Ngoại giao thể thao ở Hoa Đông

PHƯƠNG CHI| 26/09/2012 05:05

Những căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc xung quanh vấn đề chủ quyền của một nhóm đảo trên biển Hoa Đông đã lan sang lĩnh vực thể thao khi các vận động viên hai bên liên tiếp rút lui tại các giải đấu quốc tế tổ chức ở hai nước.

Ngoại giao thể thao ở Hoa Đông

Những căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc xung quanh vấn đề chủ quyền của một nhóm đảo trên biển Hoa Đông (Nhật gọi là Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) đã lan sang lĩnh vực thể thao khi các vận động viên hai bên liên tiếp rút lui tại các giải đấu quốc tế tổ chức ở hai nước.

Đọc E-paper

Đầu tiên là việc Trung Quốc rút toàn bộ 20 tay vợt khỏi giải Cầu lông Nhật Bản mở rộng diễn ra ở Tokyo. Đáp lại, Nhật đã rút tay vợt bóng bàn Kasumi Ishikawa, từng đoạt huy chương bạc nội dung đồng đội nữ ở Olympic London 2012, khỏi Cúp Thế giới tổ chức ở Huangshi và đội tuyển xe đạp cũng tuyên bố không tham dự giải Beijing Tour vào tháng tới.

Cho dù người ta luôn nghe được câu cửa miệng “nên tách bạch chính trị với thể thao”, song lý do mà cả hai bên đưa ra đều là “để đảm bảo an toàn cho các vận động viên” chứ không phải là “tẩy chay”. Điều này không phải là không có lý khi mà làn sóng biểu tình đang dâng cao ở cả hai nước, đặc biệt là tại Trung Quốc.

Những tuần qua, biểu tình phản đối Nhật đã diễn ra ở hàng chục thành phố trên khắp Trung Quốc, trong đó nhiều cuộc biểu tình đã nhuốm màu bạo lực khi một số kẻ quá khích đập phá, thậm chí là cướp bóc các lợi ích của Nhật ở đại lục. Trong khi đó, cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Nhật thì diễn ra khá ôn hòa, không có vụ bạo lực nào được ghi nhận.

Tuy nhiên, trong làn sóng rút lui đó vẫn có những vận động viên thể hiện sự chuyên nghiệp của mình khi tuyên bố vẫn sẽ dự giải. Tay vợt nam người Nhật Kei Nishikori nói anh vẫn tham dự giải Thượng Hải Masters vào tháng tới, trong khi tay vợt nữ người Trung Quốc Li Na vẫn có mặt ở Tokyo để dự giải Pan Pacific Open.

Phát biểu khi được hỏi liệu có e ngại về làn sóng chống Nhật ở Trung Quốc, Nishikori nói: “Tôi không muốn nghĩ quá nhiều đến chuyện đó, bởi công việc của tôi là chơi tennis và cố gắng làm tốt nhất công việc của mình trên sân đấu. Điều gì cũng có thể xảy ra, nhưng hy vọng là mọi chuyện đều ổn”. Trong khi đó, Li Na chọn cách im lặng, từ chối trả lời các câu hỏi về tranh chấp lãnh thổ.

Có thể sẽ là hơi vội vã nếu nói rằng Nishikori và Li Na sẽ là những “sứ giả” góp phần giải tỏa căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất châu Á. Nhưng đúng là trong quá khứ, thể thao luôn đóng vai trò quan trọng, vượt khỏi ý nghĩa của những cuộc đấu thắng thua thông thường, chẳng hạn như cuộc ngoại giao bóng bàn giữa Mỹ và Trung Quốc những năm 1970.

Lần này, Trung - Nhật cũng cần những cuộc ngoại giao thể thao như thế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngoại giao thể thao ở Hoa Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO