Phân chia quyền lực internet

HÀ CÚC| 12/12/2012 04:50

Ai nắm quyền kiểm soát internet, người đó nắm quyền kiểm soát thế giới. Theo nghĩa đó, internet không chỉ là nền tảng kết nối sự vận hành của thế giới, mà nó còn là một vũ khí đầy quyền lực.

Phân chia quyền lực internet

Ai nắm quyền kiểm soát internet, người đó nắm quyền kiểm soát thế giới. Theo nghĩa đó, internet không chỉ là nền tảng kết nối sự vận hành của thế giới, mà nó còn là một vũ khí đầy quyền lực.

Đọc E-paper

Hội nghị Hiệp hội Viễn thông Quốc tế Liên Hiệp Quốc (ITU) diễn ra tại Dubai trong tháng này với nghị trình lên luật lệ cho viễn thông toàn cầu, lần đầu tiên từ năm 1988, và một số nước coi đây là cơ hội để thiết lập những luật lệ cho internet.

Đến hội nghị này, tất cả các quốc gia đều hiểu tình thế "bây giờ là thời điểm ai kiểm soát được internet, người đó sẽ kiểm soát được thế giới". Trong một thập kỷ qua, internet đã chứng tỏ sức mạnh của mình với hơn 2 tỷ người sử dụng internet.

AFP dẫn nghiên cứu của Công ty Nghiên cứu chiến lược Boston Consulting Group (BCG) dự báo, trong 4 năm tới sẽ có 3 tỷ người sử dụng internet. Khi ấy, tổng doanh thu từ internet tại các nước thuộc G-20 sẽ đạt khoảng 4.200 tỷ USD. Trong đó, kinh tế mạng chiếm 12,4% GDP của Anh, 8% của Hàn Quốc, 6,9% của Trung Quốc và 5,4% của Mỹ...

Vì thế, những mặc cả nhằm chia quyền lực và chia cả miếng bánh internet ngày một lớn đang gia tăng trong mọi nghị trình. Nga trình một đề xuất với ITU nhằm kiểm soát các trang web đen hoặc nội dung không lành mạnh trên mạng.

Còn Trung Quốc đề xuất ITU tiếp quản việc quản lý và điều phối internet toàn cầu cho ITU. Những đề xuất khác cũng nhằm tác động đến các công ty internet của Mỹ như: yêu cầu các dịch vụ như YouTube, Facebook và Skype trả phí để có thể đến được với mọi người xuyên qua các biên giới; Google, Facebook và Microsoft trả cho một số nước tiền xây dựng và bảo trì mạng băng thông rộng...

Thực tế, phần lớn các công ty công nghệ lớn trên thế giới đều nằm ở Mỹ. Chỉ riêng hệ thống máy chủ của Google và Microsoft cũng chiếm tới 1/3 lưu lượng internet toàn cầu. Đó là chưa kể tới các hệ thống máy chủ DNS mà phần lớn (khoảng 13 chiếc) được đặt tại Mỹ.

Đây là các hệ thống phân giải tên miền quan trọng, giúp mạng internet toàn cầu có thể hoạt động bình thường như hiện nay. Vì thế, có thể coi Mỹ là quốc gia nắm quyền lực lớn nhất trong thế giới internet.

Tình thế này buộc các quốc gia khác phải liên kết với nhau để tạo ra một mạng internet độc lập và hội nghị của ITU là cái cớ để đưa ra các đòi hỏi này.

Tuy nhiên, ngay lập tức, các quan chức và nghị sĩ Mỹ đã bày tỏ quan ngại rằng những đề xuất từ Trung Quốc, Nga và một số nước khác có thể đe dọa mô hình mở của internet hiện giờ nếu trao thêm quyền cho ITU.

Google nói cuộc gặp của ITU là "một nguy cơ kéo lùi tự do internet" và "ITU không phải là nơi ra quyết định về tương lai của internet" vì "chỉ các chính phủ có tiếng nói ở ITU bao gồm một số chính quyền "không ủng hộ một internet mở và miễn phí”.

Thực tế, sau khi kiểm soát cơ sở hạ tầng internet và phần cứng, phần mềm, Mỹ đang chuyển hướng sang kiểm soát nội dung internet bằng cách sử dụng các chiến thuật kiểm soát vĩ mô và tài trợ tập trung nhằm chủ động sử dụng các tập đoàn công nghệ thông tin (IT) tạo ra một cơ sở hạ tầng internet mà chính phủ có thể kiểm soát.

Trước nguy cơ các cuộc chiến tranh mạng, Quốc hội Mỹ còn đang xem xét dự luật "Bảo vệ không gian mạng như tài sản quốc gia". Theo dự luật này, mỗi khi xảy ra tình huống khẩn cấp, Tổng thống Mỹ có thể ra lệnh cho Google, Yahoo và các bộ máy tìm kiếm thông tin trên mạng khác ngừng cung cấp dịch vụ.

Mặc dù không bị cuốn vào các tranh chấp quyền lực internet nhưng với quan điểm về một nền internet tự do, Nghị viện Châu Âu cũng đã chính thức ban hành nghị quyết mới, kêu gọi các quốc gia thành viên cùng phản đối sửa đổi Hiệp ước nhằm ngăn chặn việc tiếp quản internet của ITU vì cho rằng ITU "không phải cơ quan thích hợp" với thẩm quyền này.

Những lo ngại về một "cuộc nổi dậy" chống quyền lực internet của phương Tây, bàn giao quyền kiểm soát internet cho các chính phủ độc tài, là thổi phồng quá mức. Tuy nhiên, nếu nghị trình TTU bế tắc sẽ gây ra một rủi ro lớn khác cho quá trình phát triển internet toàn cầu.

Đó là các quốc gia để thiết lập chế độ internet riêng, qua đó sẽ làm cho thông tin liên lạc với phần còn lại của thế giới tốn kém hơn và phức tạp hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phân chia quyền lực internet
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO