Khi phụ nữ dám phá vỡ "Bức trần kính" giành bình quyền

THỤY KHA| 09/03/2016 00:04

Những sự kiện quan trọng trên thế giới cho thấy cơ hội thăng tiến của phụ nữ.

Khi phụ nữ dám phá vỡ

Asako Suzuki vừa được bổ nhiệm làm nữ lãnh đạo đầu tiên tại Honda. Ngân hàng Trung ương Ireland cũng mới bổ nhiệm phó thống đốc nữ đầu tiên. Và tất nhiên, bà Hillary Clinton có thể trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ... Những sự kiện quan trọng này cho thấy cơ hội thăng tiến của phụ nữ.

Đọc E-paper

Từ năm 2013, The Economist công bố "Chỉ số Bức trần kính" (glass-ceiling - chỉ những giới hạn phụ nữ gặp phải trong đấu tranh bình đẳng giới), xếp hạng điều kiện làm việc tốt nhất cho phụ nữ và chỉ số này được công bố hằng năm nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Chỉ số hiện nay có dữ liệu của 29 quốc gia. Glass-ceiling có tính đến những yếu tố như phụ nữ tiếp cận với giáo dục đại học, tham gia lực lượng lao động, lương, quản lý cấp cao và chi phí chăm sóc trẻ em. Năm nay, chỉ số này thêm vào một yếu mới: quyền nghỉ chăm vợ thai sản dành cho nam giới.

Nghiên cứu cho thấy ở nước có tỷ lệ nam giới được nghỉ chăm vợ sinh con, thì nữ giới sẽ có xu hướng quay trở lại thị trường lao động, nên tỷ lệ lao động nữ cao hơn và khoảng cách thu nhập giữa nam giới và nữ giới thu hẹp lại. Trong số các nước OECD, thời gian nam giới nghỉ chăm vợ thai sản nói chung vẫn còn ngắn, trung bình chỉ 8 tuần; 9 quốc gia, bao gồm Mỹ, không duy trì chính sách này.

Theo luật mới của Nhật Bản, trong năm 2010, các bà mẹ và ông bố có 14 tháng nghỉ kể từ lúc sinh con và được hưởng lương lên tới 1 năm.  Tuy nhiên, tỷ lệ hưởng lương nghỉ thai sản rất khác nhau ở các nước. Chẳng hạn, Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha cho nghỉ sinh 16 tuần, nhưng ở Tây Ban Nha, các bà mẹ nhận được 100% tiền lương, trong khi ở Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là 66%.

Không ngạc nhiên khi các nước như Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan dẫn đầu bảng xếp hạng "glass-ceiling". Ở những nước này, tỷ lệ phụ nữ có mặt trong lực lượng lao động  tương đương với nam giới. Phần Lan có tỷ lệ phụ nữ có trình độ giáo dục so với nam giới cao nhất (49% phụ nữ có trình độ đại học). Khoảng cách giới tính-lương của Na Uy là 6,3%, thấp hơn một nửa so với mức trung bình của OECD là 15,5%. Phụ nữ chiếm 44% ban lãnh đạo các công ty niêm yết tại Iceland.

Tại Thụy Điển,  44% số ghế trong quốc hội đang được phụ nữ đảm nhiệm -  một trong những tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Hungary đứng thứ 5  và có khoảng cách  lương -  giới tính thấp nhất là 3,8%. Mặc dù có ít phụ nữ lãnh đạo doanh nghiệp (11%) và trong quốc hội (10%), Hungary là quốc gia hào phóng trong chính sách trả lương cho bà mẹ nghỉ sinh (nghỉ 71 tuần và hưởng 100% lương) đi kèm các chi phí chăm sóc trẻ em.

Ở dưới cùng của bảng xếp hạng là Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc, nơi nam giới làm việc và giữ vị trí cấp cao tuyệt đối; khoảng cách tiền lương nam-nữ cũng khác biệt. Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, chính sách nghỉ sinh chủ yếu là nhằm phản ứng với tình trạng lão hóa dân số và thu hẹp lực lượng lao động, nhưng ở khía cạnh khác, hai quốc gia châu Á này tụt hậu khá xa các nước Bắc Âu về cam kết về bình đẳng giới. Tuy nhiên, ngay cả trong số các nước xếp hạng cao, vẫn còn nhiều điều cần cải thiện.

Tính trung bình, phụ nữ tại các nước OECD có trình độ so với nam giới nhưng vẫn có ít cơ hội hơn trong lực lượng lao động và có mức lương thấp hơn đáng kể. Điều này một phần là do lựa chọn nghề nghiệp (nam  có xu hướng chọn những ngành như kỹ thuật và tính toán, nữ thích làm việc trong lĩnh vực giáo dục, y tế và phúc lợi). Mặc dù tỷ lệ phụ nữ tại các công ty niêm yết đã tăng lên từ năm ngoái 2,5 điểm phần trăm, lên 18,5%, nhưng phụ nữ chỉ chiếm chưa đầy 1/3 các vị trí quản lý cấp cao.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên Hiệp Quốc, phụ nữ quản lý cấp cao chủ yếu trong các lĩnh vực nguồn nhân lực, quan hệ công chúng và quản lý thông tin liên lạc, tài chính và quản trị.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp Mỹ có ít phụ nữ hơn so với châu Âu, nhưng nữ tại quốc gia này có nhiều khả năng để trở thành CEO hơn. Trong những công ty lớn có CEO là phụ nữ, có tới 58% khả năng công ty có thêm ít nhất ba phụ nữ khác trong ban điều hành. Điều này cho thấy một khi có người phụ nữ dám phá vỡ "bức trần kính", thì sẽ có thêm nhiều cơ hội hơn cho nữ giới tiến lên trong quyền bình đẳng giới.

>Anh: Bất bình đẳng thu nhập giới kéo dài qua nhiều năm

>Bất bình đẳng giới về tiền lương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi phụ nữ dám phá vỡ "Bức trần kính" giành bình quyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO