IS bị nghi ngờ sử dụng vũ khí hóa học ở Iraq

LÊ NGUYỄN tổng hợp/DNSGCT| 24/08/2015 06:38

Tuy chưa xác định được các nạn nhân đã hít phải khí độc gì, nhưng theo các giới chức Mỹ thì đó có thể là khí mù tạc.

IS bị nghi ngờ sử dụng vũ khí hóa học ở Iraq

Theo thông tin mới nhất do các sĩ quan người Đức đang chịu trách nhiệm huấn luyện binh sĩ người Kurd tại Iraq, có thể quân đội thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS đã sử dụng vũ khí hóa học trong một trận tấn công gần thành phố Irbil ở phía bắc Iraq.

Đọc E-paper

Sau trận đánh này, các sĩ quan Đức ghi nhận có đến 60 binh sĩ người Kurd bị khó thở và có những vấn đề về hô hấp. Họ chưa xác định được nạn nhân đã hít phải khí độc gì, nhưng theo các giới chức Mỹ thì đó có thể là khí mù tạc.

Trong một cuộc tiếp xúc với phóng viên tờ Nhật báo phố Wall, các giới chức Mỹ nhắc lại rằng trước đây, IS từng sử dụng khí chlorine chống lại người Kurd và nay họ có thể sở hữu vũ khí mù tạc từ nước láng giềng Syria.

Trước đây, cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein từng dùng chất khí này chống lại Iran và người Kurd, nay chính quyền Syria tuyên bố đã phá hủy kho vũ khí hóa học, nhưng điều này vẫn không làm cho cộng đồng quốc tế yên tâm.

Đầu năm nay, chính quyền tự trị của người Kurd ở miền Bắc Iraq cho biết họ có chứng cứ là IS đã sử dụng khí chlorine trong một vụ tấn công bằng xe có mang bom.

Điều có thể dự đoán được là thông tin mới về khả năng IS sử dụng vũ khí hóa học sẽ khiến chính quyền Mỹ mở cuộc điều tra và leo thang trong cuộc chiến chống tổ chức này.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) là Alistair Baskey tuyên bố rằng Mỹ xem vấn đề là “rất nghiêm trọng” và đang tìm thêm thông tin về những gì vừa xảy ra. Ông cũng xác định việc sử dụng vũ khí sinh học hay hóa học là hoàn toàn không phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Hiện nay, dù Mỹ và các đồng minh, trong đó có Anh, đang gia tăng các cuộc không kích chống IS, nhưng các lực lượng của người Kurd và quân đội Iraq vẫn chịu trách nhiệm toàn bộ chiến trường trên mặt đất.

Tại Liên Hiệp Quốc, đại sứ Mỹ là bà Samantha Power cho biết Washington đang tiếp xúc với các giới chức người Kurd để thu thập thêm thông tin và nếu tin IS sử dụng vũ khí hóa học là sự thật thì Mỹ và đồng minh sẽ phải có đối sách thích hợp.

Điều đáng nói là cho đến nay, chưa ai xác định được vũ khí hóa học sử dụng tại Irbil là loại nào và chúng từ đâu ra.

Còn nhớ là sau cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô thủ đô Damascus của Syria vào năm 2014, làm thiệt mạng hàng trăm thường dân vô tội, Mỹ và Nga đã gia tăng các nỗ lực ngoại giao buộc chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad phá hủy hay dẹp bỏ kho vũ khí hóa học của họ.

Dù vậy, không thể xác định được là hiện nay có còn vũ khí hóa học ở Syria hay không và khả năng IS sử dụng loại vũ khí bất hợp pháp này đang được xem là một nguy cơ nghiêm trọng cho các lực lượng đang chống lại sự bành trướng của chúng.

>Vũ khí hạt nhân hay lá bùa hộ mệnh

>Trung Đông gia tăng xung đột, Nga - Mỹ tích cực bán vũ khí

>Ả rập Xê út nhập vũ khí nhiều nhất thế giới

>DN Anh cho thuê vũ khí chống cướp biển

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
IS bị nghi ngờ sử dụng vũ khí hóa học ở Iraq
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO