Somaliland - xã hội phi tiền mặt đầu tiên trên thế giới

04/12/2017 06:55

Tiền mặt mất giá, mọi giao địch đều đòi hỏi thật nhanh, vì thế hầu hết người dân Somaliland đều thanh toán qua điện thoại.

Somaliland - xã hội phi tiền mặt đầu tiên trên thế giới

Khoảng 5-6 người đang vây quanh cửa ngôi nhà gỗ sơn màu sặc sỡ trên con phố chính ở Hargeisa, Somaliland, Đông Phi, ầm ĩ tranh luận về chất lượng lá khat - một loại lá chứa chất gây nghiện giống cocain, mà người bán mang ra, theo BBC.

Người mua lá khat thanh toán cho người bán qua di động. Ảnh: Matthew Vickery

Khách đến, chọn lựa một bó lá màu xanh tươi ngon, trước khi hý hoáy nhập số vào điện thoại rồi nhanh chóng rời đi.

"Chúng tôi cần làm mọi việc thật nhanh, mà trả tiền mặt thì quá lâu", Omar, một trong những người bán lá khat, vừa nhai túm lá màu xanh biếc, vừa giải thích. "Khách hàng sẽ bình tĩnh hơn nếu nhanh chóng mua được lá khat".

Không một đồng tiền mặt nào được giao dịch ở đây, cũng không có thẻ tín dụng. Khách hàng cũng chẳng lấy lá khat miễn phí, mà trả tiền qua điện thoại di động. Trên con phố đầy bụi bặm ở Hargeisa vào một ngày tháng 9, tiền được chuyển qua di động chỉ vài giây.

Somaliland không có nhiều thứ dẫn đầu thế giới nhưng giao dịch phi tiền mặt có lẽ là nước tiên phong. Đây là một quốc gia tự tuyên bố độc lập, tách khỏi Somalia năm 1991 nhưng chưa được cộng đồng quốc tế công nhận. Vùng đất nhỏ bé này đang trở thành một trong những xã hội phi tiền mặt đầu tiên trên thế giới.

Dù là mua bán ở vỉa hè hay trong siêu thị lớn, thanh toán qua điện thoại đã nhanh chóng biến thành chuẩn mực.

"Bây giờ ai cũng chi trả qua điện thoại", Oma vừa nói vừa thao tác một giao dịch trên di dộng bằng một tay. "Mua bán kiểu này đơn giản hơn nhiều".

Động cơ để Somaliland phát triển loại hình thanh toán này do đồng shilling mất giá rất nhanh, với 1 USD ăn 9.000 shilling. Vài năm trước, tỷ giá chỉ bằng một nửa. Somaliland tách khỏi Somalia năm 1991 khi cuộc nội chiến chết chóc ở quốc gia này bắt đầu, và xung đột dưới nhiều hình thức khác nhau vẫn tiếp tục tới nay.

Đồng shilling cũng trải qua nhiều biến cố. Năm 1994, nó được đưa vào sử dụng, là công cụ mua bán vũ khí trong cuộc chiến tranh khu vực chống lại các nhóm vũ trang, trước khi được in ấn và phát hành theo yêu cầu của giới quan chức tại nước cộng hòa ly khai này, nhằm mục đích chính trị sâu xa hơn, khiến đồng tiền ngày một mất giá.

Tiền có mệnh giá thấp nhất là 500, cao nhất là 1.000. Do đó, để mua một món hàng tạp hóa, cần trả một xấp tiền, còn nếu thực hiện giao dịch lớn hơn, cần tới một túi đầy tiền.

Những người kiếm sống trên phố bằng nghề đổi tiền đô Mỹ và đồng Euro sang đồng shilling dùng xe cút kít để vận chuyển hàng đống tiền giấy từ phố này sang phố khác.

Ở đây không có ngân hàng được quốc tế công nhận, không có hệ thống ngân hàng chính thức, còn máy rút tiền ATM là một khái niệm xa lạ. Hai công ty tư nhân là Zaad, thành lập năm 2009 và e-Dahab, mới thành lập, đã lấp đầy khoảng trống bằng cách tạo ra kinh tế ngân hàng di động, nơi tiền được lưu trên điện thoại và ký gửi ở hai công ty này, cho phép mua bán hàng hóa bằng số cá nhân.

"Để mua một món trong số này bằng đồng shilling, anh phải trả từ một đến hai triệu" Ibrahim Abdulrahman, một thanh niên 18 tuổi là nhân viên trong một tiệm trang sức, nói. Ibrahim chỉ vào một sợi dây chuyền vàng mảnh, cười khúc khích về chuyện có người muốn mua hàng bằng đồng nội tệ.

"Một người không thể đem theo chừng đó tiền trên người, quá nhiều. Anh chắc phải cầm theo cả túi to", Ibrahim nói. "Bây giờ chúng tôi không nhận tiền shilling nữa, chỉ nhận tiền đô và thanh toán qua di động thôi".

Phổ biến

Từ những cửa hàng xây bằng gạch vữa ở Hargeisa cho tới những người bán hàng rong ngồi trên các thùng gỗ cũ trên những con đường bụi bặm ở vùng nông thôn, tiền mặt đang dần biến mất khi ngày càng nhiều người lựa chọn cách mua bán phi tiền mặt.

Tại nơi có tỷ lệ mù chữ cao như Somaliland, tính đơn giản và đa năng đã giúp công nghệ phát triển. Việc thanh toán chỉ đòi hỏi bỏ chút công gõ vài con số theo mã có sẵn cho người bán hàng. Những mã này dán khắp nơi, từ việc dán thô sơ trên tường cửa tiệm, cho tới được in tráng nhựa rồi treo trong cửa hàng. Việc thanh toán không đòi hỏi truy cập Internet, vì thế, loại điện thoại thô sơ nhất cũng có thể sử dụng. Người dùng chỉ cần chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng điện tử trong điện thoại tới tài khoản khác gõ số và nạp mã giống như nạp thẻ điện thoại.

"Đây là doanh số hôm nay của tôi đấy", Eman Anis, một phụ nữ 50 tuổi xởi lởi, bán hàng trong chợ vàng nhộn nhịp ở Hargeisa khoe số tiền giao dịch qua điện thoại của bà hôm nay. Thanh toán qua di động đã tăng vọt từ 5% hai năm trước lên hơn 40% bây giờ.

"Dùng điện thoại thanh toán dễ dàng hơn. Tỷ giá hối đoái luôn là cả vấn đề, nhưng giờ chúng tôi có thể giao dịch mọi thứ qua Zaad", bà Anis nói, nhắc tới phương thức thanh toán di động phổ biến nhất Somaliland. "Giờ thì cả người ăn xin cũng có Zaad".

Bà Anis không nói ngoa. Hệ thống thanh toán di động không chỉ khiến người tiêu dùng và thương nhân có cuộc sống thuận tiện hơn, mà còn đem lại cuộc sống dễ chịu hơn cho những người nghèo khó nhất.

1 USD ăn 9.000 shilling. Người mua sắm phải vác cả túi tiền lang thang trên phố. Ảnh: AFP

Hạn hán nghiêm trọng ở Somaliland năm 2016 ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn người sống nhờ nghề nông. Công nghệ thanh toán di động cho phép người Somaliland ở thành thị lập tức chuyển tiền cho người thân ở quê đang đói khổ.

"Vì hạn hán, chúng tôi chẳng còn gì để bán, cũng không có tiền sinh sống. Người nhà đã gửi tiền giúp chúng tôi", Mahmoud Abdulsalam, một người chăn lạc đà phải di dời chỗ ở tới Haaro, miền đông Somaliland, nói. "Ở nông thôn, chúng tôi cũng dùng chuyển tiền qua điện thoại".

Các nhà cung cấp dịch vụ cho biết số lượng giao dịch qua điện thoại đã tăng từ 10-20% vào năm ngoái lên gần 50% vào năm 2017. Công nghệ này đang nhanh chóng trở thành phương thức thanh toán được ưa chuộng nhất ở vùng đất nhỏ bé Somaliland, nơi kinh tế kém phát triển, phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu lạc đà. Một số công ty ở đây cũng bắt đầu trả lương nhân viên qua điện thoại di động.

Một nghiên cứu thực hiện năm 2016 cho thấy 88% người Somali trên 15 tuổi sở hữu ít nhất một thẻ sim, với 81% sống ở thành thị và 62% sống ở nông thôn, sử dụng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.

Điện thoại giá rẻ đang ngày một phổ biến ở lục địa này. Những quốc gia châu Phi khác như Ghana, Tanzania và Uganda đang bắt đầu cuộc cách mạng tiền tệ tương tự với điện thoại di động, qua phiên bản Zaad ở Kenya là M-Pesa, được cho là có một nửa dân số sử dụng.

Tuy nhiên, không phải ai cũng vui sướng với sự phát triển nhanh chóng này.

E ngại

Một số người phàn nàn về nạn tham nhũng trong chính phủ, lo ngại luật pháp thiếu chặt chẽ, trong lúc hai công ty tư nhân trong lĩnh vực ngân hàng điện thoại di động tiếp tục gây ảnh hưởng không kiểm soát được tới nền kinh tế vốn mong manh này, khi phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu gia súc trong khu vực thường xuyên có hạn hán và vài tháng một lần lại xảy ra các vụ gia súc chết hàng loạt.

Ở những quốc gia khác, thanh toán qua điện thoại sử dụng đồng nội tệ nhưng tại Somaliland, cả hai công ty có ảnh hưởng nhất đều sử dụng đồng đôla Mỹ, khiến khu tự trị ở Đông Phi ngày một phụ thuộc vào đồng ngoại tệ này.

Hệ thống này không chỉ làm ảnh hưởng tới việc kinh doanh của những người làm nghề đổi tiền trên phố như Mustafa Hassan, người đang bị hàng bó tiền shilling xếp chồng lên nhau cao như núi vây quanh; mà còn gây tham nhũng, lạm phát và tạo ra một nền kinh tế nhỏ bất hợp pháp trong chính nó.

"Chúng tôi mong chính phủ sẽ điều chỉnh hoặc ngăn chặn nó (hệ thống thanh toán qua di động), bởi có rất nhiều vấn đề với hệ thống này. Hệ thống này do hai công ty kiểm soát và như thể họ chỉ việc in tiền", Hassan nói, trong khi những người chuyên kinh doanh đổi tiền xung quanh ông gật đầu đồng ý.

"Hệ thống này đang gây lạm phát. Mọi người đáng lẽ cất tiền trong túi nay lại dùng di động, thậm chí để thanh toán những việc nhỏ nhất như mua vé xe buýt, không một giao dịch nào được thực hiện bằng đồng nội tệ mà hoàn toàn bằng đồng đôla", ông bày tỏ.

Dù vậy, Hassan vẫn sử dụng hệ thống thanh toán di động. Khách hàng có thể gửi đôla trực tiếp vào điện thoại của ông để đổi sang đồng shilling ngay trên phố.

"Giao dịch thế này dễ hơn, anh ạ. Người ta có thể gửi tiền cho tôi nhanh chóng và dễ dàng", Hassan thừa nhận. "Trở thành xã hội phi tiền mặt là điều khả thi ở đây, thực tế là chúng tôi đang trên đà này. Mà xu thế này có ý nghĩa gì với người làm nghề đổi tiền như tôi, tôi cũng không biết".

Khi những người Somaliland vẫn tiếp tục sử dụng công nghệ này và chấp nhận tác động của nó tới nền kinh tế, thì những người như Hassan có thể hy vọng rằng ít nhất vẫn còn một số người kiên quyết bài trừ công nghệ này.

"Mang cả cái ngân hàng trong túi lúc nào cũng có thể bị trộm. Tôi luôn dùng tiền mặt để mua bán mọi thứ", Abdullah, một người đàn ông lớn tuổi nói. Ông xuất hiện như một người dị thường ở chỗ bán lá khat vì trả bằng tiền mặt chứ không bằng điện thoại.

"Tôi không biết khi nào sẽ chuyển sang dùng di động", ông nói to, vội vã rời đi về hướng con phố đông đúc, trong khi tiếng còi ầm ĩ giục mọi người đi sát vào lề đường.

"Hỏi tôi chuyện đó cứ như hỏi tôi bao giờ xuống lỗ vậy, trời mới biết được!".

(Theo Vnexpress)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Somaliland - xã hội phi tiền mặt đầu tiên trên thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO