Mùa xuân Myanmar

LAM HỒNG| 17/02/2012 05:56

Sau hơn nửa thế kỷ bị cô lập với thế giới bên ngoài, Myanmar đã mở cánh cửa “bí hiểm”của mình để tạo nên những thay đổi đáng kinh ngạc.

Mùa xuân Myanmar

Sau hơn nửa thế kỷ bị cô lập với thế giới bên ngoài, Myanmar đã mở cánh cửa “bí hiểm”của mình để tạo nên những thay đổi đáng kinh ngạc.

Vẫn còn hoài nghi

Giới chính trị gia Myanmar đang cải tổ hệ thống với tốc độ “gây bất ngờ cho cả thế giới” kể từ khi tướng Thein Sein trở thành tổng thống dân sự vào tháng 3/2011, thay thế cho tướng độc tài Than Shwe.

Về mặt chính trị, Myanmar đang chứng kiến nhiều thay đổi đáng kinh ngạc. Trên chính trường, đảng đối lập sẽ chạy đua vào một số ghế trong nghị viện.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Tổng thống Myanmar Thein Sein với cuộc gặp lịch sử bàn về tương lai của Myanmar

Chính phủ mới cũng công bố đại diện của Tổ chức Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ được vào Myanmar từ đầu tháng 4/2012. Nghị viện Myanmar cũng đang cân nhắc về luật truyền thông mới để giúp Myanmar trở thành một trong những môi trường thông tin tự do nhất trong khu vực.

Nói đây là “sự thay đổi chóng vánh” vì mới cách đây một năm, các tờ báo thậm chí còn không được nhắc đến tên lãnh tụ của phong trào đấu tranh cho dân chủ Suu Kyi.

Vì vậy, không ít người vẫn hoài nghi trước sự thay đổi của chế độ độc tài quân sự cầm quyền từ năm 1962. Trước sự hoài nghi của quốc tế, quan chức Myanmar thừa nhận rằng nếu duy trì thể chế hiện tại, nước này sẽ không thể trở nên thịnh vượng sau khi Myanmar gia nhập thị trường thống nhất của các nước Đông Nam Á vào năm 2015.

Ngoài ra, Chính phủ Myanmar cũng thừa nhận còn nhiều yếu tố khác đã tác động khiến giới lãnh đạo nước này phải thay đổi cách nghĩ trước một thế giới đang biến chuyển rất nhanh. Giới chính trị Myanmar cũng không giấu giếm sự lo ngại trước những tác động của “mùa Xuân Arập” làm sụp đổ nhiều chính quyền trên thế giới.

Đảng cầm quyền Myanmar lo sợ các nhóm đối lập có thể đổ ra đường phố giống như họ đã làm vào năm 1988 và năm 2007, có thể cùng với nhiều nhóm vũ trang và người thiểu số Karen và Chacin ở khu vực biên giới...

Trong hơn hai thập kỷ qua, khi bị cộng đồng quốc tế cô lập, trừng phạt vì những vị phạm nhân quyền, đồng minh thân cận và quan trọng nhất của giới lãnh đạo quân sự Myanmar là Trung Quốc. Nhưng thời gian qua, quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng này không còn mặn nồng như trước.

Quyết định đình chỉ dự án đập thủy điện Myitsone do Trung Quốc tại trợ vào cuối tháng 9/2011 chứng tỏ có những rạn nứt trong quan hệ giữa hai nước. Đã đến lúc Myanmar nhận ra sau hơn 50 năm nền chính trị độc tài quân sự của mình dựa hẳn vào gã khổng lồ Trung Quốc vẫn không tìm ra lối thoát khỏi nghèo đói và bất ổn.

Những thay đổi trong chính sách ngoại giao của Myanmar phù hợp với chính sách mới của Mỹ về Á châu. Để khích lệ cho xu hướng này, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có chuyến thăm Myanmar. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ tại nước này trong hơn 50 năm qua.

Đây được xem như một dấu hiệu làm tăng thêm hy vọng nối lại quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia và đánh dấu sự mở cửa với thế giới bên ngoài của Myanmar. Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague, Alain Juppe Bộ trưởng ngoại giao Pháp... cũng như đại diện ngoại giao các nước khác cũng liên tục có các chuyến đi tới Myanmar trong thời gian gần đây.

Dưới ảnh hưởng của Mỹ, hàng loạt các quyết định quan trọng mang tính lịch sử đã tạo ra bước ngoặt trong sự thay đổi nền chính trị của Myanmar, từ độc tài quân sự sang chính quyền dân sự theo đuổi tự do dân chủ. Điều đáng chú ý là việc chính quyền Myanmar đã tiến hành ký kết thỏa thuận ngừng bắn với các lực lượng phiến quân sắc tộc thiểu số và ra lệnh cho quân đội chấm dứt xung đột.

Bước ngoặt thay đổi thương mại của châu Á?

Nghiên cứu gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Myanmar có thể tăng trưởng khoảng 5,5% vào năm 2012. Nếu so sánh mức tăng trưởng dự báo này với nhóm nước láng giềng trong khu vực, có thể thấy 5,5% là con số khá lớn xét đến triển vọng kinh tế toàn cầu tăng trưởng kém. Dù vậy, Myanmar còn có tiềm năng tăng trưởng cao hơn.

Để gạt bỏ những nghi ngờ về thực tâm cải cách của chế độ Myanmar, các nước phương Tây một mặt xem xét từng bước giảm nhẹ cấm vận, mặt khác, sẵn sàng hỗ trợ chính quyền Naypyidaw trên con đường dân chủ hóa. Trong tháng Tư, Liên hiệp Châu Âu sẽ khai trương văn phòng đại diện. Một ủy viên châu Âu sẽ công du nước này để thảo luận việc trợ giúp 150 triệu euro cho Myanmar.

Myanmar từng là một quốc gia giàu có nhất Đông Nam Á với tài nguyên thiên nhiên như khí đốt tự nhiên, các nguồn lâm sản, khoáng sản dồi dào và nguồn lao động giá rẻ (nói tiếng Anh) hơn bất kỳ nơi đâu.

Tiềm năng này khiến cho Myanmar trở thành một quốc gia vô cùng hấp dẫn, đang được các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ và chuẩn bị để nhảy vào đầu tư ngay khi điều kiện có thể.

Chính phủ nước này mới thông qua luật lao động, giảm thuế đầu tư nước ngoài (miễn thuế 8 năm) và tham khảo ý kiến của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong việc hoàn thiện hệ thống tiền tệ, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Tuần trước, một số ngân hàng địa phương được phép giao dịch giữa đồng kyat của Myanmar với đồng USD, euro và đô la Singapore. Một số công ty lớn, bao gồm Total SA ( Pháp) được tiếp tục hoạt động tại Myanmar.

Tập đoàn Cnooc Trung Quốc, PTT của Thái Lan và các công ty châu Á khác tiếp tục mở rộng hoạt động tại thị trường này. Một trong số các thương hiệu phương Tây đầu tiên gia nhập vào thị trường Myanmar là Unilever.

Một số trong những dự án khổng lồ được giới đầu tư quốc tế chú ý là các cảng nước sâu và trung tâm công nghiệp ở khu vực thành phố Twai phía nam của Myanmar.

Với tổng giá trị đầu tư lên đến khoảng 8,6 tỷ USD, Chính phủ Myanmar đã có ý định biến khu vực này trở thành trung tâm kinh doanh đáp ứng tất cả nhu cầu của khu vực châu Á về mọi mặt.

Đối với cảng nước sâu ở Twai sẽ có công suất hơn 200 triệu tấn, trong khi các cảng nước sâu lớn nhất ở Thái Lan - Laem Chabang chỉ mới đạt cỡ 47 triệu tấn, nghĩa là chỉ bằng 1/4 của cảng Twai.

Cả chính phủ Mỹ và Liên minh châu Âu đã phát đi tín hiệu sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt nếu Myanmar tiếp tục điều chỉnh chính sách tích cực như trên. Chính phủ Singapore cũng kết hợp với Myanmar để hối thúc chính phủ Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mùa xuân Myanmar
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO