Sôcôla Việt Nam - mặt hàng cao cấp ở Nhật

BÍCH TRÂM (theo Bloomberg)| 27/05/2016 06:58

Doanh thu của sôcôla thủ công Việt Nam Marou tại Nhật Bản tăng gấp đôi mỗi năm kể từ khi bước chân vào thị trường này cách đây 3 năm.

Sôcôla Việt Nam - mặt hàng cao cấp ở Nhật

Naoko Otsuka (55 tuổi) – một phụ nữ nội trợ ở Nhật – chấp nhận mua các thanh sôcôla được làm từ hạt ca cao Việt Nam bằng phương pháp thủ công với giá 17.500 yen/kg, tương đương hơn 3,5 triệu đồng/kg. Con số này cao hơn khoảng 8 lần so với các loại sôcôla từ nhiều nguồn khác thường được bày bán ở các siêu thị tại Nhật.

Những người tiêu dùng như Otsuka đang góp phần đẩy mạnh nhu cầu sử dụng sôcôla cao cấp – một ngách sản phẩm đang ngày càng “lấn lướt” thị trường sôcôla rộng lớn vốn đang được thống trị bởi các hãng danh tiếng như Hershey và Mondelez International. Doanh thu của sôcôla thủ công Việt Nam Marou – thương hiệu sôcôla yêu thích của bà nội trợ Naoko Otsuka – tại Nhật tăng gấp đôi mỗi năm kể từ khi bước chân vào thị trường này cách đây 3 năm.

“Sự tăng trưởng này phản ánh nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trong những năm gần đây đối với việc sử dụng sôcôla có nguồn gốc rõ ràng", Jonathan Parkman – một nhà quản lý tại Hãng môi giới Marex Spectron Group (London, Anh) cho biết. Trên thực tế, Công ty Meiji Holdings dù kinh doanh sôcôla ở Nhật từ năm 1918 và cho biết hiện chiếm 23,8% thị trường nội địa, cũng chỉ mới tung ra thị trường dòng sản phẩm được làm từ hạt ca cao Brazil và Venezuela vào tháng 9/2014. Dòng sôcôla sữa này được bán ở các siêu thị với giá 2.200 yen/kg, tương đương 450.000đ/kg.

Sôcôla Marou được bày bán ở Nhật. Ảnh: Akio Kon/Bloomberg

Xu hướng

"Bean-to-bar"

Yuko Nakamura - phát ngôn viên tại văn phòng Tokyo của Meiji cho rằng, "Bean-to-bar" (cụm từ chỉ các loại sôcôla được cùng một nhà sản xuất thực hiện toàn bộ từ khâu xử lý hạt ca cao đến xuất xưởng thanh sôcôla) được khởi xướng bởi các nhà sản xuất sôcôla thủ công và là một xu hướng không thể chối cãi.

Cả nhà sản xuất và người tiêu dùng đều muốn có sự công khai thông tin nguồn gốc sản phẩm, không chỉ là thông tin xuất xứ hạt ca cao mà còn là thông tin chính xác nơi sản xuất và cách chế biến sôcôla. 

Thị trường bán lẻ sôcôla toàn cầu tăng 6,7%, lên 101 tỷ USD vào năm 2015, theo Hãng nghiên cứu Euromonitor International. Theo đó, người tiêu dùng trả trung bình 14 USD cho 1kg sôcôla. Con số này riêng ở Nhật Bản là 22 USD/kg (Nhật Bản là thị trường tiêu thụ sôcôla lớn nhất châu Á).

Khi người tiêu dùng chú trọng đến yếu tố sức khỏe

“Tôi thích ăn sôcôla có chứa nhiều ca cao, vì nó tốt cho sức khỏe. Con trai tôi đang học năm cuối phổ thông, tôi cũng muốn cho nó ăn nhiều sôcôla để giảm bớt căng thẳng khi ôn tập cho kỳ thi đại học sắp tới”, bà nội trợ Nakao Otsuka cho biết thêm.

Hiroshi Sasaki – một đối tác phân phối sôcôla Marou cho rằng: "Xu hướng tiêu dùng sôcôla ở Nhật cũng tương tự như xu hướng tiêu dùng cà phê. Trong những năm gần đây, khách hàng thích thưởng thức cà phê bằng cách trải nghiệm hương vị khác nhau của từng loại hạt cà phê cụ thể chứ không còn chuộng kiểu cà phê hòa tan vốn được làm từ các loại hạt cà phê rẻ tiền nữa. Sự thay đổi này phản ánh nhận thức rằng cà phê là một loại thức uống cao cấp với giá cả phải chăng hơn là một nhu cầu đồ uống hằng ngày”.

Tại Nhật Bản, doanh thu bán lẻ sôcôla tăng 7% lên mức 405 tỷ yen (3,7 tỷ USD) vào năm 2015, theo Euromonitor. “Góp phần vào mức tăng trưởng này là sự nhận thức được giá trị dinh dưỡng của sôcôla (đặc biệt là vì có chứa hợp chất chống oxy hóa polyphenols), giúp định hình nó là một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe.

Hạt ca cao Việt Nam được ưa chuộng tại Nhật. Ảnh: Akio Kon/Blommberg

Thời của ca cao chất lượng

Giá ca cao giao ở New York tăng lên 10% vào năm ngoái, sau khi tăng 38% trong giai đoạn 2011 – 2014. “Trong dài hạn, nhu cầu đối với mặt hàng ca cao nhiều khả năng sẽ tăng từ 2 – 3% mỗi năm, nhờ vào sự tăng trưởng ở thị trường châu Á – nơi mà mức tiêu thụ trên đầu người còn thấp. Vì thế, còn rất nhiều dư địa để thị trường sôcôla phát triển”, Jonathan Parkman cho biết thêm.

“Việc trả giá cao cho các loại hạt có chất lượng tốt hơn từ nhiều nguồn khác nhau không những có lợi cho nhà sản xuất mà còn có lợi cho người tiêu dùng. Sự đa dạng hóa nguồn gốc giúp tạo ra một “hàng rào” bảo vệ cây trồng khỏi sự bất lợi của thời tiết xấu”, Makiko Tsugata – nhà phân tích sản phẩm của Mizuho Securities nói.

Samuel Maruta – Chủ tịch Công ty sôcôla Marou cho biết, Marou liên kết chặt chẽ với nhiều nông dân ở khắp 6 tỉnh của Việt Nam để tìm ra những loại hạt ca cao mang hương vị khác biệt nhờ sự kết hợp của các yếu tố đặc trưng như thổ nhưỡng, khí hậu…

Samuel Maruta cùng với Vincent Mourou cùng sáng lập ra công ty sôcôla Marou mới hơn 5 năm sau khi tình cờ gặp nhau ở Việt Nam. “Một ngày của tháng 2/2011, khi mua 2kg hạt ca cao Việt Nam đầu tiên và quyết định làm sôcôla, chúng tôi biết mình không thể dừng lại. Việc bắt tay vào sản xuất và kinh doanh sôcôla lúc đó giống như một canh bạc, chúng tôi cược rằng mọi người sẽ thích sôcôla được làm từ hạt ca cao Việt Nam”, Maruta nói trong một cuộc phỏng vấn.

Marou xuất khẩu khoảng 70% sản phẩm của Công ty, phần lớn là vào thị trường Mỹ và Pháp. “Ở Mỹ, rất nhiều người thích sôcôla thủ công. Xu hướng này chưa từng xảy ra cách đây 10 năm, nhưng bây giờ nó đang ngày càng lớn mạnh”, Samuel Maruta nhận định.

>Ca cao Việt Nam: Cờ đã đến tay?

>Đưa sôcôla Việt đến với các đầu bếp chuyên nghiệp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sôcôla Việt Nam - mặt hàng cao cấp ở Nhật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO