấn xã Việt Nam.

Phiên họp thứ nhất của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Trước đó, vào chiều 5/5, tại Nhà Quốc hội, Phiên họp thứ nhất của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã diễn ra với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo cấp cao, bao gồm Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Cẩm Tú, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cùng nhiều Ủy viên. Tại đây, các dự thảo văn bản quan trọng phục vụ quá trình sửa đổi Hiến pháp như tờ trình, kế hoạch lấy ý kiến, quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ... đã được thảo luận và thống nhất thông qua với tỷ lệ tán thành 100%.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc sửa đổi Hiến pháp lần này có ý nghĩa lịch sử, cần được thực hiện khẩn trương, bài bản, minh bạch và có sự tham gia sâu rộng của toàn xã hội.

Đồng thời, yêu cầu ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đặc biệt là nền tảng VNeID, trong quá trình lấy ý kiến nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm của toàn dân.

Các cơ quan, đơn vị liên quan được giao nhiệm vụ nắm bắt dư luận, đẩy mạnh tuyên truyền, tổng hợp ý kiến đầy đủ, kịp thời giải trình và tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra. Đây là bước đi quan trọng nhằm hoàn thiện nền tảng pháp lý cho công cuộc đổi mới bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị trong giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước.

Dùng thẻ BHYT của người khác có thể bị phạt từ 40 triệu đồng

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự, trong đó đề xuất tăng gấp đôi mức phạt đối với hành vi gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế. Dự kiến, dự thảo sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua theo thủ tục rút gọn vào kỳ họp tháng 10 tới.

Sử dụng thẻ bảo hiểm y tế theo cách này có thể bị phạt đến 10 năm tù

Theo khoản 1 Điều 215 dự thảo, người dùng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) giả, thẻ bị thu hồi hoặc của người khác để khám chữa bệnh trái quy định có thể bị phạt từ 40 triệu đồng (hiện hành 20 triệu), cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Các hành vi như lập hồ sơ, bệnh án khống, kê đơn sai lệch, kê tăng chi phí, giả mạo thẻ BHYT đều nằm trong diện bị xử lý hình sự nếu gây thiệt hại từ 40 triệu đồng hoặc chiếm đoạt từ 20 triệu đồng trở lên.

Dự thảo cũng nâng mức phạt và ngưỡng xử lý hình sự đối với các tội danh gian lận và trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT. Cụ thể, mức tiền vi phạm tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội trốn đóng bảo hiểm được đề xuất tăng lên 100 triệu đồng (gấp đôi hiện hành). Mức phạt tiền thấp nhất cho hành vi này cũng được điều chỉnh lên 400 triệu đồng và có thể lên đến 6 tỷ đồng với pháp nhân thương mại vi phạm.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến cuối năm 2022, tổng số tiền nợ lãi do chậm đóng các loại bảo hiểm lên đến hơn 13.150 tỷ đồng, trong đó trên 4.000 tỷ là nợ khó thu hồi từ các doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn. Việc siết chặt xử lý các hành vi gian lận, trục lợi bảo hiểm là cần thiết để đảm bảo tính minh bạch, công bằng và bền vững cho hệ thống an sinh xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bản tin chiều 6/5: 3.000 chiếc đèn lồng, 7 tòa sen dọc kênh Nhiêu Lộc mừng Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO