Nhật nới lỏng quy định cho lao động tay nghề thấp

THÁI BẢO| 02/11/2016 00:04

Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đang hé mở cánh cửa dành cho người nhập cư nhằm thu hút nhân công nước ngoài, bằng cách không gọi họ là... người nhập cư.

Nhật nới lỏng quy định cho lao động tay nghề thấp

Vẫn rất khó có chuyện lao động nước ngoài trở thành "dân nhập cư" tại Nhật Bản. Thế nhưng chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đang hé mở cánh cửa dành cho người nhập cư nhằm thu hút nhân công nước ngoài, bằng cách không gọi họ là... người nhập cư.

Đọc E-paper

Những lao động tay nghề thấp sẽ được xem là một dạng "nhập cư tạm thời" để đào tạo, làm việc, kèm theo việc gia hạn thị thực.

"Chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng về lượng du khách ngoại quốc và nhìn thấy nhiều người nước ngoài xuống phố, nên sẽ không có gì lạ khi không ít người Nhật nghĩ rằng "liệu sự gia tăng đó có tốt không?". Tôi nghĩ quan trọng là chấp nhận lao động người nước ngoài. Tuy vậy, điều này hoàn toàn khác với số lượng dân nhập cư khổng lồ ở châu Âu, nên tôi không nghĩ là dư luận sẽ chia rẽ về vấn đề này" - Bloomberg ngày 26/10 dẫn lời Nghị sĩ Masahiko Shibayama, người đồng thời là cố vấn của Thủ tướng Abe.

Nhận định của Shibayama xem như khái quát những gì diễn ra quanh những lấn cấn của chính quyền ông Abe, giữa giải quyết thực trạng thiếu hụt nhân công và chính sách tạm gọi là dành cho người nhập cư.

Từ khi tiếp quản ghế thủ tướng, ông Abe đã có công vực dậy kinh tế Nhật Bản sau thảm họa sóng thần năm 2011. Áp lực từ việc tái thiết cộng với kế hoạch tổ chức Thế vận hội 2020, bên cạnh dân số già, đã khiến Nhật Bản có nhu cầu lao động cao nhất trong 24 năm qua.

Để vượt qua thách thức này, ông Abe áp dụng nhiều phương án, bao gồm tận dụng lao động quá tuổi và phụ nữ trong nước. Đặc biệt, Nhật Bản đang cạnh tranh với Hàn Quốc trong việc thu hút nhân công nước ngoài - một yếu tố tạo ra dòng người Trung Quốc, Việt Nam, Brazil và Philippines đến sống và làm việc, tổng cộng khoảng 908.000 lao động nước ngoài ở Nhật.

Tuy nhiên, một rào cản cho Nhật Bản là không như các nước khác, mảnh đất này không phù hợp với dạng nhập tịch cho người nước ngoài để làm nòng cốt lao động như ở Mỹ. Ngược lại, chuyện kiếm một "suất ở lại Nhật" và hưởng quyền công dân nước này rất khó, hiện cần trung bình 10 năm liên tục sinh sống ở đây. Vì thế khiến Nhật Bản mất lợi thế đáng kể trong việc thu hút nhân công ngoài nước.

Thủ tướng Abe đã đề xuất một kế hoạch tạm thời cho người nước ngoài hưởng chế độ ở lại Nhật làm việc, đào tạo. Trước đây, ông Abe đã dành ưu đãi cho nhân công có trình độ, nhưng giờ đây, người lao động tay nghề thấp cũng sẽ được tạo cơ hội tương tự.

Hai chữ "nhập cư” khá nhạy cảm trong xã hội Nhật Bản. Người Nhật nhìn chung vẫn chưa sẵn sàng hòa nhập với dân tộc khác trên quê hương mình, do những lo ngại về an ninh, xói mòn văn hóa... Chính vì vậy, lo ngại sẽ mất lượng phiếu bầu từ người Nhật, các chính trị gia trong Đảng Dân chủ Tự do của ông Abe khéo léo nhắc tới nhóm nhân công người nước ngoài là "người lao động", thay vì "người nhập cư”. Khúc mắc có thể được "lách" trong bối cảnh thiếu hụt lao động hiện nay, đồng nghĩa cơ hội cho người nước ngoài ở Nhật khá hơn đôi chút.

>Chính sách nhập cư của Anh - nỗi "kinh hãi" của người nước ngoài ở London

>Nhật Bản nới lỏng chính sách nhập cư

>Người nhập cư - mắt xích quan trọng của kinh tế Mỹ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhật nới lỏng quy định cho lao động tay nghề thấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO