Ngành hàng không thế giới vẫn "cất cánh" bất chấp khủng hoảng

Nguồn: VTV| 18/07/2016 00:47

Bất chấp những ảnh hưởng đến từ các cuộc khủng hoảng kinh tế trong thời gian gần đây, ngành hàng không thế giới vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng đáng nể của mình.

Ngành hàng không thế giới vẫn

Cuối tuần qua, Hội chợ Hàng không quốc tế đã kết thúc tại Anh. Hội chợ Hàng không quốc tế đã tiếp tục ghi nhận sự thành công của hãng sản xuất máy bay Airbus, với các hợp đồng đặt mua 279 máy bay, trị giá 35 tỷ USD. Không kém cạnh Airbus, đối thủ cạnh tranh Boeing cũng thắng lớn khi giành được nhiều hợp đồng, với tổng số 182 máy bay.

Ngoài Airbus và Boeing, theo nhận định chung của báo chí châu Âu, bất chấp khủng hoảng kinh tế, ngành hàng không thế giới vẫn tăng trưởng đều đặn. Các nhà máy sản xuất máy bay hoạt động hết công suất vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu của khách hàng.

Theo thống kê trên tờ Les Echos của Pháp, nếu như trong cả năm 2010, Airbus và Boeing bán được 7.182 chiếc máy bay, thì trong năm 2015, con số này đã là 13.421 chiếc, đồng nghĩa với việc tăng gần gấp đôi chỉ sau 5 năm.

Giải thích cho mức tăng trên, tờ Les Echos cho biết, nhờ vào việc giá dầu ở mức thấp, các hãng hàng không đã hồi phục một cách ấn tượng, lợi nhuận tăng đều và lên tới 62,2 tỷ USD trong năm 2016.

Trong sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành hàng không thế giới, tờ Le Figaro cho biết, lợi nhuận của các hãng sản xuất máy bay phần lớn nhờ dòng máy bay tầm trung. Theo Le Figaro, 70% hợp đồng đang thực hiện lúc này là để mua máy bay loại tầm trung Airbus A320 và Boeing 737.

Mỗi ngày Airbus xuất xưởng 2 máy bay mới, khoảng 500-600 chiếc/năm, cũng không thể đáp ứng kịp nhu cầu của thị trường vận tải hàng không. Theo bài báo, một hãng hàng không ký hợp đồng mua A320 vào ngày hôm nay sẽ phải đợi 10 năm nữa mới nhận được máy bay.

Cũng với chủ đề trên, tờ Bersenbrucker Kreisblatt của Đức dự đoán, tương lai ngành sản xuất máy bay và vận tải hàng không thế giới sẽ tiếp tục tươi sáng, ít nhất là trong 20 năm tới đây. Dự đoán trên hoàn toàn có cơ sở khi theo Boeing, trong khoảng thời gian 20 năm tới đây, cả thế giới cần thêm 39.600 máy bay mới. Trong khi theo Airbus, con số trên là 33.000 máy bay mới.

Đây được đánh giá là những con số khổng lồ khi ước tính vào thời điểm hiện tại, chỉ có 22.510 máy bay chở khách đang hoạt động.

Hàng không dân dụng phát triển mạnh sẽ kéo theo một loạt các ngành công nghiệp và dịch vụ trên toàn thế giới. Nhu cầu nhân công sẽ là rất lớn. Các hãng sản xuất máy bay cần kỹ sư và công nhân có tay nghề. Các hãng hàng không cần thêm phi công.

Theo Airbus, ước tính từ nay cho đến năm 2035, cả thế giới cần thêm tới nửa triệu phi công, các sân bay phải mở rộng hoạt động để đáp ứng gấp đôi nhu cầu hiện tại. Đó là cơ hội của tất cả các nước, đặt biệt là các nước châu Á, nơi đang chứng kiến tăng trưởng đột phá của ngành vận tải hàng không.

Tiếp theo Bản tin Tài chính - Kinh doanh là những nội dung đáng chú ý khác: Nhộn nhịp mua bán sang tay nhà ở xã hội; Nguy cơ "chảy máu" startup công nghệ khỏi Việt Nam; Ngành du lịch Pháp dự báo chịu tác động mạnh sau vụ khủng bố tại Nice; Mỹ: Kinh doanh bánh Goughnut phát đạt nhờ Pokemon Go... Mời quý vị quan tâm theo dõi.

>A380 - canh bạc khó thắng của Airbus

>Boeing "bận rộn" đón sinh nhật 100 tuổi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành hàng không thế giới vẫn "cất cánh" bất chấp khủng hoảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO