![]() |
Vừa được bầu chọn là người có ảnh hưởng nhất thế giới, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lại trong vai một nhân vật gây tranh cãi.
Tuần trước, độc giả tạp chí TIME (Mỹ) bầu chọn ông Duterte là người đứng đầu trong số 100 người ảnh hưởng nhất thế giới, vượt qua 24 vị lãnh đạo quốc gia trong danh sách này.
Phủ Tổng thống Philippines đón nhận thông tin này một cách tích cực. Nhưng phải thừa nhận rằng cuộc bình chọn uy tín của TIME cũng không che giấu sự thật rằng ông Duterte đang ở giữa hai lằn ranh yêu - ghét. Đáng chú ý, trong danh sách này cũng có tên Leila De Lima - nghị sĩ nổi tiếng chống đối ông Duterte.
Sau gần một năm từ ngày ông Duterte tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Philippines, hình ảnh của vị lãnh đạo này trong mắt giới quan sát được phác họa như sau.
Quá cứng rắn
Sinh ngày 28/2/1945, ông Duterte tạo dựng uy tín trong 20 năm ở thành phố quê hương Davao. Tại đây, ngài thị trưởng này có biệt danh "Ngài Digong", nổi tiếng với thành tích diệt trừ tội phạm và tham nhũng, được nhân dân yêu quý.
Chính điều này là cơ sở để người Philippines tin tưởng ông Duterte ở vị trí cao nhất: Tổng thống kế nhiệm ông Benigno Aquino III, mang trọng trách quét sạch nạn tội phạm, ma túy đã tồn tại như căn bệnh lâu năm ở Philippines.
Ông Duterte nhanh chóng tỏ ra là người đã nói là làm. Một chiến dịch diệt trừ ma túy quy mô rộng lớn nhanh chóng được thực hiện mạnh mẽ. Ông Duterte ra lệnh cho cảnh sát và dân quân được quyền bắn chết nghi phạm nghiện và buôn bán ma túy, nếu các đối tượng này không chịu ra hàng theo lời yêu cầu của cơ quan chức năng.
>>Philippines trông đợi gì ở ngài "Digong"?
Truyền thông đưa tin, hơn 8.000 người đã chết trong cuộc truy quét bị mô tả là đẫm máu này, trong khi phía cảnh sát Philippines đưa ra con số thấp hơn nhiều (tầm 3.500 người).
Điều đó cũng dẫn tới mâu thuẫn giữa ông Duterte và bà Leila De Lima ngày càng trầm trọng. Bà Leila ủng hộ ý kiến của các nhóm nhân quyền, cáo buộc ông Duterte giết người bừa bãi và có sai sót trong chiến dịch chống ma túy. Ngoài ra, sự cứng rắn của ông Duterte cũng khiến ông hứng chịu chỉ trích từ nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế như Mỹ, Liên Hiệp Quốc hay Liên minh châu Âu (EU).
Phát biểu khó lường
Ông Duterte cón "nổi tiếng" với một thói quen khác: những phát biểu gai góc, thậm chí nhục mạ đối phương, nhưng đôi khi... bất nhất ở các vấn đề chính sách. Ông từng bị cho là đã gọi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama là "chó đẻ" sau khi ông Obama đặt nghi vấn về chiến dịch ma túy ở Philippines.
Dù vậy, Tổng thống Philippines từng nói rằng ông chưa bao giờ gọi ông Obama như thế (?), dù thông tin trên được cả các hãng tin quốc tế lẫn truyền thông Philippines đăng tải. Tương tự, Duterte cũng từng nhục mạ một đại sứ Mỹ khi ông này nói về biến đổi khí hậu, dọa "tát vào mặt EU" và thậm chí xúc phạm cả Giáo hoàng Francis (sau đó ông Duterte đã xin lỗi Giáo hoàng).
Về mặt chính sách ngoại giao, ông Duterte cũng khiến dư luận quốc tế chao đảo. Vị Tổng thống này từng hứa sẽ "đi thuyền ra các khu vực tranh chấp với Trung Quốc" ở Biển Đông để cắm cờ Philippines lên đó. Nhưng càng về sau, ông Duterte càng thể hiện thái độ hợp tác với Trung Quốc, mở ra các cuộc đàm phán song phương giữa Manila và Bắc Kinh. Điều này đi ngược lại với mong muốn của nhiều nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), vốn ưu tiên giải quyết tranh chấp bằng đàm phán đa phương và luật quốc tế.
Đối với Mỹ, một đồng minh lâu năm, ông Duterte cũng gây lo ngại khi tuyên bố chẳng cần tới Washington và muốn quan hệ với Nga - Trung. Tuy vậy cũng có lúc, ông Duterte đề cao quan hệ với Mỹ...
>>Ông Duterte - vị tổng thống giàu... xin lỗi
Tương đồng với người đồng cấp Mỹ
Ngay từ những ngày còn tranh cử tổng thống tại Philippines, ông Duterte đã được cho là khá giống với những biểu hiện ra ngoài với ông Donald Trump - đương kim Tổng thống Mỹ. Bên cạnh những phát ngôn mạnh mẽ và cách làm việc nhất quán, ông Duterte còn có vẻ giống ông Trump ở một điểm: đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Nói cách khác, nếu ông Trump có khẩu hiệu "America First" (Nước Mỹ là trước hết), thì ông Duterte sẽ là "Philippines First".
Năm ngoái, một tòa trọng tài thường trực ở The Hague (Hà Lan) tuyên bố bác bỏ chính sách "Đường chín đoạn" mà Trung Quốc vô cớ đưa ra hòng chiếm gần trọn Biển Đông.
Nhiều người nghĩ rằng ông Duterte - với những tuyên bố mạnh mẽ vốn có, sẽ tận dụng điều này để gây sức ép buộc Trung Quốc công nhận quyền tài phán của tòa trọng tài. Tuy vậy, ông Duterte như đã nói, lại có xu hướng hợp tác cùng có lợi với Trung Quốc. Chính sách của Tổng thống 72 tuổi khá rõ ràng rằng Philippines không đứng về phe nào, mà chỉ hành xử phù hợp, vì lợi ích của người Philippines.
Đối với vấn đề trong nước, ông Duterte cũng tuyên bố sẵn sàng đàm phán hòa bình với các phe đối lập, bao gồm Khu tự trị Hồi giáo Mindanao. Tất cả nhằm duy trì sự ổn định cho Philippines, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế 7,5% mỗi năm mà chính quyền của ông đề ra.
>>Duterte dẫn đầu cuộc đua Top 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới