Kinh tế Triều Tiên lao đao vì ngoại tệ tràn ngập

03/06/2013 04:39

Nền kinh tế vốn đã trì trệ của Triều Tiên nay đang phải đối mặt với sự “xâm lăng” của ngoại tệ, khi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và đô la Mỹ được sử dụng rộng rãi hơn bao giờ hết, khiến chính phủ càng khó kiểm soát tình hình.

Kinh tế Triều Tiên lao đao vì ngoại tệ tràn ngập

Nền kinh tế vốn đã trì trệ của Triều Tiên nay đang phải đối mặt với sự “xâm lăng” của ngoại tệ, khi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và đô la Mỹ được sử dụng rộng rãi hơn bao giờ hết, khiến chính phủ càng khó kiểm soát tình hình.

Theo hãng tin Reuters, kể từ sau khi Triều Tiên định giá lại đồng Won năm 2009, khiến khoản tiền tiết kiệm của hàng triệu gia đình không cánh mà bay, việc sử dụng đồng USD và nhân dân tệ (RMB) đã ngày càng trở lên phổ biến.

Đồng Won của Triều Tiên đã mất giá chóng mặt từ năm 2009

Trên thị trường chợ đen, theo Daily NK, một tờ báo tại Seoul chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên, thì đồng Won Triều Tiên đã mất tới hơn 99% giá trị so với USD kể từ sau đợt định giá lại.

Do tính chất khép kín của nền kinh tế nước này, ảnh hưởng của sự mất giá đồng nội tệ đối với khả năng kiểm soát nền kinh tế của chính quyền Bình Nhưỡng rất khó xác định. Tuy nhiên các chuyên gia khẳng định việc ngoại tệ được sử dụng ngày càng nhiều khiến chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong Un khó triển khai các chính sách kinh tế.

Điều này sẽ dẫn tới sự hình thành một khu vực kinh tế tư nhân ngoài tầm kiểm soát của nhà nước, hoặc chỉ có thể kiểm soát được bằng các biện pháp hà khắc. Nhưng hiện tại có vẻ như Bình Nhưỡng đang chọn giải pháp chấp nhận ngoại tệ thay vì tìm cách ngăn chặn.

Theo ước tính của một nhà phân tích tại Viện nghiên cứu kinh tế Samsung tại Seoul, hiện lượng ngoại tệ mạnh lưu hành tại Triều Tiên lên tới 2 tỷ USD, trong khi nền kinh tế của nước này chỉ được nhận định có quy mô 21,5 tỷ USD. Đến nay Bình Nhưỡng chưa từng công bố dữ liệu về tình hình kinh tế.

USD và RMB được sự dụng rộng rãi tới mức Bình Nhưỡng khó có thể làm gì để ngăn chặn, Marcus Noland, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện kinh tế quốc tế Peterson tại Washington khẳng định.

“Đây là một cuộc chiến đã kéo dài suốt 20 năm, khi chính quyền muốn nắm quyền kiểm soát kinh tế, vô hiệu hóa thị trường và buộc mọi người sử dụng đồng Won, nhưng họ không có khả năng để làm bất kỳ điều gì. Nó chỉ khiến tình hình trở nên khó kiểm soát hơn”, ông Noland khẳng định.

Đoạn phim bí mật

Tại thị trấn Changbai, tỉnh Jilin của Trung Quốc, đối diện với thành phố biên giới Hyesan khốn khổ của Triều Tiên, một thương nhân Trung Quốc cho biết, các quan chức Triều Tiên mà ông làm ăn cũng muốn nhận đồng RMB hơn bất kỳ thứ gì, kể cả thực phẩm. “Thứ duy nhất họ muốn là ngoại tệ”, thương nhân giấu tên, chuyên kinh doanh dược phẩm và trà này cho biết.

Những đồng RMB họ kiếm được từ hoạt động buôn bán nhanh chóng được đưa vào lưu thông tại Hyesan, một thành phố với khoảng 190.000 dân với nền kinh tế dựa vào công nghiệp đã lao dốc từ những năm 1990.

Hồi tháng 4 vừa qua, tờ Daily NK từng đăng tải một đoạn video được quay bí mật từ tháng 2 tại một khu chợ ngoài trời ở Hyesan cho thấy, những người bán hàng ở đây đều công khai niêm yết giá bằng RMB cho các sản phẩm từ găng tay tới áo khoác. Một người bán hàng trong đoạn băng còn đang nhận tiền của khách bằng RMB.

Bình Nhưỡng thường có những chiến dịch định kỳ để ngăn chặn việc sử dụng ngoại tệ nhưng hầu như không thành công. Theo tổ chức Liên đoàn quốc tế vì nhân quyền tại Paris, từ tháng 9/2012, việc lưu hành ngoại tệ đã bị Triều Tiên liệt vào tội danh có thể bị xử tử hình.

Một tổ chức nhân quyền khác là Human Rights Watch cho biết gần đây họ đã phỏng vấn 90 người Triều Tiên đào tẩu trong 2 năm gần nhất về các hình phạt đối với các tội danh kinh tế. Tuy nhiên không một ai cho biết từng bị trừng phạt vì sử dụng hay nắm giữ ngoại tệ.

Đồng Won mất giá hoàn toàn

Niềm tin của người Triều Tiên vào đồng Won sụp đổ hoàn toàn sau đợt định giá lại tháng 11/2009. Khi đó chính phủ tuyên bố bỏ bớt 2 chữ số 0 trên đồng tiền cũ đồng thời giới hạn số lượng tiền cũ người dân được phép đổi thành tiền mới. Chính việc này đã khiến người dân đổ xô tích trữ ngoại tệ.

Trên thị trường chợ đen, trước khi đồng Won được định giá lại thì 30 Won đổi được 1 USD. Nhưng sau đó, tỷ giá này đã tăng chóng mặt lên 8500 Won đổi 1 USD, tờ Daily NK cho biết.

Trong khi đó tỷ giá chính thức vẫn ở mức 130 Won đổi 1 USD. Tờ báo này có nguồn tin tại Triều Tiên để cập nhật tỷ giá cứ hai tuần một lần.

Theo ông Christopher Green, trưởng bộ phận quốc tế của Daily NK, tại các khu vực biên giới của Triều Tiên, 90% giao dịch được tiến hành bằng ngoại tệ. Ở những khu vực khác, tỷ lệ này là từ 50 – 80% đối với khu vực kinh tế tư nhân.

Theo ông Dong Yong-Sueng, một nhà phân tích tại Viên nghiên cứu kinh tế Samsung, giá cả hầu như mọi mặt hàng tại Triều Tiên đều tính bằng USD, dù đó là bia, hay các khóa luyện thi đại học hoặc giá nhà..

Trong khi đó ngân hàng trung ương Hàn Quốc ước tính khoảng 2 tỷ USD ngoại tệ dưới dạng tiền mặt đang lưu thông tại Triều Tiên. Một nửa số này là USD, 40% là RMB và 10% là euro.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế Triều Tiên lao đao vì ngoại tệ tràn ngập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO