Liên minh Giày dép châu Âu chỉ trích quyết định của EU

Nguồn VOV| 24/12/2009 08:09

Tổ chức này đưa ra cảnh báo rằng, quyết định của EU sẽ dẫn đến thiệt thòi cho người tiêu dùng châu Âu, vì họ sẽ phải mua các mặt hàng giày với giá cao hơn.

Liên minh Giày dép châu Âu chỉ trích quyết định của EU

Tổ chức này đưa ra cảnh báo rằng, quyết định của EU sẽ dẫn đến thiệt thòi cho người tiêu dùng châu Âu, vì họ sẽ phải mua các mặt hàng giày với giá cao hơn.

Ngày 22/12, ngay sau khi Liên minh châu Âu (EU) thông qua quyết định kéo dài thêm 15 tháng thời hạn áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng giày dép của Việt Nam và Trung Quốc, Liên minh Giày dép châu Âu, nhóm gồm các hãng giày lớn như Adidas và Clarks, đã lập tức lên tiếng chỉ trích quyết định này của Liên minh châu Âu.

Trong tuyên bố của mình, Liên minh Giày dép châu Âu nêu rõ quyết định này cho thấy Liên minh châu Âu vẫn thích đi theo con đường bảo hộ hơn là tự do thương mại, điều này khiến các nhà kinh doanh giày lớn của châu Âu và người tiêu dùng phải trả giá cho quyết định này của Liên minh châu Âu.

Bộ trưởng Thương mại Anh Peter Mandelson cũng lên tiếng chỉ trích quyết định của Ủy ban châu Âu. Ông Mandelson cho rằng Ủy ban châu Âu không nên kéo dài thêm thời hạn áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng giày dép, điều này gây tác động tiêu cực cho việc phát triển quan hệ thương mại và đầu tư lâu dài đối với Trung Quốc và Việt Nam...

Quyết định của Liên minh châu Âu kéo dài thời hạn áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng giày dép của Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực từ ngày 3/1/2010 và tỷ lệ áp thuế đối với giày mũ da của Việt Nam là 10% và của Trung Quốc là 16,5%.

Áp thuế chống bán phá giá giày mũ da xuất khẩu của Việt Nam là vô lý

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga: Đây là một quyết định không công bằng, không hợp lý, không phản ánh đúng thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh mặt hàng này tại Việt Nam.

Ngày 22/12 vừa qua, Hội đồng châu Âu đã ra quyết định chính thức về việc gia hạn áp thuế chống bán phá giá thêm 15 tháng đối với giày mũ da xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường châu Âu kể từ ngày 3/1/2010. Việt Nam rất bất bình trước quyết định không công bằng, không hợp lý này. Đây là nội dung được đưa ra tại cuộc họp báo do Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương tổ chức chiều 23/12, tại Hà Nội.

Vụ kiện bắt đầu từ tháng 5/2005 khi Liên đoàn công nghiệp giày châu Âu khởi kiện đối với giày có mũ da nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc với 33 mẫu sản phẩm. Sau thời gian điều tra, tháng 10/2006, Uỷ ban châu Âu đã ra quyết định chính thức với mức áp thuế chống bán phá giá đối với giày có mũ gia của Việt Nam là 10%. Thời hạn áp dụng các biện pháp này là 2 năm kể từ tháng 10/2006.

Sau thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá trong 2 năm (2006 -2008), kể từ tháng 10/2008 đến nay Uỷ ban châu Âu tiến hành rà soát áp thuế chống bán phá giá. Ngày 19/11 vừa qua, tại cuộc họp của Uỷ ban tư vấn chống bán phá giá để lấy ý kiến của các nước thành viên của liên minh châu Âu đối với vấn đề này, có 15 trong tổng số 27 nước thành viên châu Âu bỏ phiếu phản đối đề xuất tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng giày có mũ da nhập khẩu từ Việt Nam của Uỷ ban châu Âu.

Mặc dù bị đa số các nước thành viên phản đối, nhưng Ủy ban châu Âu vẫn không thay đổi quan điểm và đã đệ trình lên Hội đồng châu Âu đề xuất gia hạn áp thuế chống bán phá giá thêm 15 tháng đối với mặt hàng giày mũ da nhập khẩu vào Liên minh châu Âu từ Việt Nam và Trung Quốc.

Căn cứ đề xuất của Uỷ ban châu Âu, ngày 22/12 vừa qua, Hội đồng châu Âu đã tổ chức bỏ phiếu lấy ý kiến của các nước thành viên châu Âu về vụ việc này và đã ra quyết định chính thức về việc gia hạn áp thuế chống bán phá giá thêm 15 tháng đối với giày mũ da xuất khẩu của Việt Nam kể từ ngày 3/1/2010.

Tại buổi họp báo chiều 23/12, ông Lê Danh Vĩnh, Thứ trưởng bộ Công Thương khẳng định: Các doanh nghiệp kinh doanh giày dép Việt Nam không bán phá giá, và việc Uỷ ban châu Âu xác định mặt hàng giày mũ da của Việt Nam bán phá giá là không công bằng và không phản ánh đúng bản chất vụ việc.

Cũng theo Thứ trưởng bộ Công thương Lê Danh Vĩnh, mặt hàng giày mũ da xuất khẩu của Việt Nam không gây ra thiệt hại và cũng không phải là nguyên nhân gây thiệt hại cho ngành công nghiệp giày châu Âu; Ngành công nghiệp giày Việt Nam đã phải chịu những thiệt hại nặng nề do việc áp thuế chông bán phá giá của Uỷ ban châu Âu; kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào thị trường châu Âu đã giảm sút đáng kể.

Trong 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch giày dép của Việt Nam vào châu Âu ước đạt 1,6 tỷ USD, giảm 11,2% so với năm ngoái. Việc tiếp tục các biện pháp chống bán phá giá không nhằm phục vụ cho lợi ích chung của cộng đồng châu Âu, trong đó có lợi ích chính đáng của chính các doanh nghiệp châu Âu đang đầu tư, kinh doanh trong ngành giày dép tại Việt Nam, các nhà nhập khẩu, các nhà phân phối, bán lẻ, các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần, nguyên vật liệu tại thị trường châu Âu, đặc biệt là quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng châu Âu.

Mặt khác việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đi ngược lại với chính sách tự do hoá thương mại của liên minh châu Âu; không phù hợp với sự phát triển tốt đẹp của quan hệ kinh tế - thương mại song phương giữa VN và cộng đồng châu Âu.

Cũng tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nêu rõ: Ngày 22/12, Hội đồng châu Âu đã quyết định gia hạn áp thuế chống bán phá giá thêm 15 tháng đối với giày mũ da xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường châu Âu. Việt Nam rất bất bình trước quyết định này.

Đây là một quyết định không công bằng, không hợp lý, không phản ánh đúng thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh mặt hàng này tại Việt Nam, đi ngược lại tinh thần tự do hoá thương mại mà Liên minh châu Âu vẫn thúc đẩy. Quyết định này ảnh hưởng bất lợi tới những người lao động nghèo tại một quốc gia đang phát triển còn nghèo như Việt Nam, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối, bán lẻ và người tiêu dùng châu Âu. Quyết định này cũng làm giảm hiệu quả các nỗ lực của châu Âu trong hợp tác với Việt Nam xoá đói giảm nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Liên minh Giày dép châu Âu chỉ trích quyết định của EU
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO