Khi người Trung Quốc áp đặt "luật chơi"

THỤY KHA| 25/12/2009 00:29

Đầu tư ồ ạt, kìm giá đồng nhân dân tệ: hai biện pháp hỗ trợ kinh tế của Bắc Kinh đưa đến hệ quả tất yếu là sản xuất quá tải.

Khi người Trung Quốc áp đặt

Đầu tư ồ ạt, kìm giá đồng nhân dân tệ: hai biện pháp hỗ trợ kinh tế của Bắc Kinh đưa đến hệ quả tất yếu là sản xuất quá tải. Trong bối cảnh các nước phương Tây bị nợ chồng chất không còn khả năng tiêu thụ hàng Trung Quốc (TQ) thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Theo phân tích của Financial Times, chính sách kìm hối suất ở mức thấp của TQ thực chất là một biện pháp bảo hộ thị trường, vì nó vừa hỗ trợ xuất khẩu, vừa tạo ra rào cản chống hàng nhập khẩu. Thứ ba, mặc dù đã thu về một số ngoại tệ dự trữ khổng lồ 2.273 tỷ USD, TQ vẫn tiếp tục duy trì tỷ suất hối đoái ở mức thấp kỷ lục gần như không thay đổi suốt 11 năm qua.

Về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada Mark Carney nói: “Tình trạng mất quân bình một cách nghiêm trọng trong cán cân trao đổi thương mại giữa các vùng kinh tế lớn trên thế giới đã góp phần vào việc làm cho nhiều thị trường bán cổ phiếu bị chao đảo thêm. Trong những năm gần đây, hệ thống tài chính quốc tế không thể nào điều chỉnh được tình trạng mất quân bình này”. Hiện nay, thế giới đang chứng kiến sự thất bại trong nỗ lực tạo lại thế quân bình cần thiết cho việc cạnh tranh. Trong lịch sử, thất bại này đã đưa đến cuộc đại khủng hoảng năm 1920.

Thực tế, tín dụng nới lỏng tại TQ đã giúp tăng cường nhu cầu các hàng hóa như thép, hóa chất, thủy tinh. Nhưng nó cũng dẫn tới sự bùng nổ các nhà máy sản xuất những loại hàng hóa đó. Với năng lực sản xuất của thế giới, dư thừa hàng hóa ở mức giá thấp của TQ chắc chắn dẫn tới tình trạng bán phá giá.

Chính cơ quan hoạch định nhà nước TQ đang cảnh báo về việc năng suất dư thừa trong 6 ngành công nghiệp của họ. Các nhà sản xuất xi măng đã tăng thêm 600 triệu tấn so với mức năng suất 1,9 tỷ tấn mỗi năm trước đó. Các lò nhôm đang chạy ở mức 2/3 năng lực so với gần 4/5 năm ngoái. Trong 2 năm, số công ty TQ chế tạo các thiết bị phong điện đã tăng gấp 4 lần, lên tới hơn 80 nhà máy.

Và hậu quả là Bộ Thương mại Mỹ mới đưa ra quyết định sơ bộ rằng Bắc Kinh đang bán phá giá các loại ống được sử dụng trong ngành dầu khí. Một luật sư đại diện cho các nhà sản xuất thép Mỹ tại Washington trong khiếu nại "TQ đang gia tăng năng suất, ngay cả khi không nơi nào trên thế giới cần tới sản phẩm đó". Các sản phẩm thép ống xuất khẩu của TQ sang Mỹ đã tăng gấp ba lần trong ba năm qua, lên 2,1 triệu tấn mỗi năm, mặc dù tốc độ tăng có giảm xuống kể từ khi có kết luận này. Các nhà sản xuất giấy tráng bóng của Mỹ cũng đã đệ đơn khiếu nại tương tự.

Bắc Kinh cũng quan ngại về những khó khăn này. Nếu các công ty cứ tăng năng suất mà không thể bán được sản phẩm dư thừa thì họ sẽ gặp phải nguy cơ vỡ nợ với các khoản vay. Và các kế hoạch cắt giảm chi tiêu chính phủ, xây dựng nền kinh tế dựa nhiều hơn vào tiêu dùng và cải tiến, có thể gặp khó khăn nếu các công ty còn tiếp tục đầu tư quá mức vào sản xuất hàng hóa. Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại TQ nói: “Trung Quốc giờ đây đang như cái nồi áp suất vậy".

Câu hỏi đặt ra là nếu TQ tiếp tục chính sách trợ giá xuất khẩu trá hình để nâng thặng dư mậu dịch lên 10% GDP, tức tương đương với 800 tỷ USD trong thập niên tới thì hậu quả sẽ ra sao khi các gia đình người Mỹ, người Âu đang nợ chồng chất chắc chắn sẽ không vay tiền mua sắm hàng TQ? Ai sẽ có khả năng tiêu thụ hàng xuất khẩu của Bắc Kinh, nếu TQ tiếp tục sản xuất ồ ạt để duy trì tỷ lệ thặng dư mậu dịch trong khi các nước bạn hàng phải giảm chi tiêu?

Câu trả lời là “suy thoái kinh tế” và để chống suy thoái, chính phủ các nước kích thích nhu cầu nội địa bằng ngân sách quốc gia. Hệ quả sẽ là khủng hoảng ngân sách. Cả hai kịch bản này đều xấu vì nếu không điều chỉnh hối suất thích hợp, các nước buộc phải chạy đua bảo hộ mậu dịch để bảo vệ thị trường trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi người Trung Quốc áp đặt "luật chơi"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO