Quan hệ Nga-Mỹ xấu, Trung Quốc hưởng lợi

18/08/2013 01:52

Những bước tiến giữa Nga và Trung Quốc trong các thương vụ mua bán vũ khí công nghệ cao mới liên quan tới máy bay chiến đấu đa năng Su-35 (thế hệ 4++) cho thấy sự thất bại của Mỹ trong quan hệ với Nga ở “thời đại Obama”.

Quan hệ Nga-Mỹ xấu, Trung Quốc hưởng lợi

Những bước tiến giữa Nga và Trung Quốc trong các thương vụ mua bán vũ khí công nghệ cao mới liên quan tới máy bay chiến đấu đa năng Su-35 (thế hệ 4++) cho thấy sự thất bại của Mỹ trong quan hệ với Nga ở “thời đại Obama”.

Đọc E-paper

>> Lý Quang Diệu bàn về Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới
>> Cuộc so kè hình ảnh Hoa Kỳ và Trung Quốc trên thế giới

Tính tới thời điểm này, máy bay chiến đấu của không quân Trung Quốc hiện đại nhất cũng chỉ cùng thế hệ với máy bay tác chiến chủ lực của không quân Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam, tức là thế hệ thứ ba. Về mặt công nghệ, máy bay chiến đấu Su-30 MKI của Ấn Độ thậm chí còn có tính năng cơ bản vượt máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba của không quân Trung Quốc. Đối với Nhật Bản, nước này có tất cả các loại trang bị vũ khí, chủng loại máy bay chiến đấu mà không quân Trung Quốc sở hữu, hơn nữa, còn đi trước Trung Quốc trong một số lĩnh vực công nghệ.

Tuy nhiên, sau khi sở hữu 24 chiếc Su-35, trình độ tác chiến của không quân Trung Quốc ít nhất sẽ dẫn trước không quân Nhật Bản và không quân Ấn Độ nửa thế hệ trở lên. Bởi Su-35 là loại máy bay được thế giới công nhận thuộc thế hệ 4++, trang bị động cơ công suất lớn với lực đẩy gia tốc lên tới 14.500kg, khiến Su-35 có năng lực đạt được tốc độ siêu âm nhanh chóng. Hơn nữa, Su-35 còn được trang bị hệ thống công nghệ kiểm soát lực đẩy kiểu vector (TVC) mà Nhật Bản và Việt Nam không có, chỉ có máy bay chiến đấu Su-30 MKI của không quân Ấn Độ là được trang bị công nghệ TVC.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400

Thương vụ này không chỉ khiến Nga và Trung Quốc một lần nữa xích lại gần nhau về mặt chính trị, ngoại giao, mà còn hiện thực hóa “quan hệ đối tác chiến lược” giữa Nga và Trung Quốc. Từ nay về sau, Nga và Trung Quốc có thể sẽ có thái độ thống nhất trong hàng loạt vấn đề đối ngoại và chiến lược.

Xem xét lịch sử mua bán vũ khí giữa Nga và Trung Quốc, người ta thấy rằng khi quan hệ Nga-Mỹ có chuyển biến tích cực, thậm chí ở trạng thái tốt đẹp thì việc xuất khẩu vũ khí từ Nga sang Trung Quốc cũng vẫn chỉ là những vũ khí công nghệ thông thường và vấn đề chất lượng vũ khí dành cho thị trường Trung Quốc luôn chịu sự hạn chế lớn. Ví dụ: Năm 1992, dưới thời Boris Yeltsin làm Tổng thống Nga, quan hệ Nga-Mỹ được coi như “đồng minh” và khi đó, Nga rất thiếu tiền, nhưng không bán công nghệ vũ khí cao cho Trung Quốc và đặc biệt là Ấn Độ. Đa số vũ khí Nga xuất khẩu cho Trung Quốc là máy bay chiến đấu Su-27 SK. Nga không bán cho Trung Quốc nhiều hệ thống vũ khí khác.

Sau đó, mức độ công nghệ vũ khí mà Nga bán cho Trung Quốc luôn trồi sụt, lúc cao lúc thấp. Nhưng về tổng thể, dưới thời Yeltsin, do vẫn ôm ấp hy vọng gia nhập châu Âu, cho nên Moscow đã thực thi chính sách coi trọng phương Tây. Bối cảnh đó đã khiến Nga không xuất khẩu vũ khí công nghệ cao cho Trung Quốc. Vào giai đoạn đầu của “thời đại Putin”, Nga vẫn kỳ vọng rằng chính sách gia nhập châu Âu có thể thành công và việc xuất khẩu vũ khí cho Trung Quốc ở chừng mực nào đó vẫn phải chịu sự hạn chế về công nghệ.

Bắt đầu từ năm 1999, trong quan hệ Nga-Mỹ xuất hiện những va chạm lớn về địa chính trị và chiến lược ngoại giao. Những sự kiện như chiến tranh Balkan, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng sang phía Đông, NATO tiến vào Trung Á, nơi được mệnh danh là “sân sau” của Nga… khiến cho quan hệ Mỹ-Nga rơi vào tình trạng căng thẳng hơn. Trong thời gian này, Nga đã bán cho Trung Quốc nhiều hệ thống vũ khí với công nghệ cao hơn như máy bay chiến đấu Su-30 MK2, Su-30 MKK…

Mỹ phóng thử tên lửa đánh chặn SM3 Block II

Sau khi ông Putin quay trở lại Điện Kremli làm tổng thống vào năm 2012, quan hệ chiến lược Nga-Mỹ, Nga-châu Âu đứng trước thách thức mới. Điều đó giải thích tại sao trong rất nhiều vấn đề quốc tế, Nga cần tới sự hợp tác của Trung Quốc như vấn đề Syria chẳng hạn. Sự lạnh giá trong quan hệ Nga-Mỹ phần nào có thể nhìn thấy từ việc Tổng thống Mỹ Barack Obama chậm trễ trong việc chúc mừng ông Putin thắng cử. Sau đó vào tháng 6-2012, ông Putin thậm chí còn không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G8 (diễn ra tại Trại David ở Mỹ). Ông Putin không muốn nhìn thấy thái độ không thân thiện của lãnh đạo phương Tây đối với mình.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400

Tổng hợp bối cảnh quốc tế lớn trong hai năm qua, người ta thấy Nga và Trung Quốc ngày càng xích lại gần nhau trong quan điểm về nhiều vấn đề. Trước tiên, việc Mỹ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo đã trở thành trở ngại gai góc nhất đối với quan hệ Nga-Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Putin, đặc biệt là khi Mỹ muốn bố trí radar và tên lửa đánh chặn ở Ba Lan, Cộng hòa Séc và Rumani. Năm 2013, vấn đề này tạm thời được gác lại, không phải là do Mỹ có nhượng bộ chính trị mà do sự thiếu hụt về ngân sách của nước này.

Mỹ phóng thử tên lửa đánh chặn SM3 Block II

Vấn đề xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Á đã tác động tới quan hệ bốn bên là Nga, Trung Quốc và Mỹ, Nhật Bản. Đó là nguyên nhân cơ bản khiến cho thái độ ngoại giao của Moscow đối với Tokyo ngày càng trở nên cứng rắn. Bởi việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Á sẽ đụng chạm tới lợi ích căn bản của Nga về an ninh chiến lược ở vùng Viễn Đông.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã biểu thị một cách rõ ràng sẽ cùng Mỹ nghiên cứu chế tạo hệ thống đánh chặn SM3 Block II/II A. Hệ thống này có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm xa. Lần thử nghiệm đầu tiên của hệ thống này đã diễn ra vào năm 2012. Theo kế hoạch, hệ thống sẽ được bố trí vào năm 2018.

Bước tiếp theo, khi tên lửa đánh chặn Block II B đạt tốc độ bay lên tới 6,5km/giây, hệ thống sẽ có khả năng đánh chặn hạn chế đối với tên lửa xuyên lục địa. Do đó, trong giai đoạn tới, việc Trung Quốc và Nga bắt tay phản đối việc Mỹ-Nhật bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo ở châu Á sẽ trở thành vấn đề then chốt trong cuộc đấu giữa các nước lớn.

Việc Nga và Mỹ không tin tưởng lẫn nhau thậm chí còn được phản ánh trong một số lĩnh vực không thuộc phạm vi lợi ích cốt lõi của quốc gia. Ví dụ, sau khi trở lại làm tổng thống, ông Putin đã ký sắc lệnh cấm người Mỹ được nhận trẻ em Nga làm con nuôi. Trước đó, Mỹ cũng đưa ra “Dự luật nhân quyền Magnitsky” nhằm áp đặt biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Nga bị cáo buộc vi phạm nhân quyền.

Cuộc tranh giành quyền chủ đạo về chiến lược địa chính trị giữa Nga và Mỹ còn được thể hiện rõ trong vấn đề hạt nhân của Iran. Từ trước tới nay, Nga và Trung Quốc đều phản đối việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran bằng biện pháp trừng phạt toàn diện. Iran là thị trường xuất khẩu vũ khí chủ yếu của Nga và Trung Quốc. Đặc biệt, Trung Quốc lệ thuộc nghiêm trọng vào tài nguyên dầu mỏ của Iran.

Tóm lại, mấy năm gần đây, Nga và Trung Quốc dường như có thái độ hoàn toàn thống nhất trong các vấn đề quốc tế chủ yếu. So với việc Trung Quốc làm nhái vũ khí của Nga, những lợi ích về ngoại giao, chiến lược và an ninh quốc gia (mà Nga có được từ sự ăn ý với Trung Quốc) rõ ràng lớn hơn nhiều.

Quan hệ Nga-Mỹ không được cải thiện triệt để, điều đó đồng nghĩa với việc hợp tác chiến lược và hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc sẽ trở nên nồng ấm. Ở giai đoạn tiếp theo, cùng với những tiến triển trong kế hoạch bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa SM 3 Block II ở châu Á của Mỹ và Nhật Bản, hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc có thể sẽ được nâng cấp. Hậu quả trực tiếp là khả năng Trung Quốc có được hệ thống tên lửa phòng không S-400 một cách dễ dàng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quan hệ Nga-Mỹ xấu, Trung Quốc hưởng lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO