![]() |
Sau cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng 2007-2009, Tổng thống Barack Obama đã cam kết sẽ cải tổ hệ thống ngân hàng của nước Mỹ. Cuối cùng, Luật Dodd-Frank cũng được thực thi và được nhìn nhận như một “cú sốc mạnh” đối với ngành tài chính - ngân hàng của Mỹ, buộc các tổ chức tài chính lớn phải thay đổi cách thức hoạt động và thị trường.
Đối đầu “sa hoàng tài chính”
Ngày 15/7, Thượng viện Mỹ đã thông qua Luật Cải cách tài chính Dodd-Frank (đặt theo tên hai tác giả chính là Thượng nghị sĩ Christopher Dodd và Dân biểu Barney Frank) với 60 phiếu thuận. Văn kiện dày hơn 2.300 trang, được đúc kết sau gần hai năm thảo luận và tranh cãi gay go, cuối cùng đã được Hạ viện tán đồng vào cuối tháng Sáu với 237 phiếu thuận.
![]() |
Wall Street |
Tổng thống Obama cho biết sẽ ban hành đạo luật này ngay và cũng tuyên bố, luật này được thực thi sẽ giúp chấm dứt những vụ “mờ ám” đã đẩy hệ thống tài chính Hoa Kỳ vào tình trạng khủng hoảng năm 2008.
Nhiều nhà bình luận cho rằng, chính sách cải cách, như chiếc vòng kim cô gắn lên Phố Wall, sẽ giúp chính phủ siết chặt kiểm soát đối với thị trường tài chính, đồng thời tăng cường bảo vệ khách hàng.
Chẳng hạn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ được quyền kiểm tra bất cứ tập đoàn ngân hàng và tài chính nào có tài sản lớn hơn 50 tỷ USD; đồng thời có quyền buộc các ngân hàng phải cắt giảm hoặc đình chỉ các hoạt động giao dịch nhiều rủi ro. Các tập đoàn tài chính lớn phải ký quỹ 50 tỷ USD dự phòng nhằm giải cứu chính mình khi bị thua lỗ...
Tinh thần chính của các biện pháp cải tổ là ngăn chặn các loại giao dịch mờ ám dẫn đến khủng hoảng như vừa qua. Các biện pháp này sẽ không bao giờ để cho những người đóng thuế phải gánh chịu hậu quả tai hại vì những lỗi lầm của Phố Wall một lần nữa, đồng thời đưa ra những điều luật mới để chấm dứt quan niệm cho rằng “một công ty lớn thì không thể thất bại được”.
Dư chấn hệ thống tư bản toàn cầu
Cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính của Mỹ vừa qua đã làm lộ rõ nhiều sơ hở trong hệ thống tài chính - ngân hàng. Hậu quả là kế hoạch giải cứu hệ thống này phải sử dụng đến hàng trăm tỷ USD tiền thuế của người dân trong khi giới chủ tài chính - ngân hàng vẫn nhận lương ở mức ngất ngưởng cùng các khoản tiền thưởng cao chót vót.
Tuy nhiên, nền kinh tế trị giá 13.800 tỷ USD của Mỹ lại lệ thuộc rất nhiều vào hệ thống ngân hàng. Vì vậy, chính sách cải tổ thực chất là cải tổ sâu rộng hệ thống tư bản Mỹ. Đây cũng là cuộc đối đầu không khoan nhượng với các ông chủ ngân hàng.
Ngay từ khi dự thảo dự luật được công khai, hàng trăm chuyên gia vận động hành lang của Phố Wall, trong đó có nhiều người làm việc trực tiếp với các nghị sĩ Đảng Cộng hòa, đã mở chiến dịch cản trở dự luật. Các nhóm "gây áp lực" đã chi gần 500 triệu USD để tìm cách loại bỏ một số điều khoản trong dự luật liên quan đến việc thành lập cơ quan bảo vệ người tiêu dùng và các giao dịch sản phẩm phát sinh trên các thị trường truyền thống.
Trước cuộc biểu quyết tại Thượng viện, đảng viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện, ông John Boehner, đã kêu gọi hủy bỏ dự luật vì theo ông, dự luật đó là “vô trách nhiệm”. Ông Boehner nói: “Tôi nghĩ dự luật dành quá nhiều quyền hạn cho các giới chức trong guồng máy chính quyền liên bang để cứu nguy cho hầu như bất cứ công ty nào ở Mỹ mà họ quyết định cần phải cứu nguy. Tôi đề nghị nên hủy bỏ dự luật này”.
Trước đó, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã tố cáo các nhà lập pháp thuộc Đảng Cộng hòa ngăn chặn sự hồi phục của nền kinh tế; lợi dụng những thủ tục lập pháp để ngăn không cho Quốc hội bỏ phiếu về dự luật trợ giúp khẩn cấp cho người thất nghiệp và những dự luật khác.
Bởi vì thời gian bồi thường thất nghiệp cho những người mất công ăn việc làm là một trong những phương thức ít tốn kém nhất để giúp đỡ cho nền kinh tế, nhưng một số nhân vật lãnh đạo Đảng Cộng hòa lại cho rằng trợ giúp như vậy sẽ làm cho những người thất nghiệp không muốn đi tìm việc làm.
Song, vụ gian lận tài chính của Tập đoàn Tài chính Mỹ Goldman Sachs, vừa bị lộ vào giữa tháng Tư qua, đã thúc đẩy Luật Cải cách tài chính ra đời và có thể thay đổi kiến trúc tài chính của Phố Wall. Ngay sau cuộc biểu quyết, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Tim Geithner nói tác động của cuộc cải tổ này sẽ vượt ra khỏi ranh giới Hoa Kỳ và đi vào các thị trường thế giới.
Ông Geithner cho biết: “Thừa nhận rằng các thị trường tài chính ngày nay thực sự mang tính toàn cầu, chúng ta sẽ cố gắng đưa phần còn lại của thế giới đi theo chúng ta khi chúng ta nâng cao các tiêu chuẩn bảo vệ tài chính ở Hoa Kỳ và củng cố tính cạnh tranh của các công ty canh tân nhất của đất nước chúng ta”.
Sau khi Luật Cải cách tài chính được cả Thượng viện và Hạ viện thông qua, các ngân hàng Mỹ bị cấm đặt cược số lượng lớn tại các thị trường và cũng chỉ được bỏ tối đa 3% vốn vào các giao dịch mang tính đầu cơ.
Đạo luật nói trên có thể khiến hoạt động của ngân hàng cá nhân tại thị trường Mỹ trở nên kém hấp dẫn hơn do mức lợi nhuận sẽ không đủ cao để bù đắp chi phí cho lượng vốn đòi hỏi thêm để thực hiện hoạt động bên ngoài nước Mỹ.
Những mạng lưới chi nhánh ngân hàng lớn có thể sẽ phải thu hẹp quy mô và bán một phần tài sản. Đây là một thay đổi lớn với nền tài chính của Mỹ vốn tập trung vào việc mở rộng mạng lưới chi nhánh trong suốt hai thập kỷ qua.
Tổng số ngân hàng Mỹ đóng cửa từ đầu năm đến nay đã lên đến con số 96. Theo tính toán của Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), có tới 775 ngân hàng thuộc diện “có vấn đề”. Từ 2010 - 2014, ước tính FDIC có thể tiêu tốn 60 tỷ USD để hỗ trợ giải quyết vấn đề liên quan đến các vụ sụp đổ ngân hàng.