Nhân dân tệ: Vẫn còn là ẩn số

ĐOÀN HẠO| 02/07/2010 06:50

Trong cuộc họp giữa các nguyên thủ khối G-20, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhắc đi nhắc lại vấn đề “tái quân bình kinh tế toàn cầu”.

Nhân dân tệ: Vẫn còn là ẩn số

Trong cuộc họp giữa các nguyên thủ khối G-20, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhắc đi nhắc lại vấn đề “tái quân bình kinh tế toàn cầu”. Trong vô số việc phải làm để thực hiện nỗ lực này, ông Obama phải giải quyết một vấn đề quan trọng nhất là “tạo thế cân bằng” với người khổng lồ Trung Quốc (TQ) thông qua việc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT).

Tổng thống Obama đã đi ngay vào chủ đề giữ giá đồng NDT thấp của TQ khi ông gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại hội nghị thượng đỉnh của khối G-20 (diễn ra ngày 26 và 27/6 tại Toronto, Canada).

Giám đốc Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc của Ngân hàng Đầu tư UBS Tao Wang dự đoán: cuối năm 2011, 6,2 NDT sẽ đổi lấy 1 USD (hiện tại là 6,83).

Để dọn đường cho vấn đề này, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gary Locke trước đó đã có bài phát biểu “đầy bất bình” trước Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ nhấn mạnh, đồng tiền của TQ vẫn bị giữ ở mức thấp mặc dù mới đây Bắc Kinh đã chấm dứt biện pháp giữ hối suất nhất định giữa đồng NDT với đồng đô la Mỹ.

Ông nói: “Để cho đồng NDT lên giá sẽ giúp thêm cho việc bán hàng hóa của Hoa Kỳ, đồng thời là điều chủ chốt giúp cân bằng lại nền kinh tế thế giới như Tổng thống Obama đã ủng hộ và kêu gọi. Đây cũng là điều màtôi hối thúc giới lãnh đạo TQ trong tất cả những lần thảo luận trực tiếp với họ”.

Ngày 19/6, Ngân hàng Trung ương TQ (PBOC) tuyên bố “sẽ điều chỉnh tính linh hoạt của đồng nhân dân tệ”. Ngay sau đó PBOC đã ấn định tỷ giá của đồng NDT ở mức 6,789 NDT/1USD. Bắc Kinh cũng loan báo sẽ để NDT dao động theo một nhóm ngoại tệ, chấm dứt chính sách neo đồng NDT với USD ở mức 6,8 NDT/1USD trong gần hai năm nay.

Tuy nhiên, các nhà làm luật Mỹ cho rằng, hành động này của TQ chẳng thấm gì và chỉ nhằm giảm bớt áp lực của dư luận về chính sách “phá giá tiền tệ” mà Bắc Kinh đã duy trì nhiều năm qua. Dù còn nhiều bàn tán nhưng rõ ràng, không chỉ Washington mà cả Bắc Kinh đều thấy vấn đề NDT nên được giải quyết sớm.

Theo Jan Hatzius của Goldman Sachs, để khôi phục kinh tế, con đại bàng Bắc Mỹ cần tăng cường xuất khẩu. Thế nhưng, khủng hoảng nợ công Hy Lạp bùng nổ và châu Âu già cỗi ngày càng trì trệ, chẳng đủ sức đóng vai trò thị trường tiềm năng. Vậy nên, không thể tự mình thoát khỏi vũng lầy, Hoa Kỳ đành thắp lên hy vọng bằng cách đòi hỏi TQ nâng tỷ giá đồng NDT để giảm nhập và tăng xuất.

Trong khi đó, con rồng châu Á đang thăng thiên. Năm tháng đầu năm 2010, TQ gia tăng xuất khẩu sản phẩm công nghiệp. Xuất siêu trung bình 20 tỷ USD/tháng. Tuy nhiên, đồng EUR lao đao và kinh tế châu Âu bất ổn cũng khiến những nhà làm luật TQ mất ăn mất ngủ, bởi EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của TQ. Giới lãnh đạo Bắc Kinh nhận thấy, dường như đây không phải là thời điểm thích hợp để dây dưa với vấn đề tỷ giá NDT. Thế là Hoa Kỳ và TQ đã không hẹn mà gặp. Hai bên thống nhất: cần thả lỏng đồng NDT linh hoạt hơn. Nhưng điều chỉnh tiền tệ với tốc độ nhanh, chậm thế nào lại là vấn đề gây tranh cãi...

Thực tế, Mỹ nhập siêu hàng hóa từ TQ vượt trội so với các quốc gia G-20 khác. Trong 12 tháng qua, trừ Hoa Kỳ, TQ nhập siêu từ tất cả những thành viên G-20. Vậy nên, các quốc gia G-20 không mấy sốt sắng kiến nghị nâng tỷ giá đồng NDT. Do đó, TQ cũng chẳng vội, cũng không có ý định để mặc đồng NDT nhảy vọt, mà chỉ cho phép dao động tối đa 0,5%/ngày.

Câu hỏi đặt ra là: Liệu đồng NDT tăng giá có thực sự cứu vãn kinh tế Hoa Kỳ? Hiện tại, thị trường hàng hóa chưa có những thay đổi rõ rệt. Tuy nhiên, một số nhà quan sát nhận định, nâng tỷ giá đồng NDT sẽ đẩy giá dầu, kim loại và nguyên liệu tăng. Đồng tiền mạnh sẽ khuyến khích người dân TQ mua nhiều hàng hóa; công ty TQ thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài, đất đai, cổ phiếu. Randy Bateman, Chủ tịch Huntington Asset Advisors, tiên đoán: “Những hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới”.

Theo ông, mục tiêu của những công ty TQ sẽ là ngành năng lượng, nguyên liệu, kỹ thuật. Đối với ngành bán lẻ Hoa Kỳ, việc nâng tỷ giá đồng NDT có hai ảnh hưởng đối lập nhau. Người TQ có thể mua sắm nhiều hơn, đặc biệt là hàng tiêu dùng và sản phẩm chăm sóc sức khỏe sản xuất tại Mỹ. Mặt khác, chuỗi cửa hàng bán lẻ như Wal-Mart sẽ gặp khó khăn vì lệ thuộc nhiều vào hàng TQ giá rẻ. Nếu đồng NDT tăng và đội giá thành lên, những cửa tiệm không thể tăng giá theo vì sức mua còn yếu sẽ phải tự bớt lợi nhuận...

Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Locke cho hay, thế giới sẽ không được bình đẳng trừ phi TQ bắt đầu có những cam kết ở tầm mức rộng lớn hơn để phù hợp với lề lối của các nước bạn hàng lớn khác trên thế giới. Thế nhưng, rõ ràng vấn đề không phải là cân bằng lợi ích kinh tế thế giới, mà là đảm bảo quyền lợi của những nền kinh tế lớn mà TQ là một đại diện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhân dân tệ: Vẫn còn là ẩn số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO