Người Trung Quốc tìm cách giữ tài sản

LÊ PHAN| 22/09/2018 06:02

Dòng tiền luôn có khuynh hướng tìm đến những nơi an toàn, ổn định và có thể lưu giữ giá trị tài sản. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chứa đựng nhiều rủi ro hơn bao giờ hết, đặc biệt là với những nước đang bị ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại hiện nay như Trung Quốc, thì người dân nước này thời gian qua đã tìm mọi cách "bảo lưu" giá trị tài sản.

Người Trung Quốc tìm cách giữ tài sản

Thủ đô Phnom Penh, Campuchia cũng là nơi có nhiều dự án do nhà đầu tư Trung Quốc phát triển - Ảnh: Cambodia Daily.

Rải tiền mua tài sản

Năm 2016, người Trung Quốc đổ xô mua nhà đất ở các thành phố lớn tại Canada như Vancouver, Toronto khiến giá bất động sản tại đây tăng chóng mặt, dẫn đến việc chính quyền sở tại phải liên tiếp áp thuế mua nhà đối với người nước ngoài. Tuy nhiên, điều này cũng không hạn chế được là bao khi dòng tiền tiếp tục chạy từ nơi này đến nơi khác ở những thành phố khác nhau để đầu cơ đất đai, nhà cửa.

Trong năm 2017, Trung Quốc đã đầu tư đến 119,7 tỷ USD ra các thị trường bất động sản nước ngoài. Trong đó riêng thị trường Úc đã nhận một lượng tiền lớn trị giá 17,4 tỷ USD từ các nhà đầu tư Trung Quốc, chiếm tỷ trọng gần 15%. Tuy nhiên, số tiền rót vào Úc chỉ bằng một nửa giá trị đầu tư vào bất động sản Mỹ trong cùng năm, với 30,4 tỷ USD vào nhà ở và 9,3 tỷ USD vào bất động sản thương mại.

Còn theo Viện Bất động sản New Zealand, giá nhà ở trung bình tại Auckland đã tăng từ mức 496.000 đô la New Zealand vào tháng 4/2012 lên mức 850.000 đô la New Zealand trong tháng 4/2018, tương đương tăng 71%. Sự leo thang chóng mặt như trên cũng do dòng tiền đến từ Trung Quốc, khi người dân ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này tiếp tục dẫn dầu trong số những người nước ngoài mua bất động sản ở đây.

Và, với rủi ro của chiến tranh thương mại ngày càng cao, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng Bắc Kinh rất dễ bị tác động và rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế, thì nhà đầu tư Trung Quốc gần đây càng nỗ lực tìm cách đầu tư ra nước ngoài để tránh thiệt hại.

Theo công ty môi giới bất động sản Juwai.com, các nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc giờ đây bắt đầu chuyển hướng chú ý sang Đông Nam Á, với Thái Lan, Việt Nam và Malaysia lần lượt xếp ở vị trí thứ 3, thứ 9, và thứ 10 trong danh sách 10 nước được người mua nhà Trung Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư trong năm 2017.

Khi Việt Nam mở cửa thị trường nhà ở cho khách hàng nước ngoài vào năm 2015 sau các nước ASEAN khác như Thái Lan và Malaysia, thì dòng vốn đầu tư rót vào thị trường bất động sản đã tăng vọt và đẩy giá nhà đất liên tiếp lên cao. Theo dữ liệu từ công ty CBRE Việt Nam, các khách hàng Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan chiếm 25% tổng giao dịch bất động sản ở Việt Nam trong năm ngoái, tăng từ mức 21% trong năm 2016.

Và, gần đây nhất là thủ đô của Campuchia đang trải qua một trong những đợt bùng nổ bất động sản nhanh nhất thế giới, nhờ các nhà phát triển bất động sản và người mua Trung Quốc. Theo CBRE, giá trung bình cho các căn hộ chung cư cao cấp ở Phnom Penh là 3.200 USD/m2 trong quý II/2018, tăng 60% so với năm 2013. Trong khi đó, giá đất tại khu thương mại ở Doun Penh là 9.000 USD cho mỗi mét vuông, tăng gần gấp ba lần so với năm 2014.

Các chính phủ tìm cách hạn chế đầu tư

Juwai.com dự báo trong 10 năm tới, các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ chi 1.500 tỷ USD Mỹ ở nước ngoài và phân nửa số tiền sẽ được đổ vào lĩnh vực bất động sản. Làn sóng đầu tư ra nước ngoài, mua bất động sản của người Trung Quốc khiến thị trường nhà đất của nhiều nước trên thế giới nói chung và khu vực châu Á nói riêng tăng vọt và có khả năng đối mặt rủi ro bong bóng, cũng như nhiều vấn đề khác.

Điều đáng nói là nhà đầu tư Trung Quốc rải tiền mua bất động sản khắp nơi nhưng chủ yếu là để đầu cơ, cũng như nhằm chuyển dịch tài sản ra nước ngoài vì lo ngại khủng hoảng tại Trung Quốc. Như tại Úc, số lượng khách hàng Trung Quốc chiếm tới 40% số người mua nhà ở quốc gia này, nhưng họ mua để đó chứ không có người vào ở.

Điều này đã khiến Trung Quốc đối mặt với tình trạng "chảy máu" ngoại tệ, gây áp lực lên thị trường ngoại hối trong nước, đồng thời cũng khiến đồng CNY giảm giá. Và, điều đó khiến giá trị tài sản của người dân trong nước sẽ ngày càng giảm xuống do đồng tiền bị mất giá, và càng thúc đẩy đầu tư chuyển dịch tài sản ra nước ngoài. Hệ quả là lại càng làm tăng áp lực giảm giá lên đồng CNY, cộng thêm rủi ro chiến tranh thương mại khiến đồng CNY giảm, vòng xoáy cứ thế tiếp tục.

Để hạn chế "chảy máu" ngoại tệ, Chính phủ Trung Quốc ngày càng kiểm soát chặt chẽ hơn các khoản tiền ra nước ngoài, thông qua các biện pháp kiểm soát vốn, thắt chặt việc ngân hàng hỗ trợ tài chính cho những người mua nhà nước ngoài và áp dụng các khoản thuế mới đối với những người mua nhà ở nước ngoài.

Để đối phó với tình trạng này, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đã mang hàng vali USD tiền mặt để mua nhà vì bị hạn chế chuyển khoản. Như tại Úc trong hai năm qua, số tiền do khách người Trung Quốc khai báo mang vào Úc tăng vọt từ 13.996 khoản trong năm tài chính 2015 - 2016 lên tới 14.985 khoản năm tài chính 2016 - 2017. Tuy nhiên, điều này cũng đưa đến những nguy cơ gia tăng tình trạng rửa tiền.

Trước những rủi ro trên,  nhiều chính phủ đang tìm cách hạn chế vốn đầu tư của Trung Quốc, từ việc cắt giảm giá trị đầu tư, hạn chế số lượng nhà bán ra cho nhà đầu tư nước ngoài hoặc thậm chí cấm hẳn người nước ngoài mua nhà. Ở các giải pháp tài chính, chính sách tăng thuế giao dịch, phí trước bạ đối với nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt nhắm vào các khách hàng Trung Quốc cũng được sử dụng phổ biến. Hay như tại Malaysia gần đây tuy cho phép người nước ngoài có thể mua tài sản nhưng sẽ không nhận được thị thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người Trung Quốc tìm cách giữ tài sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO