Nước Anh lại rối bời vì Brexit

THÁI BẢO| 28/02/2017 01:23

Những khó khăn dần xuất hiện rõ ràng hơn trước ngày Thủ tướng Anh Theresa May kích hoạt các điều khoản rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Nước Anh lại rối bời vì Brexit

Những khó khăn dần xuất hiện rõ ràng hơn trước ngày Thủ tướng Anh Theresa May kích hoạt các điều khoản rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Đọc E-paper

Tờ Independent cuối tuần qua dẫn một khảo sát cho thấy, nếu cuộc trưng cầu về việc Anh rời EU (Brexit) diễn ra ngày 24/2, phe "ở lại" sẽ thắng cuộc. Thống kê ấy có chính xác hay không thì cũng chẳng thay đổi quá nhiều thực tế lúc này, nhưng ít nhất nó vẽ lên một bức tranh toàn cảnh: ngay cả nội bộ người Anh cũng đang rối bời vì Brexit.

Về mặt "đối ngoại", EU đang gây sức ép lên Chính phủ Anh với các chi tiết về quyền tự do đi lại và một mức phí lên tới vài chục tỷ euro. Thủ tướng Áo Christian Kern là lãnh đạo đầu tiên thuộc EU đưa ra con số ước tính khá cụ thể về số tiền Anh phải trả nếu rời EU.

"Con số sổ sách có thể khoảng 60 tỷ euro. Đó là những gì Ủy ban châu Âu đã tính toán và sẽ là một phần trong các cuộc đàm phán. Sẽ có những tranh luận dài về khoản tiền Vương quốc Anh trả, vì 60 tỷ euro là một con số đáng kể”, Bloomberg ngày 23/2 dẫn lời ông Kern trả lời phỏng vấn tại Vienna (Áo).

Thủ tướng Anh Theresa May cam kết về một cuộc "chia tay" đúng nghĩa với EU chứ không nửa vời, và dự kiến sẽ cụ thể hóa Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, nhằm đưa Anh ra khỏi liên minh này. Dù vậy, động thái từ EU khiến chính quyền Anh nhanh chóng đáp trả, khi Bộ trưởng Thương mại Liam Fox nói rằng 60 tỷ euro là "vô lý”, cáo buộc phía Brussels đang cố tình trừng phạt London.

EU không che giấu nỗ lực gửi thông điệp lần cuối đến nước Anh về việc suy nghĩ lại quyết định chia tay. Tờ Financial Times đưa tin rằng Đức và Ý là hai nước ủng hộ kế hoạch "trừng phạt" của EU, trong khi Pháp cũng tỏ ra kiên quyết, chỉ mỗi Tây Ban Nha có thái độ lừng khừng.

>>Tòa án Tối cao Anh xem xét kháng cáo về việc khởi động Brexit

Sức ép từ chính trị và tiền bạc từ EU càng thổi bùng tranh cãi trong nội bộ Anh. Những người thuộc phe "ở lại" đang tranh đấu quyết liệt trước ngày "phán quyết".

Tờ Independent hôm 24/2 cho biết một cuộc điều tra đã được tiến hành nhằm vào cuộc trưng cầu rời EU của Anh năm ngoái. Cụ thể, nó nhắm đến việc chi tiêu của hai phong trào chính ủng hộ trưng cầu. Ủy ban Bầu cử Anh cho rằng hai nhóm vận động "Nước Anh mạnh mẽ hơn ở châu Âu" (Britain Stronger in Europe) và bỏ phiếu chọn ra đi (Vote Leave) đã không cung cấp tất cả chứng từ cần thiết, cũng như bỏ các chi tiết khác ra khỏi hồ sơ.

Ủy ban Bầu cử Anh ngày 24/2 cũng công bố tài liệu cho thấy, đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) đã dành khoản tiền 282.000 bảng Anh cho quảng cáo ủng hộ rời EU trên một tờ báo không được xuất bản tại Bắc Ireland. Trong khi đó, các bìa quảng cáo tương tự cũng xuất hiện trên tàu điện ngầm tại các nơi khác ở Anh, một phần trong tổng số 425.000 euro mà DUP đã chi cho chiến dịch vận động rời EU.

Những tranh cãi trong nội bộ Anh bùng phát tuần trước khi cựu Thủ tướng Anh Tony Blair kêu gọi cử tri suy nghĩ lại về quyết định chọn rời EU. "Những người bỏ phiếu không hề có kiến thức về các điều khoản thực sự của Brexit. Khi các điều khoản này trở nên rõ ràng, họ có quyền thay đổi suy nghĩ. Nhiệm vụ của chúng tôi là thuyết phục họ làm như vậy", ông Blair nói.

Mặc dù ông Blair hiện tại không còn có ảnh hưởng lớn, nhưng lời nói của ông cũng giống việc đổ thêm dầu vào lửa, thổi bùng sự kích động trong những tranh cãi về Brexit của Quốc hội Anh, The Guardian nhận xét.  Sự can thiệp của cựu thủ tướng này gây nhiều tranh cãi trong thời điểm bà May chỉ trích những người đang tìm cách chối bỏ "ý chí của người dân". Trong khi đó lãnh đạo Công Đảng Jeremy Corbin tuyên bố không tìm cách chặn việc kích hoạt các điều khoản Brexit.

Cuộc trưng cầu Brexit tháng 6/2016 được cho là cột mốc quan trọng ảnh hưởng tới cuộc khủng hoảng chung của EU hiện nay. Những lãnh đạo ủng hộ Brexit lấy gánh nặng tiền đóng quỹ và người nhập cư để thuyết phục cử tri rằng, họ đã tốn quá nhiều tiền bạc để duy trì vị thế ở EU. Đây cũng được xem là biểu hiện của sự chiến thắng từ làn sóng dân túy trên khắp châu Âu.

Mặc dù vậy, sau khi quyết định rời EU, đến nay nước Anh và chính quyền mới của Thủ tướng May vẫn gặp vô số chỉ trích nội bộ, cho rằng họ không có kế hoạch cụ thể để đảm bảo Brexit, bất chấp đã ra sách trắng về vấn đề này. Trước mắt ngoài số tiền 60 tỷ euro như đã nêu, Anh sẽ gặp khó khăn về nguồn lực lao động vì nếu không còn là thành viên EU, công nhân, nhân viên người thuộc các nước EU sẽ không ở lại Anh...

>>Hậu Brexit: 76% CEO muốn doanh nghiệp rời khỏi Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nước Anh lại rối bời vì Brexit
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO