Nỗi buồn Thái Lan

26/08/2013 02:34

Nhiều nhà kinh tế đã hy vọng rằng các nền kinh tế mới nổi châu Á sẽ là động lực của tăng trưởng toàn cầu nhưng việc đầu tuần qua Thái Lan tuyên bố chìm vào suy thoái đã phủ bóng mây ảm đạm lên dự báo lạc quan này.

Nỗi buồn Thái Lan

Nhiều nhà kinh tế đã hy vọng rằng các nền kinh tế mới nổi châu Á sẽ là động lực của tăng trưởng toàn cầu nhưng việc đầu tuần qua Thái Lan tuyên bố chìm vào suy thoái đã phủ bóng mây ảm đạm lên dự báo lạc quan này.

>>Vì sao Thái Lan đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam?
>>
Thái Lan có thể mất vị trí trung tâm vào tay Myanmar
>>
Bangkok: Đông du khách nhất thế giới

Theo Ủy ban Phát triển Kinh tế và Xã hội Thái Lan (NESDB), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Thái Lan đã tăng trưởng âm 0,3% trong quý II/2013 sau mức âm 1,7% của quý I. Điều này đã đưa nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này bước vào thời kỳ suy thoái lần đầu tiên kể từ năm 2009.

Đồng baht đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong 1 năm qua sau thông tin trên. Tính ra trong 3 tháng qua, đồng baht đã mất gần 5% giá trị so với đồng USD. Chỉ số chứng khoán SET Index của Thái Lan cũng giảm 2% còn 1.370,86 điểm vào cuối phiên giao dịch ngày 20/8.

Cái khó của ngân hàng Trung ương Thái

Giống như các nước châu Á khác, xuất khẩu của Thái Lan bị ảnh hưởng mạnh bởi sức mua yếu trên toàn cầu. Thậm chí, tuần qua, NESDB đã hạ mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cả năm xuống còn 5% từ mức 7,6%.

Tiêu thụ trong nước, chiếm khoảng 50% GDP Thái Lan, cũng sụt giảm do các biện pháp kích thích kinh tế dần hết tác dụng. Sức mua yếu trong ngành ôtô là một ví dụ.

Theo dự báo của hãng xe Nhật Toyota, doanh số bán ôtô tại Thái Lan sẽ giảm 9,5% trong năm nay. Các dự án cơ sở hạ tầng bị trì hoãn cũng góp phần làm giảm hoạt động đầu tư. Triển vọng ảm đạm đã khiến niềm tin tiêu dùng ở nước này trong tháng 7 giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng qua.

Voravan Tarapoom, Tổng Giám đốc BBL Asset Management Co tại Bangkok, công ty quản lý 12 tỉ USD giá trị tài sản, dự báo: “Nền kinh tế Thái có thể sẽ tăng trưởng chậm hơn trong quý III do sức mua trong nước và xuất khẩu vẫn yếu”.

Triển vọng ảm đạm này là lý do tuần qua, NESDB đã cắt dự báo tăng trưởng cả năm của Thái Lan xuống còn 3,8-4,3% từ mức 4,2-5,2% trước đó.

Thông thường khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, ngân hàng trung ương sẽ hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng. Thế nhưng, trong cuộc họp ngày 21/8, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã quyết định giữ lãi suất cơ bản ở mức 2,5% (lần giảm lãi suất cơ bản gần đây nhất là tháng 5).

“Mức tăng trưởng thấp hơn dự kiến trong quý II càng gây áp lực buộc Ngân hàng Trung ương Thái Lan phải cắt giảm lãi suất cơ bản. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng ở mức cao trong khi nợ hộ gia đình tăng nhanh đã khiến cơ quan này không thể tiếp tục cắt giảm lãi suất”, chuyên gia Bernard Aw thuộc Forecast Pte tại Singapore, nhận xét.

Cụ thể, dư nợ tín dụng ngân hàng đã tăng 12,8% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tỉ lệ nợ của hộ gia đình đã tương đương 80% GDP.

Khi không thể dựa vào công cụ tiền tệ, một số chuyên gia kinh tế cho rằng Chính phủ Thái sẽ phải tăng cường sử dụng công cụ tài khóa để kích thích tăng trưởng. “Từ bây giờ, tăng trưởng kinh tế phải dựa vào chính sách tài khóa”, bà Usara Wilaipich, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Standard Chartered Bank, cho biết.

Chính phủ nước này vừa trình một dự thảo lên Quốc hội, đề xuất cho Bộ Tài chính vay 2.000 tỉ baht (64 tỉ USD) trong 7 năm, ngoài khoản ngân sách chính thức đã được cấp, để rót vào các dự án cơ sở hạ tầng.

Nỗi niềm chung của châu Á

Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Ngân hàng Trung ương Thái Lan cũng là điều đang diễn ra ở nhiều nền kinh tế mới nổi khác ở châu Á: tăng trưởng đang chậm lại nhưng thâm hụt tài khoản vãng lai gia tăng đã khiến các nhà làm chính sách bị bó giò trong việc triển khai chính sách tiền tệ. Đây là một rủi ro cho nền kinh tế thế giới vì châu Á vẫn được xem là động lực hỗ trợ đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Tại Thái Lan, tài khoản vãng lai đã đi từ mức thặng dư 1,3 tỉ USD trong quý I sang thâm hụt 5,1 tỉ USD trong quý II. Đây là kết quả của việc xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh và nhập khẩu gia tăng. Thâm hụt tài khoản vãng lai cao là lý do khiến Thái Lan khó thực thi các biện pháp cắt giảm lãi suất.

Trong khi đó, tại Ấn Độ, Ngân hàng Trung ương nước này gần đây đã siết chặt chính sách tiền tệ trước nỗi lo thâm hụt tài khoản vãng lai. Ấn Độ đang có mức thâm hụt cực kỳ lớn do xuất khẩu giảm mạnh trong khi chi phí nhập khẩu nhiên liệu lại tăng cao. Đó là lý do khiến các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu và trái phiếu Ấn Độ trong thời gian gần đây, đẩy đồng rupee xuống mức thấp kỷ lục.

Nền kinh tế Malaysia cũng đang trên đà đối mặt với mức thâm hụt tài khoản vãng lai lần đầu tiên kể từ cuối thập niên 1990 và các nhà đầu tư lo ngại về nợ công ở mức cao của chính phủ nước này.

Singapore đã giảm dự báo xuất khẩu năm nay trong khi Indonesia cũng đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu suy giảm. Tăng trưởng của Indonesia chưa đạt tới 6% trong quý II, mức mức thấp nhất kể từ năm 2010. Đồng rupiah của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm qua vào ngày 20/8. Đồng ringgit của Malaysia cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua.

“Những năm trước, tâm điểm chú ý là châu Âu và Mỹ. Nay mắt bão đang xoay quanh các thị trường mới nổi”, Stephen Jen, đồng sáng lập quỹ đầu cơ SLJ Macro Partners LLP ở London, nhận xét. Ông nói: “Lần này, tình thế cực kỳ nghiêm trọng đối với châu Á”.

Tình hình thế giới lại đang diễn biến bất lợi cho các nhà làm chính sách châu Á. Bất lợi nhất là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ thu hẹp quy mô gói nới lỏng định lượng vào cuối năm nay và chấm dứt hẳn vào năm 2014. Có tới 65% chuyên gia kinh tế trả lời khảo sát của Bloomberg cho rằng FED có thể sẽ thu hẹp chương trình mua lại trái phiếu bắt đầu vào tháng 9 tới.

Việc khả năng lãi suất tại Mỹ sẽ tăng lên vào cuối năm nay khi FED giảm quy mô gói nới lỏng định lượng đã càng làm gia tăng sức ép lên các nhà làm chính sách châu Á, trong đó có Thái Lan. Bởi lẽ, họ buộc phải giữ cho lãi suất trong nước ổn định, thậm chí siết chặt tiền tệ, để có thể thu hút vốn đầu tư.

Trên thực tế, 3.900 tỉ USD chảy vào các thị trường mới nổi trong 4 năm qua giờ đã bắt đầu đảo chiều khi Chủ tịch FED Ben Bernanke tiết lộ kế hoạch thu hẹp gói nới lỏng định lượng cách đây vài tháng. Cho rằng lãi suất ở Mỹ có thể tăng, nhà đầu tư đã bắt đầu rút vốn ở các thị trường mới nổi.

Làn sóng bán ra các chứng khoán Ấn Độ đã bắt đầu vào tháng 5, sau đó lan sang Thái Lan, Indonesia... “Sự trỗi dậy của châu Á đang vỡ vụn và đồng USD giờ một lần nữa lại là vua”, Indranil Pan, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Kotak Mahindra tại Mumbai, nhận xét.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nỗi buồn Thái Lan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO