Nợ xấu ngân hàng Trung Quốc: Bom chậm nổ

05/10/2011 08:49

Trong khi Mỹ và châu Âu phải vật lộn với mối nguy hiểm từ món nợ công khổng lồ thì Trung Quốc lại đối mặt với một nỗi lo khác: nợ xấu của các ngân hàng.

Nợ xấu ngân hàng Trung Quốc: Bom chậm nổ

Trong khi Mỹ và châu Âu phải vật lộn với mối nguy hiểm từ món nợ công khổng lồ thì Trung Quốc lại đối mặt với một nỗi lo khác: nợ xấu của các ngân hàng.

Trong 10 năm qua, hệ thống ngân hàng Trung Quốc đã có những bước tiến vượt bậc, vượt cả Ngân hàng Thế giới về khả năng cho vay. Tuy nhiên, bên cạnh việc ngân hàng Trung Quốc ngày càng phát triển về quy mô, nợ xấu của các ngân hàng này cũng ngày một phình to.

Số thực cao hơn công bố

Tín dụng của các ngân hàng Trung Quốc đã tăng gấp đôi. Nếu chia đều cho dân số nước này, mỗi người sẽ nợ 6.500 USD, trong khi GDP trên đầu người chỉ chừng 4.400 USD.

Hồi đầu tháng 7, hãng xếp hạng tín nhiệm Mỹ Moody’s cho biết nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc cao hơn rất nhiều so với tính toán của cơ quan kiểm toán Trung Quốc. Hãng cho rằng tỉ lệ nợ xấu đang chiếm 8 - 10% các khoản cho vay của ngân hàng Trung Quốc, thậm chí có thể lên đến gần 18% nếu tiến hành kiểm tra toàn diện hệ thống ngân hàng.

Theo Jim Antos, chuyên gia ngân hàng của Mizuho Securities Asia (công ty môi giới chứng khoán trụ sở tại Hồng Kông), nếu mức độ nguy hiểm nợ nần của Hy Lạp là 10 thì Trung Quốc đã lên đến 8. “Tôi nhận xét tiêu cực về các ngân hàng Trung Quốc. Họ không cung cấp thông tin thật về các món cho vay ngoài sổ sách, khiến mọi người phải e ngại”, ông cho biết. Các ngân hàng Trung Quốc đã cho chính quyền các địa phương nước này vay 8.500 tỉ nhân dân tệ (tương đương 1.300 tỉ USD) trong năm 2010 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, theo Moody’s, con số thật có thể lên đến 1.840 tỉ USD nếu tính đúng tính đủ. Và nợ công Trung Quốc đã vào khoảng 36% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chứ không phải 20% như nước này công bố.

Trong khi đó, Giáo sư Minxin Pei, Hoa kiều ở Mỹ - chuyên gia về Trung Quốc, nói rằng nếu tính cả nợ của chính quyền địa phương cùng chi phí tái cấp vốn cho ngân hàng quốc doanh cộng với trái phiếu do các ngân hàng này phát hành và cả trái phiếu đường sắt nữa thì nợ công Trung Quốc đã tương đương với 70-80% GDP.

Do bị cấm bán trái phiếu và vay vốn ngân hàng, vào cuối năm 2010, chính quyền các địa phương Trung Quốc đã cho phép thành lập hàng loạt công ty tài chính và góp vốn vào đó. Một số địa phương còn đứng ra đảm bảo cho các công ty này vay thêm vốn; một số khác lại bán đất đai để giúp các công ty đó trả nợ khi chúng nợ đìa.

Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, các địa phương đã thành lập khoảng 10.000 công ty tài chính và những công ty này đã vay đến 2.200 tỉ USD chiếm đến 30% tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng. Giáo sư Pei cho rằng các địa phương chỉ có 2 nguồn để trả nợ: tiền bán đất (tức phải tiếp tục bán đất) và tiền do nhà máy điện, cảng, đường sá có thu phí tạo ra. Ông nói thị trường địa ốc Trung Quốc đang ảm đạm nên khó bán đất để cứu các công ty nói trên; trong khi khả năng sinh lợi của các công trình hạ tầng cũng không kém phần tệ hại - chỉ có 1/3 số dự án làm ra tiền đủ để trả nợ mà thôi.

Trên thực tế, chính quyền các địa phương Trung Quốc đã đổ quá nhiều tiền vào những công trình cơ sở hạ tầng vĩ đại. Thậm chí họ còn ganh đua với nhau trong xây dựng - cảng thành phố mình phải to hơn cảng thành phố kia; đường tỉnh mình phải to, dài hơn đường tỉnh kia. Giáo sư Pieter P. Bottelier, chuyên gia Trung Quốc của Trường Nghiên cứu Quốc tế cấp cao thuộc Đại học Mỹ Johns Hopkins, cho biết: “Hiện nay, dường như tỉ lệ đầu tư vào đó đã quá cao. Có bao nhiêu phần trăm các công trình hạ tầng được tư vấn không tốt và sẽ trở thành nợ xấu trong tương lai, chẳng ai biết cả”.

Như vậy, các ngân hàng Trung Quốc quả đã và đang gặp nhiều khó khăn trong việc đi thu hồi nợ.

Địa phương vay, trung ương trả

Nợ xấu ngân hàng Việt Nam tăng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tính đến cuối tháng 7/2011, tỉ lệ nợ xấu chiếm 3,04% các khoản vay ngân hàng, so với mức 2,16% của cuối năm 2010. Tuy nhiên, theo hãng xếp hạng tín nhiệm Mỹ Fitch Rating, tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam đã lên đến 13%.

Nên giải quyết nợ xấu như thế nào? Có thể giải quyết bằng cách bán nợ cho các tổ chức mua bán nợ chuyên nghiệp. Bán nợ là cách xử lý nợ xấu nhanh nhất, giúp ngân hàng thu hồi được một phần vốn.

Trên thực tế, đã có một tổ chức chuyên nghề này hoạt động từ năm 2004 nhưng ít người biết tới: Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) thuộc Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, khi chính quyền địa phương không thể trả được nợ đến hạn, Chính phủ Trung ương sẽ ra tay giải cứu. Và khi Trung ương đổ tiền cho địa phương trả nợ, tiền đầu tư vào nền kinh tế sẽ giảm xuống. Một con nợ khác của các ngân hàng Trung Quốc là doanh nghiệp quốc doanh. Năm 2008, một lượng tiền được tung ra nhằm kích thích kinh tế, chủ yếu dành cho công ty quốc doanh vay mở rộng đầu tư. Nhưng khi cho vay, ngân hàng đã không kỹ lưỡng trong việc thẩm định người vay; nhiều doanh nghiệp làm ăn yếu kém cũng được vay và đã không biết sử dụng tiền vay hiệu quả.

Hậu quả là lạm phát ngày càng cao. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2011 tại Trung Quốc đã tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua (tuy tháng 8 có giảm nhẹ), khiến nền kinh tế chịu thêm áp lực và đời sống nhân dân đi xuống.

ừ cuối năm 2007 đến tháng 5/2011, tín dụng của các ngân hàng Trung Quốc đã tăng gấp đôi. Nếu chia đều cho dân số nước này thì mỗi người sẽ nợ 6.500 USD, trong khi GDP trên đầu người chỉ chừng 4.400 USD. Ông Antos của Mizuho Securities Asia nhận xét những khoản vay ồ ạt trong 2 năm vừa rồi ở Trung Quốc sẽ đáo hạn trong vòng 2-3 năm tới. Và “nếu chúng ta không chứng kiến một cú sốc tín dụng nào thì quả thật sẽ rất đáng ngạc nhiên”.

Theo quy định của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, tín dụng được phân thành 5 nhóm: nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1); nợ cần chú ý (nhóm 2); nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3); nợ nghi ngờ (nhóm 4); nợ có khả năng không thu hồi được (nhóm 5). Nợ nhóm 3, 4, 5 được gọi là nợ xấu. Ngân hàng thương mại phải trích lập dự phòng nợ xấu theo tỉ lệ: 25% đối với nhóm 3; 50% cho nhóm 4 và 100%, nhóm 5.

Do thị trường lo ngại về nợ xấu ngân hàng Trung Quốc, cổ phiếu của ngân hàng nước này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2008. Từ đầu năm 2010 đến đầu tháng 7/2011, giá cổ phiếu nhiều ngân hàng lớn đã giảm mạnh: Ngân hàng Bắc Kinh giảm 47,9%; Ngân hàng CITIC Trung Quốc, 42,7%; Ngân hàng Trung Quốc, 25,8%; Ngân hàng Công Thương Trung Quốc, tổ chức cho vay lớn nhất thế giới, 19%.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với dự trữ ngoại tệ khổng lồ lên đến 3.000 tỉ USD. Vì vậy nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc dù khá nguy hiểm vẫn nằm trong vòng kiểm soát. Tuy nhiên, chắc chắn nợ này sẽ tác động không tốt lên nền kinh tế, khiến sắp tới đây tăng trưởng kinh tế của quốc gia này có thể sẽ đi xuống.

Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết đã cơ bản kiểm soát được rủi ro do nợ xấu của các địa phương và đang nỗ lực giải quyết triệt để vấn đề. Bộ còn cho biết sẽ tích cực xem xét lại các khoản nợ đó để đảm bảo khả năng thanh toán của chính quyền các địa phương. Trong khi chờ đợi, họ không được phép bảo lãnh cho doanh nghiệp vay nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nợ xấu ngân hàng Trung Quốc: Bom chậm nổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO