Sau Brexit liệu có thể là Itexit? |
Tỷ lệ ủng hộ ở lại EU thấp kỷ lục
Chỉ một ngày sau khi Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) là Jean-Claude Juncker tuyên bố người Ý vẫn muốn ở lại Liên minh Châu Âu (EU), thì trên thực tế, một cuộc thăm dò gần đây cho thấy chưa đến một nửa số dân Ý đồng tình với ý kiến ấy.
Kết quả đầy ngạc nhiên của một cuộc thăm dò mới nhất từ hãng chuyên thực hiện các cuộc khảo sát Eurobarometer trong tuần trước cho thấy chỉ có 44% người Ý đồng ý với việc nước này sẽ vẫn ở lại EU. Đây là con số ủng hộ thấp nhất trong số các thành viên EU hiện nay, thậm chí thấp hơn cả Anh - quốc gia đã bỏ phiếu rời khỏi tổ chức này trong một cuộc trưng cầu dân ý diễn ra năm 2016.
Có vẻ như ngài Juncker đã quá vội vàng khi cho rằng "châu Âu cần Ý và Ý cần châu Âu", đồng thời chia sẻ lo ngại EU sẽ không thể tồn tại nếu Ý rời khỏi tổ chức này. Nếu nhìn vào cuộc khủng hoảng chính trị và những thách thức kinh tế mà người Ý đang phải đối mặt hiện nay thì khả năng nước này theo chân Anh rút khỏi EU không phải là không có cơ sở.
Kịch bản Hy Lạp tái diễn?
Ngày 19/10, hãng xếp hạng tín nhiệm Moodys đã bất ngờ đánh tụt bậc xếp hạng của Ý xuống mức Baa3 - mức thấp nhất trong bậc xếp hạng đầu tư và chỉ nằm trên bậc đầu cơ. Mọi việc đều bắt nguồn từ dự thảo kế hoạch ngân sách cho năm tới được đưa ra gần đây của Ý, vốn đã gây ra xung đột giữa nước này với giới lãnh đạo của EU.
Cụ thể, dự thảo luật quy định mục tiêu thâm hụt ngân sách của Ý sẽ tương đương với 2,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tuy vẫn thấp hơn mức 3% mà EU quy định cho các thành viên, tuy nhiên các quan chức EU lo ngại mức thâm hụt thực tế có thể cao hơn nhiều, đặc biệt nếu tăng trưởng kinh tế không cải thiện nhiều như dự báo.
Việc tăng thâm hụt ngân sách như vậy sẽ ngăn chặn kế hoạch giảm nợ quốc gia của Ý, vốn đang là nước có nợ lớn thứ hai trong khu vực đồng EUR, với tổng nợ đã lên tới 2.300 tỷ EUR, tương đương 2.600 tỷ USD. Quy định của EU cũng đặt ra nợ công của các thành viên phải dưới 60% GDP.
Chính vì dự thảo luật ngân sách như trên đi kèm với một loạt biện pháp mở rộng tài khóa có thể dẫn đến thâm hụt tăng nhanh, vi phạm các quy tắc ngân sách của EU, mà những tranh cãi liên tiếp đã nổ ra giữa hai bên. Thực tế thì các thị trường tài chính còn phản ứng sớm hơn, khi trái phiếu chính phủ Ý đã bị bán ròng liên tiếp suốt thời gian qua, đẩy lợi suất trái phiếu nước này tăng vọt.
Nhìn vào tình cảnh của nước này hiện nay cũng khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh của Hy Lạp trước đây, ban đầu cũng do thâm hụt ngân sách triền miên rồi vướng vào khủng hoảng nợ công, trái phiếu bị bán tháo khiến chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu Hy Lạp và lợi suất trái phiếu Đức tăng từ quanh 0,4% trước khủng hoảng lên đến 4%.
Khi chi phí vay nợ quá đắt đỏ cộng thêm mức phí bảo hiểm rủi ro vỡ nợ (CDS) gia tăng, Chính phủ Hy Lạp phải chấp nhận các gói cứu trợ từ EU, đổi lại phải thực thi chính sách thắt lưng buộc bụng suốt thời gian dài sau đó đã đẩy chất lượng sống của người dân nước này xuống mức thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia khác.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Ý đã tăng hơn gấp đôi chỉ trong vòng 5 tháng qua, lên 3,8% - mức cao nhất trong 5 năm qua và đã cao hơn lợi suất trái phiếu của Đức cùng kỳ hạn đến 3,4%. Trong khi đó, theo quy định của EU thì lợi suất trái phiếu thời hạn từ 10 năm trở lên của các nước thành viên không vượt quá 2% so với mức trung bình của ba nước có lãi suất thấp nhất. Trong khi đó, chỉ số CDS ở trái phiếu kỳ hạn 5 năm của Ý hiện đã lên mức 283,1 điểm - tăng đến 105,7% so với đầu năm nay.
Với việc vừa bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm, khả năng trái phiếu của Ý sẽ tiếp tục bị bán tháo và đẩy lợi suất lên cao hơn. Nếu diễn biến này tiếp tục, nước Ý có thể một lần nữa rơi vào rủi ro khủng hoảng nợ công. Cần biết rằng, trong cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu giai đoạn 2009 - 2011, Ý nằm trong nhóm nước có khả năng phá sản cùng với Hy Lạp, Ai Len, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Nếu điều này xảy ra, không loại trừ Ý sẽ giống như Hy Lạp, tức phải cần đến các gói cứu trợ và đổi lại phải chấp nhận chính sách thắt lưng buộc bụng. Trong hoàn cảnh đó, với sĩ diện của người Ý, chính phủ nước này có thể lựa chọn giải pháp rời EU để chủ động thiết lập kế hoạch ngân sách và chính sách tài khóa mà không buộc phải tuân theo quy định của EU.
Tác động từ các yếu tố chính trị
Một yếu tố quan trọng khác có thể dẫn đến sự ly khai của Ý với EU là chủ nghĩa dân túy đang "lên ngôi"trở lại tại đây. Chính trường Ý vẫn bị chia rẽ sâu sắc kể từ sau cuộc bầu cử đầu năm 2018, trong đó Đảng Phong trào 5 sao (M5S) và Đảng Liên đoàn phương Bắc (LN) đều tỏ rõ quan điểm hoài nghi Liên minh Châu Âu, tức luôn chỉ trích sự tồn tại của EU.
Các vấn đề nhập cư và Liên minh Tiền tệ Châu Âu đã trở thành đề tài được các đảng cực hữu và dân túy tại châu Âu sử dụng triệt để trong những năm gần đây, cũng như tại nước Ý nói riêng, trong đó những cam kết về việc rời khỏi EU hoặc ít nhất EU phải có sự cải tổ đã được các đảng này sử dụng như quân bài cho các chiến dịch tranh cử.
Đặc biệt là sự kiện Brexit cho thấy chưa thật sự nghiêm trọng đối với nước Anh như những lời hù dọa, do đó càng khuyến khích các quốc gia khác đi theo, nhất là khi xu hướng ly khai cùng chính sách bảo hộ đang thắng thế không chỉ tại châu Âu mà còn ở những nước phát triển khác.
Mỹ gần đây đã rời khỏi Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU), Hiệp ước Kiểm soát hạt nhân và cũng nhiều lần đe dọa sẽ rời khỏi các hiệp định thương mại song phương lẫn đa phương như WTO. Có vẻ như người Ý tìm "tiếng nói riêng" sẽ không còn xa, nếu như EU không có những nhượng bộ, hay phải cải tổ sâu sắc và triệt để hơn.