Nước cờ “tẩy chay” công nghệ Mỹ của Trung Quốc

GIANG LANG| 03/03/2015 02:17

Chính phủ Trung Quốc đã gạch tên các nhãn hiệu hàng đầu của Mỹ trong danh sách mua sắm. Đáng nói, chính các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang là tấm lá chắn cho Bắc Kinh.

Nước cờ “tẩy chay” công nghệ Mỹ của Trung Quốc

Chính phủ Trung Quốc đã gạch tên các nhãn hiệu hàng đầu của Mỹ trong danh sách mua sắm. Đáng nói, chính các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang là tấm lá chắn cho Bắc Kinh.

Tuần trước, Trung tâm mua sắm chính quyền Trung ương (CGPC) Trung Quốc đưa ra báo cáo về các hạng mục sản phẩm trong danh sách theo đuổi của chính phủ. Trong đó vắng bóng rất nhiều các mặt hàng ngoại, đặc biệt những thương hiệu công nghệ hàng đầu của Mỹ.

Mối lo an ninh

Báo chí phương Tây và những tạp chí công nghệ thống nhất các cụm từ như “tẩy chay” và “danh sách đen” để nói về động thái điều chỉnh danh sách mua sắm mà Bộ Tài chính Trung Quốc phê duyệt. Về mặt số lượng, đã có sự thay đổi lớn, thậm chí tuyệt đối về cán cân giữa hàng trong nước và hàng quốc tế.

Reuters dẫn báo cáo của CGPC cho thấy trong khoảng 2 năm từ 2012 - 2014, Trung Quốc chấp thuận mua thêm 2.000 đơn vị nhãn hàng, nâng tổng số mặt hàng trong danh mục theo đuổi lên 5.000. Tuy nhiên tiến trình mua sắm cho thấy số lượng các nhãn hiệu nước ngoài giảm 1/3, trong đó đặc biệt các sản phẩm công nghệ - an ninh mạng giảm một nửa.

“Nạn nhân” chính trong đợt “tẩy chay” vừa qua là nhà sản xuất thiết bị Mỹ Cisco Systems. Trong năm 2012, công ty có 60 sản phẩm trong danh sách của CGPC, nhưng đến cuối năm 2014 đã không còn sản phẩm nào, South China Morning Post dẫn lời một nhà phân tích số liệu trên Reuters.

“Hầu như tất cả các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ đang có nguy cơ bị ảnh hưởng, bao gồm Cisco Systems, Intel, Microsoft, EMC, Qualcomm, Citrix và Apple”, Stephen Ezell - một nhà phân tích cao cấp tại cơ quan nghiên cứu về công nghệ thông tin và đổi mới có trụ sở tại Mỹ cho biết.

Trung Quốc không đưa ra tuyên bố chính thức về lý do “tẩy chay” hàng Mỹ, nhưng báo chí quốc tế nhận xét, rất có thể nó liên quan đến vấn đề an ninh mạng.

Thái độ quay lưng của Trung Quốc trùng khớp với giai đoạn cựu thành viên Cơ quan An ninh Mỹ (NSA) tố cáo chính NSA đã bí mật thực hiện chương trình gián điệp khổng lồ nhằm trộm thông tin toàn thế giới. Trong đó “gã khổng lồ” Cisco là mạng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì tầm bao phủ của mình.

Cisco Systems là “nạn nhân” chính trong đợt “tẩy chay” vừa qua của chính quyền Bắc Kinh

“Chúng tôi thừa nhận rằng mối quan tâm địa chính trị đã tác động đến việc kinh doanh tại các thị trường mới nổi nào đó”, một phát ngôn viên của Cisco nói với Reuters ngày 25/2 (khéo léo không đề cập đến Trung Quốc).

Khó bị kiện vì... WTO

Trong khi WTO là môi trường đòi hỏi sự cạnh tranh công bằng về thương mại, chính các quy định phức tạp của nó đang khiến Apple, Cisco, Intel, McAfee... gặp khó trong cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc, South China Morning Post nhận định.

Khi gia nhập WTO vào cuối năm 2001, Trung Quốc đã không đăng ký vào một hiệp ước đa phương về mua sắm chính phủ (GPA). Kết quả là, Bắc Kinh có thể loại bỏ bất kỳ nhãn hiệu nước ngoài nào mà chính phủ không muốn có trong danh sách mua sắm của nhà nước, với “rất ít khả năng chịu sự chi phối của WTO”.

GPA được thực hiện dưới sự bảo trợ của WTO vào năm 1996 để đảm bảo cạnh tranh công khai, công bằng và minh bạch trong thị trường mua sắm chính phủ từ các bên tham gia hiệp ước.

WTO hiện có 43 thành viên, bao gồm các khu vực thuộc Trung Quốc như Hồng Kông và Đài Loan. Trung Quốc và 27 nước thành viên WTO khác tham gia dưới tư cách quan sát viên.

Trên thực tế, các tố cáo của Edward Snowden đã ảnh hưởng khá nặng nề tới những công ty công nghệ Mỹ trên toàn thế giới, không riêng gì Trung Quốc. South China Morning Post dẫn kết quả khảo sát của Forrester trên 3.190 doanh nghiệp thuộc 10 nước công bố vào đầu tháng 2 cho thấy, khoảng 30% nói họ sẽ tạm dừng mua đồ công nghệ từ Mỹ.

Mặc dù vậy, Stephen Ezell cho biết mối lo an ninh chỉ là “một cái cớ cho hàng loạt chính sách mới có lợi cho các nhà cung cấp công nghệ trong nước của Trung Quốc”.

“Thực tế Trung Quốc đã cố gắng tìm cách để thay thế các sản phẩm công nghệ và truyền thông nước ngoài bằng mặt hàng trong nước theo kế hoạch nội địa hóa của nước này triển khai vào đầu năm 2009, trước khi người ta nghe đến cái tên Snowden”, Ezell nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nước cờ “tẩy chay” công nghệ Mỹ của Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO