"Ngai vàng" sáng tạo đổi mới dịch chuyển về châu Á?

26/04/2017 06:11

Tầm quan trọng của sáng tạo đổi mới đối với nền kinh tế mỗi quốc gia và sự trỗi dậy của các nước châu Á trong lĩnh vực này đã trở thành một thực tế không thể chối cãi.

Trong một cuộc phỏng vấn với Mumbrella Asia, Pelle Sjoenell - Giám đốc sáng tạo toàn cầu của Công ty quảng cáo Bartle Bogle and Hegarty cho biết, từ chỗ "bắt chước" các khu vực khác, hiện tại châu Á đang dần nắm vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực sáng tạo đổi mới.

Mỹ đối diện cú sốc từ Trung Quốc

Trong một số thập kỷ qua, dù đánh mất nhiều nhà máy và việc làm vào tay một cường quốc châu Á là Trung Quốc, nhưng Mỹ vẫn giữ vững vị thế là quốc gia đi đầu trong việc sở hữu các phát minh, sáng chế và thương mại hóa các sản phẩm mới. Nhưng trên thực tế, "ngai vàng" của Mỹ ngày càng bớt vững chắc trước đối thủ, và điều này sẽ tác động lớn đến nền kinh tế của xứ cờ hoa, theo USA Today.

Một nghiên cứu mới của Boston Consulting Group (BCG) vừa được công bố hôm 17/4 đã cho thấy thông tin đáng kinh ngạc: cách nay vài năm, Trung Quốc đã lặng lẽ vượt qua Hoa Kỳ trong việc chi tiền vào giai đoạn cuối của nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm biến những phát minh mới thành các sản phẩm thương mại. Và với mức chi bạo hiện tại, đến năm 2018, Trung Quốc sẽ đầu tư nhiều gấp hai lần Mỹ (khoảng 658 tỷ USD) cho giai đoạn quan trọng này.

Link bài viết

Nói cách khác, Hoa Kỳ đang rất chăm chỉ phát minh ra các công nghệ mới và Trung Quốc, cũng như một số nước khác, đang gặt hái những lợi ích bằng cách biến những ý tưởng này thành các loại sản phẩm thương mại, nghiên cứu của BCG cho biết. "Các nước khác đang sử dụng miễn phí sự đầu tư của Mỹ”, Justin Rose - đồng tác giả của nghiên cứu này nhận định.

BCG cho biết, sự sụt giảm này là cú sốc với nền kinh tế Mỹ. Trong một thập kỷ vừa qua (và nhiều khả năng vẫn còn tiếp diễn trong những năm sắp tới), nó đã gây tổn thất hàng chục tỷ đô la mỗi năm cho ngành sản xuất Mỹ và làm "bốc hơi" hàng trăm ngàn việc làm.

"Mỹ có tiềm năng đảo ngược xu hướng này thông qua việc hợp tác hiệu quả hơn giữa khu vực kinh tế tư nhân, các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu. Sự chuyển đổi như thế sẽ làm tăng 5% sản lượng hằng năm của ngành sản xuất (khoảng 100 tỷ USD), tăng thêm 700.000 việc làm trong nhà máy và 1,9 triệu việc làm trong các ngành có liên quan khác", BCG kết luận.

Kết luận này dựa trên cơ sở thực tế là trong số 200 trường đại học được đánh giá tốt nhất thế giới, có đến 75 trường được đặt tại Mỹ. Các trường này chuyên thực hiện các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, phần lớn nhờ vào các khoản tài trợ liên bang. Còn các công ty tư nhân thì chuyên thực hiện các công tác nghiên cứu phát triển. Tuy nhiên hiện tại, có rất ít sự hợp tác giữa các trường đại học uy tín tại Mỹ và các công ty tư nhân này.

Chìa khóa sáng tạo đổi mới của Israel

"Phải chiến đấu và đổi mới để tồn tại, nhu cầu bức bách này đã giúp quốc gia khởi nghiệp Israel trở thành một điểm nóng về sáng tạo đổi mới hiện nay", The Business Times nhận định.

Ông Steimatzky - con trai nhà sáng lập chuỗi nhà sách lớn nhất và lâu đời nhất tại Israel - nói với The Business Times: "Nhiều thế hệ người Do Thái chúng tôi được dạy rằng phải nghi ngờ và đặt câu hỏi cho thầy cô giáo, phải biết tự mình suy nghĩ và không được dễ dàng chấp nhận bất kỳ khuôn mẫu nào. Những khó khăn, rắc rối mà người Do Thái phải đối mặt trong suốt chiều dài lịch sử đã dạy chúng tôi cách ứng biến, sáng tạo và tư duy đột phá".

Một báo cáo vào năm 2016 được thực hiện bởi 2 tác giả Adam Reuter và Noga Kainan cho biết, từ thế kỷ XXI, Israel là quốc gia có tỷ lệ người đoạt giải Nobel nhiều nhất (8 giải) khi quy mô dân số chỉ có 8,7 triệu người. Đồng thời, đây cũng là nước có sự đầu tư vào nghiên cứu và phát triển nhiều hơn bất kỳ đất nước nào khác.

Tiến sĩ Boris Hofmann - Giám đốc phát triển kinh doanh của Công ty thiết bị y tế B. Braun (Đức) cho rằng Israel đã thành công trong việc đem các phát minh từ trường học vào trong nền công nghiệp, và rằng mô hình vườn ươm đã hỗ trợ hiệu quả cho hệ sinh thái khởi nghiệp của nước này thông qua việc cung cấp vốn cũng như hỗ trợ họ về cấu trúc vận hành.

Trong dịp đến Việt Nam cùng Tổng thống Israel Reuven Rivlin hồi cuối tháng 3 vừa qua, ông Avi Hansson - Chủ tịch Ủy ban Đổi mới Sáng tạo Quốc gia Israel - đã có buổi nói chuyện về chủ đề "Xây dựng hệ sinh thái sáng tạo để phát triển doanh nghiệp" tại TP.HCM với nhiều nhà khởi nghiệp và doanh nhân Việt Nam. Vốn xuất thân từ khu vực kinh tế tư nhân, ông nhiều lần nhấn mạnh rằng sự hợp tác công - tư chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp Israel từ một nước được cho rằng "chỉ biết trồng cam" trở thành một quốc gia đổi mới sáng tạo như hiện nay.

Ông cho biết: "Đổi mới sáng tạo là một phần hữu cơ trong nền kinh tế Israel và là chỉ số nổi bật khi đánh giá về sự vận hành nền kinh tế của đất nước chúng tôi. Trong đó, sự hợp tác giữa lĩnh vực học thuật và lĩnh vực kinh tế là không thể bỏ qua. Chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian và công sức để xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho các chuyên gia, nhà khoa học. Nghĩa là, chính phủ không chỉ rót tiền mà còn liên kết với họ để đưa những kết quả nghiên cứu vào cuộc sống. Có thể nói, chúng tôi phát triển kinh tế từ vị trí của nhà khoa học. Nhờ đó, hơn 10 năm qua, tính cạnh tranh của Israel đã vươn cao trên toàn cầu".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Ngai vàng" sáng tạo đổi mới dịch chuyển về châu Á?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO