Kinh tế Hồng Kông: Bí ẩn đằng sau "mác" tự do

10/08/2012 00:57

Được ca ngợi là thành phố có thị trường tự do, thế nhưng trên thực tế nền kinh tế của Hồng Kông không có chỗ cho tự do và bị chi phối hoàn toàn bởi một số ít những đại gia độc quyền.

Kinh tế Hồng Kông: Bí ẩn đằng sau

Được ca ngợi là thành phố có thị trường tự do, thế nhưng trên thực tế nền kinh tế của Hồng Kông không có chỗ cho tự do và bị chi phối hoàn toàn bởi một số ít những đại gia độc quyền.

Sự chi phối của 6 gia đình lớn

Viện nghiên cứu chính sách Heritage Foundation (Mỹ) luôn xếp Hồng Kông vào vị trí hàng đầu trong những thành phố tự do với lời ca ngợi về một "chính phủ nhỏ, thuế thấp và luật lệ rõ ràng".

Hầu hết những thành tích này đến từ hai yếu tố: "tự do kinh doanh" và "tự do lao động" của Hồng Kông. Đúng là bạn có thể bắt đầu kinh doanh tại đây chỉ sau 3 ngày làm thủ tục. Tất cả bạn cần là chứng minh thư Hồng Kồng, một mẫu đơn và khoảng 350 USD. Hệ thống thuế của Hồng Kông cũng vô cùng đơn giản: 15% cho cá nhân và 16,5% cho các tập đoàn.

Thế nhưng, nếu kinh doanh, dù là kinh doanh hay lao động, việc tồn tại được ở Hồng Kông cũng vô cùng khó khăn. Nguyên nhân chính là ảnh hưởng của những ông trùm độc quyền.

Hongkong được đánh giá là một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới

Đằng sau tất cả những trung tâm mua sắm sang trọng, cuộc sống thực tế tại Hồng Kông dường như chẳng liên quan gì đến một nền kinh tế tự do hay bình đẳng, nó giống như một trò chơi gian lận.

Bí ẩn của nền kinh tế Hồng Kông là sự thống trị của các ông trùm lớn, bao gồm 6 gia đình chính. Đó là gia đình Lis, Kwoks, Lees, Chengs, Pao - Woo và Kadoories. Những ông trùm kinh doanh này liên kết chặt chẽ với nhau và thế lực của họ chiếm tới 1.200 ghế trong Ủy ban bầu cử chọn ra người điều hành Hồng Kông.

Những gã khổng lồ này thâu tóm và biến thị trường nơi đây thành nơi gần như không thể cạnh tranh. Những ông trùm này kiểm soát thị trường bất động sản, điện, khí đốt, các bên xe buýt, bến phà, và siêu thị.

Có thể kể ra một vài vụ mua bán lớn như:

- Cheung Kong Holdings của gia đình Lis mua lại Hutchison Whampoa - một tập đoàn khổng lồ với những chuỗi siêu thị lớn vào năm 1979, sau đó Huchison Whampoa lại mua lại Hongkong Electric - một trong 2 nhà độc quyền về điện của thành phố vào năm 1985

- Sun Hung Kai Properties của gia đình Kwok kiểm soát hệ thống xe buýt Kowloon Motor Bus

- Lee Shau-Kee của Lees tích lũy cổ phiếu của công ty cung cấp khí độc quyền HongKong and China Gas - trước khi công ty này bán cổ phiếu ra thị trường.

- Pacific Century Cyberworks (PCCW) thâu tóm Hong Kong Telecom vào năm 2000 theo kế hoạch của Richard Li, con thứ của chủ tịch Cheung Kong Holding Li Ka-shing, người Trung Quốc giàu nhất thế giới.

Hàng loạt các vụ mua bán như trên đã khiến các tiện ích chính và dịch vụ công cộng chính của thành phố rơi vào tay các ông trùm lớn: gia đình Lis với tập đoàn Cheung Kong/Hutchison, gia đình Kwoks với tập đoàn Sun Hung Kai Properties, gia đình Lees với tập đoàn Henderson và Chengs of New World Development, gia đình Pao - Woo với tập đoàn Wharf/Wheelock, và cuối cùng là Kadoories với tập đoàn CLP Holdings.

Ngày nay, có tất cả 49 công ty cấu thành chỉ số Hang Seng, đại diện cho khoảng 70% tổng vốn hóa của sàn chứng khoán Hồng Kông. Chỉ số này bị chi phối hoàn toàn bởi những doanh nghiệp Hồng Kông, mà phần lớn là công ty con của Li Ka Shings, Kwok hay Lees, bỏ rơi cả những "ông lớn" đến từ Trung Quốc đại lục như China Mobil, PetroChina, Bank of China,...

Doanh thu của 6 gia đình này cũng chiếm hầu hết tất cả những thành phần kinh tế của Hồng Kông. Và với truyền thống cha truyền con nối thì trong tương lai, sự hiện diện của 6 gia đình này chi phối toàn nền kinh tế Hồng Kông cũng sẽ không có nhiều thay đổi.

Như vậy, có thể thấy không hề có "tự do" trong thị trường các mặt hàng chính/dịch vụ tiện tích tại Hồng Kông. Ngược lại, tất cả đều bị chi phối độc quyền. Sự độc quyền này mạnh đến nỗi France's Carrefour - chuỗi siêu thị lớn thứ hai thế giới, đã phải đầu hàng vào năm 2000 sau 4 năm cố gắng tấn công thị trường Hồng Kông.

Tất nhiên cũng có một số thương hiệu ngoại lệ, như City Super của Nhật, nhưng đó là thương hiệu cao cấp, không xuất hiện phổ biến và quá tầm với hầu hết người dân Hồng Kông.

Tấc đất tấc vàng

Có một thành ngữ nổi tiếng mà không một người Trung Quốc nào không biết: tấc đất tấc vàng. Điều này lại càng đúng nều họ ở Hồng Kông. Tại Hồng Kông, đất đai là quyền lực.

Sau khủng hoảng tài chính năm 2008, sự hồi phục kinh tế của Hồng Kông cũng phụ thuộc chủ yếu vào lợi nhuận thu về từ du khách Trung Quốc đại lục và đầu tư bất động sản. Hồng Kông là một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Tại châu Á, Hồng Kông thường chỉ đứng sau các thành phố lớn của Nhật Bản, như Tokyo hay Osaka về giá đất. Thành phố này đứng thứ 15 trên thế giới về giá mua nhà, đứng thứ hai về giá thuê, với nhiều con đường thuộc loại đắt đỏ nhất thế giới.

Nguyên nhân của vấn đề này đến từ chính sách "giá đất cao" của Hồng Kông. Việc giá đất tăng quá cao dẫn tới một hệ quả tất yếu trong xã hội Hồng Kông: Sự bất bình đẳng. Hồng Kông luôn tự hào mình có những tỉ phú hàng đầu thế giới, như Li Ka Shing (Lý Gia Thành), anh em nhà Kwok hay Lee Shau-Kee.

Sau khủng hoảng tài chính năm 2008, sự hồi phục kinh tế Hồng Kông phụ thuộc chủ yếu vào lợi nhuận thu về từ du khách Trung Quốc đại lục và đầu tư bất động sản.

Có một mẫu số chung đối với cả 6 ông trùm trên. Đó là họ đều bắt đầu với bất động sản, rồi sau đó dần nuốt trọn các dịch vụ tiện ích và dịch vụ công cộng. Trong đó, chính phủ - người sở hữu đất, thu về những lợi ích không nhỏ từ việc bán đất và bán quyền sở hữu đất.

Tuy nhiên đằng sau những tỉ phú này là 18% trong số 7 triệu người của thành phố sống dưới mức nghèo khó, theo thống kê năm 2011, với thu nhập khoảng 7.000 đô la Hồng Kông/tháng cho một hộ gia đình. Ngoài ra, khoảng 100.000 người không nhà cửa và phải sống trong những căn nhà tạm bợ.

Hiện tại Hồng Kông có thể coi là một thành phố khá giàu có với mức GDP bình quân đầu người khoảng 45.000 USD, nhưng bên cạnh đó lại là một phần đông dân số sống trong nghèo khổ và họ không thể trang trải nổi phí sinh hoạt.

Việc mua bán đất liên tục tại Hồng Kông dẫn tới tình trạng giá nhà đất ngày càng tăng cao. Điều này đã ảnh hưởng tới hầu hết các doanh nghiệp địa phương, và khiến các nhà đầu tư nước ngoài lùi xa khỏi thành phố này. Sự tập trung công nghiệp và kinh tế của Hồng Kông cũng đều xoay quanh đất đai. Giá mua và cho thuê bất động sản tăng cao đã đẩy giá sinh hoạt và kinh doanh lên. Nó khiến bất công xã hội và chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng, và tác động tới tất cả những ai không phải là triệu phú ở Hồng Kông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế Hồng Kông: Bí ẩn đằng sau "mác" tự do
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO