Qatar muốn mua cả thế giới

02/03/2012 02:29

Bằng việc đầu tư ra khắp thế giới, Qatar - vương quốc Hồi giáo nhỏ bé bên bờ vịnh Persic, đang tìm cách khẳng định vị trí của mình trong thế giới Arap. Nhưng thái độ can thiệp quá mức của quốc gia này cùng một lúc gây nên những thích thú và lo ngại.

Qatar muốn mua cả thế giới

Bằng việc đầu tư ra khắp thế giới, Qatar - vương quốc Hồi giáo nhỏ bé bên bờ vịnh Ba Tư, đang tìm cách khẳng định vị trí của mình trong thế giới Arap. Nhưng thái độ can thiệp quá mức của quốc gia này cùng lúc gây nên những thích thú và lo ngại khác nhau.

Biếm họa về việc đầu tư tài chính khắp thế giới của Qatar

Với diện tích 11.500km2, 1,7 triệu dân, trong đó 85% là dân nhập cư, đất nước nhỏ bé này có uy lực của “một con voi ma mút” về phương diện ngoại giao và kinh tế. Dựa vào một nền công nghiệp chế biến dầu khí thuộc loại tiên tiến nhất thế giới, Qatar tiến hành một chính sách can thiệp trên rất nhiều lĩnh vực.

Trong thời gian gần đây, không chỉ giành được quyền tổ chức Giải vô địch Bóng đá Thế giới 2022 và mua lại câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng của Pháp PSG, Qatar còn đầu tư vào nhiều mỏ vàng ở Hy Lạp (trị giá 1 tỉ USD), mua lại 5% Ngân hàng Santander (Brazil), một cơ sở tài chính lớn nhất ở Nam Mỹ, góp 1 tỉ USD vào một quỹ đầu tư ở Indonesia…

Cùng lúc với các đầu tư tài chính khắp nơi, Qatar cũng đi đầu trong việc ủng hộ các phong trào dân chủ trong thế giới Arập, với việc gửi các máy bay Mirage và các lực lượng đặc biệt chiến đấu bên cạnh quân nổi dậy Libya và tuyên bố chống lại Tổng thống Syria Bachar al-Assad.

Để hiểu được các động lực thúc đẩy tiểu quốc này trong cuộc chiến khẳng định vị thế của mình, cần trở lại thời kỳ quốc vương Hamad Ben Khalifa Al-Thani mới lên nắm quyền năm 1995, sau khi lật đổ chính cha mình đang công du ở nước ngoài lúc đó.

Một trong những quyết định quan trọng đầu tiên của quốc vương mới là thành lập mạng truyền hình vệ tinh Al-Jazira vào năm 1996. Cơ sở truyền thông mới này là phương tiện gây ảnh hưởng của nền ngoại giao Qatar.

Năm 2003, Qatar mở thêm cánh cửa về phương Tây, với việc cho phép Mỹ lập căn cứ không quân lớn nhất của mình tại tiểu quốc, để sử dụng trong các hoạt động quân sự tại Iraq và Afghanistan.

Qatar cũng là nước tiếp nhận các thành viên đối lập thuộc xu thế Hồi giáo cực đoan, chống lại nhiều chế độ đương quyền trong khu vực Arap. Ngay cả tiếng nói của Osama bin Laden - kẻ thù số một của Mỹ - cũng được phát đi từ đài Al-Jazira.

Thái độ liên minh với đủ loại đối tác này của Qatar có mục đích giữ thế cân bằng giữa Iran với Arap Saudi và đặc biệt là bảo đảm lưu thông không gián đoạn qua eo biển Hormuz, nơi Qatar xuất khẩu khí đốt ra ngoài.

Tầm ảnh hưởng của Qatar có thế đã dừng lại ở đó, nhưng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 đã mang lại một cơ hội mới cho tiểu quốc này. Giai đoạn thăng tiến mới nhất của ê-kíp nắm quyền Qatar gắn với các sự biến trong Mùa xuân Arap 2011.

Câu hỏi đặt ra là ảnh hưởng của nền ngoại giao business của Qatar còn kéo dài được bao lâu? Theo các nhà quan sát, một ngày sắp tới sẽ có lúc “chiếc tên lửa Qatar”, được khát vọng của một cá nhân và các ngẫu nhiên của lịch sử đẩy lên tới đỉnh cao, sẽ phải quay trở lại mặt đất. Hiện tại thái độ can thiệp quá mức của tiểu quốc này đã gây ra nhiều phản đối.

Tháng Giêng vừa qua, hàng nghìn người Tunisia đã lên án Qatar đồng lõa với Mỹ trong việc ủng hộ lực lượng Huynh đệ Hồi giáo Ai Cập. Trước đó vài ngày, tiểu vương Qatar đã bị người đồng nhiệm Mauritania tức giận đuổi đi, sau khi đề nghị chính quyền Mauritania làm việc với đối lập theo xu thế Hồi giáo cực đoan.

Sắp tới Qatar sẽ phải tổ chức kỳ bầu cử Quốc hội vào năm 2013, trong đó xu thế Hồi giáo siêu bảo thủ Salafiste có thể sẽ không chấp nhận điều hành đất nước cùng với phe cánh của các cổ động viên bóng đá nhiệt thành.

Bên cạnh đó, không thể loại trừ nguy cơ đảo chính. Nhà chính trị học Fatiha Dazi Héni kết luận: “Gia đình quốc vương Al-Thani khó lòng tránh khỏi hậu quả của một cú boomerang – gậy ông đập lưng ông”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Qatar muốn mua cả thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO