Kinh tế Ấn Độ và "vật cản" nước sạch

TUẤN HẢI| 12/07/2016 01:03

Trong khi Ấn Độ đang phấn đấu trở thành "công xưởng của thế giới", vấn đề nước sạch vẫn tiếp tục ám ảnh nhà cầm quyền.

Kinh tế Ấn Độ và

Trong khi Ấn Độ đang phấn đấu trở thành "công xưởng của thế giới", vấn đề nước sạch vẫn tiếp tục ám ảnh nhà cầm quyền.

Đọc E-paper

Ngày 7/7 vừa qua, truyền thông Ấn Độ tập trung sự chú ý vào một chuyện hài hước khi thị trưởng Pravina Thakur của TP. Vasai-Virar vẫn tưới cây trong lúc trời... mưa. Đó là một hành động truyền bá, cổ vũ cho nỗ lực trồng cây xanh xung quanh Mumbai.

Cơn mưa ở Vasai-Virar hẳn sẽ khiến những người như Bachal Lal Varma - chủ một tiệm giặt ủi ở Ấn Độ cảm thấy được cổ vũ hơn. Trong một đất nước khan hiếm nước sạch như Ấn Độ, Varma có giai đoạn phải chi 5.000 rupee, tương đương 74USD, mỗi ngày để mua nước phục vụ việc kinh doanh. Số tiền ấy cao gấp 3 lần tiền lời trong ngày của Varma, và ông thừa nhận với hãng tin Bloomberg rằng "sẽ tiếp tục cố gắng một khi còn đủ dũng cảm", và chờ đợi chính quyền bang Karnataka cung cấp nước sạch trực tiếp tới tiệm giặt ủi của mình.

Là nơi cư trú của gần 1/6 dân số toàn cầu, nhưng Ấn Độ chỉ có 4% lượng nước sạch trên hành tinh. Gần một nửa nền kinh tế Ấn Độ - có quy mô lớn thứ ba châu Á - đối diện với nguy cơ thiếu nước. Tính toán của nhóm nghiên cứu vấn đề nước cho thấy vào năm 2030, nhu cầu cung ứng nước từ bên ngoài của Ấn Độ là 50%.

Đây rõ ràng là tín hiệu khó khăn cho kế hoạch của Thủ tướng Narendra Modi - người quyết tâm đưa Ấn Độ trở thành nhà máy sản xuất của thế giới trong chương trình "Made in India" đầy tham vọng.

Sự thiếu hụt nguồn nước sẽ ngăn cản sự phát triển của các công ty sản xuất trong khi các phương án giải quyết khó khăn về nước sạch của Ấn Độ lại chưa cho thấy dấu hiệu khả quan.

Năm 2015, chính phủ liên bang lần đầu tiên yêu cầu các công ty có sử dụng nước ngầm phải xin giấy phép. Hồi tháng 4, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Prakesh Javadekar cho hay Ấn Độ sẽ nhắm tới việc giảm thiểu lượng nước cho công nghiệp còn một nửa trong 5 năm tiếp theo, bao gồm áp dụng công nghệ tái sử dụng, thu hồi và làm sạch lại nước.

Công nghệ tái sử dụng là giải pháp hàng đầu, xem ra cần theo đuổi nhất. Có điều ở tầm quản lý nhà nước, Ấn Độ vấp phải khó khăn là chính phủ cam kết tài trợ nước với giá thấp. Bloomberg đánh giá đây là một hành động bị chính trị chi phối, vì các bên đều cam kết bảo trợ nước để đáp ứng nguyện vọng của cử tri đã ủng hộ họ.

Đây là việc làm phản tác dụng vì chính mức giá rẻ dẫn tới tình trạng hoang phí nước sạch, theo ông Damandeep Singh - Giám đốc Công ty CDP India, đơn vị nắm trong tay dữ liệu sử dụng nước của những công ty lớn như Coca-Cola, Ford và Nestle SA.

Trong khi giá nước rẻ và việc thực thi tiết kiệm nước quá lỏng lẻo, các công ty công nghiệp lại là đối tượng bị kiểm soát chặt chẽ. Bloomberg cho biết, công nghiệp chỉ chiếm lượng nước dùng 8% trên cả Ấn Độ, nhưng đợt hạn hán tồi tệ nhất nhiều thập kỷ qua trong năm nay, bang Maharashtra đã cắt nguồn cung nước công nghệp 50%.

Thậm chí đối với các công ty như Coca-Cola, họ có thể bị kiện nếu người dân gửi đơn phàn nàn về vấn đề môi trường, như trường hợp năm 2014 hãng nước giải khát này phải loại bỏ kế hoạch phát triển trị giá 24 triệu USD vì không xin được giấy phép sau một đợt biểu tình phản đối của người dân.

Để giải quyết vấn đề nước sạch song song với ý muốn đẩy ngành công nghiệp sản xuất lên tối đa, các công ty tại Ấn Độ đang phải triển khai những kế hoạch riêng, như việc Coca-Cola cam kết nỗ lực tái chế nước. Nhà sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất của Ấn Độ là Hindustan Unilever từ năm 2010 đã bắt đầu thúc đẩy bảo tồn lượng nước, và đã giúp tiết kiệm 200 tỷ lít nước tính đến nay.

Khi vấn đề nước sạch được giải quyết rốt ráo, có lẽ Ấn Độ mới mơ về danh hiệu "nhà máy sản xuất của cả thế giới" như ông Modi đã đưa ra.

>Đến năm 2030, thế giới sẽ thiếu 40% nước sạch cần dùng

>TP.HCM cần 1 tỷ USD cho vấn đề "nước sạch"

> Giải pháp nước sạch từ túi nhựa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế Ấn Độ và "vật cản" nước sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO