Sóng gió ASEAN

LAM HỒNG| 20/07/2012 09:32

Diễn biến tranh chấp trên Biển Đông trở nên phức tạp hơn khi Trung Quốc ngày càng hung hăng trong các hoạt động quân sự đe dọa và công khai thể hiện mưu đồ chia rẽ các nước thành viên ASEAN.

Sóng gió ASEAN

Diễn biến tranh chấp trên Biển Đông trở nên phức tạp hơn khi Trung Quốc (TQ) ngày càng hung hăng trong các hoạt động quân sự đe dọa và công khai thể hiện mưu đồ chia rẽ các nước thành viên ASEAN.

Đọc E-paper

Trong khi Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN không đạt được đồng thuận về vấn đề Biển Đông và căng thẳng tranh chấp giữa TQ với Việt Nam và Philippines đang leo thang, thì Bắc Kinh ngày 12/7 điều động một đoàn 30 tàu đánh bắt cá khởi hành từ Hải Nam tới gần đảo Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa để đánh bắt cá trong 20 ngày.

Đây là hành động được xem là cực kỳ khiêu khích Việt Nam và các quốc gia láng giềng. Trước đó, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) còn trắng trợn đưa ra đấu thầu 9 lô thăm dò nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Ngoài căng thẳng với Việt Nam và Philippines, TQ còn công khai khiêu khích Nhật Bản khi 3 tàu tuần tra của Bắc Kinh tiến tới quần đảo có tranh chấp Senkaku mà TQ gọi là Điếu Ngư Đài.

Khi được yêu cầu bình luận về sự “ức hiếp” của TQ đối với các quốc gia láng giềng về vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario lo ngại: “Có vẻ họ (TQ) cứ mỗi ngày một hung hăng hơn!”.

Thậm chí, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Hoa Kỳ, cũng phải cảnh báo “cuộc xung khắc ở Biển Đông cần được giải quyết không áp chế, không bức hiếp, không đe dọa và không sử dụng vũ lực” trong bối cảnh CNOOC đã đem ra mời thầu cả khu vực nơi ExonMobile Mỹ đang hoạt động.

Giải thích cho các hành động “ngày một hung hăng hơn” của TQ trong vấn đề Biển Đông, báo chí quốc tế nhận định, sự thay đổi quyền lực trong giới lãnh đạo Bắc Kinh đang gây chia rẽ nội bộ là cơ hội để phe phái “diều hâu” lấn lướt trong nhiều quyết định.

Thái độ hiếu chiến của Bắc Kinh không đơn thuần là phản ứng trước việc Việt Nam thông qua Luật Biển, mà còn là phản ứng trước thái độ cứng rắn của Philippines cũng như quyết định của chính quyền Mỹ Obama là tái cân bằng lực lượng qua khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Có thể TQ đã cho rằng tình trạng chia rẽ, lộn xộn trong ASEAN và tình hình Mỹ đang bận bầu cử là cơ hội để họ hành động quyết đoán hơn.

Thực tế, Hội nghị Thượng đỉnh của 10 nước Đông Nam Á bế mạc ở Campuchia ngày 13/7 mà không đạt được thỏa thuận về một Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC). Đây là lần đầu tiên trong 45 năm của ASEAN mà một hội nghị bộ trưởng không có thông cáo chung.

Điều này cho thấy nội bộ khối vẫn còn chia rẽ sâu sắc trong chủ đề quan trọng đối với an ninh khu vực. Theo Kyodo, Việt Nam yêu cầu thông cáo chung nhắc tới “ranh giới trên biển của khu vực kinh tế đặc quyền và tranh chấp thềm lục địa giữa Philippines, Việt Nam và TQ”, trong khi Philippines muốn đề cập tới “Bãi cạn Scarborough” trong văn bản. Yêu cầu trên đã bị chính nước chủ nhà Campuchia không chấp nhận!

Diễn đàn an ninh khu vực ARF 19 cùng các cuộc hội nghị ASEAN, ASEAN+3 trước đó đều không mang lại được điều gì mới trong thúc đẩy đàm phán COC. Việc đàm phán giữa ASEAN và TQ về COC, vốn đã được ASEAN thống nhất nguyên tắc, xem ra chưa thể bắt đầu sớm để hoàn tất vào tháng 11 này như trông đợi.

TQ đã cương quyết tuyên bố chỉ giải quyết tranh chấp ở Biển Đông với từng quốc gia liên quan, không qua một diễn đàn khu vực. Theo đó, từ lâu TQ đã tìm cách gây ảnh hưởng tới các thành viên ASEAN theo chiến thuật “bẻ bó đũa”, đặc biệt Bắc Kinh liên tục dùng Hội nghị Thượng đỉnh các nước tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) làm diễn đàn loan báo tiền viện trợ và đầu tư cho các nước.

Mới đây, TQ hào phóng tài trợ cho Campuchia 19 triệu USD, và đưa học viên sĩ quan nước này qua TQ đào tạo. Bắc Kinh cũng khuyến khích Pakistan bán máy bay “Thần Sấm” FC1 cho Indonesia. Thông qua hợp đồng trao đổi vũ khí do TQ sản xuất, TQ cũng tính toán buộc Indonesia phải lệ thuộc vào mình nhiều hơn...

Dường như đã nhìn rất rõ ý đồ của TQ khống chế ASEAN về vấn đề Biển Đông thông qua các nước không có tranh chấp trực tiếp như Campuchia, Thái Lan, Indonesia.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Phó tổng thống Philippines Jejomar Binay thống nhất kêu gọi 4 quốc gia thành viên ASEAN có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông là Philippines, Malaysia, Việt Nam và Brunei nên nhóm họp riêng với nhau để bàn bạc làm thế nào giải quyết bế tắc sau sự kiện căng thẳng trên bãi Scarborough.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Koichiro Genba tuyên bố về kế hoạch phối hợp riêng với ASEAN tổ chức diễn đàn về củng cố lực lượng an ninh Biển Đông vào năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sóng gió ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO