Hi Lạp: người nghèo bị hi sinh

07/10/2011 06:53

Ngày 5/10, cuộc tổng đình công kéo dài 24 giờ tại các cơ quan nhà nước của Hi Lạp đã bắt đầu nhằm phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ nước này. Vì sao? Vì sự hi sinh không được chia sẻ một cách công bằng cho mọi tầng lớp xã hội.

Hi Lạp: người nghèo bị hi sinh

Ngày 5/10, cuộc tổng đình công kéo dài 24 giờ tại các cơ quan nhà nước của Hi Lạp đã bắt đầu nhằm phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ nước này. Vì sao? Vì sự hi sinh không được chia sẻ một cách công bằng cho mọi tầng lớp xã hội.

Sân bay quốc tế Athens đóng cửa trong 24 giờ đình công ngày 5/10/2011 - Ảnh: AFP

Theo AFP, các trường học, công sở, khu du lịch, bến tàu, sân bay trên cả nước đều đóng cửa. Nhiều nhân viên bệnh viện cũng nghỉ làm. Với sự ủng hộ của tổ chức nghiệp đoàn chính GSEE, người biểu tình phản đối việc chính quyền lên kế hoạch đưa 30.000 lao động vào “lực lượng dự trữ” - một hình thức sa thải tạm thời - và tiếp tục cắt giảm lương.

Phân tích tình hình của Hi Lạp, trên trang tin tức Presseurop.eu, nhà kinh tế học Hà Lan Rens van Tilbur nhận định: khoản cấp cứu tài chính mà khối đồng euro đang đưa ra như một giải pháp “chung cuộc” cho cuộc khủng hoảng nợ của Hi Lạp sẽ không đem lại một giải pháp bền vững cho nước này.

Ông cho rằng trước hết cần phá bỏ sự thống trị của tầng lớp trên có quyền và có tiền, bởi những đặc quyền đặc lợi của họ đang ngăn cản các hi sinh do chính sách thắt lưng buộc bụng được chia sẻ không công bằng cho mọi tầng lớp trong xã hội.

“Không bắt mạch đúng căn bệnh thật của Hi Lạp thì càng ít có khả năng chữa trị được”, ông Rens van Tilbur nói. Hi Lạp vỡ nợ sẽ là một kịch bản xấu nhất cho kinh tế thế giới, nhưng “các vấn đề thật sự ở Hi Lạp chưa được đề cập tới, không được xử lý rốt ráo. Vướng mắc thật sự trong xã hội Hi Lạp nằm ở chỗ vị trí xã hội của mỗi cá nhân được quyết định không nhờ tài năng hay nỗ lực, mà nhờ xuất thân và mối quan hệ họ có được” - ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Hà Lan là ví dụ về xã hội chủ yếu trọng dụng nhân tài, trong khi tình trạng con ông cháu cha và bè phái là hiện thực ở Hi Lạp, nơi mà quyền lực và tài sản tập trung trong tay tầng lớp bên trên. Do đó, dù đất nước đang xuống dốc nhưng họ vẫn tiếp tục “đắp đê” giữ vững vị trí của mình. Ông Rens van Tilbur cho rằng nếu không có gì thay đổi để giải quyết nạn con ông cháu cha hay bè phái thì khó có việc Hi Lạp sẽ giải quyết được hết nợ.

“Các chính trị gia đang nhắm mắt trước các vấn đề lớn do hệ thống chính trị gây ra - chuyên gia Rens van Tilbur viết - Cho phép Hi Lạp rời khỏi khu vực euro để được xóa nợ có thể cho phép khối euro thoát được gánh nặng tài chính trong tương lai, nhưng có nghĩa là tầng lớp trung lưu Hi Lạp sẽ phải tự đối mặt với các vấn đề của đất nước”. Thế nhưng, người dân Hi Lạp lại đang là nạn nhân chính của sự hỗn loạn trong cách điều hành tại quốc gia này.

“Tầng lớp trung lưu của Hi Lạp sẵn sàng trả thuế thu nhập như bất kỳ người châu Âu nào khác. Nhưng họ không muốn đưa tiền cho chính phủ vì họ nghĩ số tiền đó sẽ chỉ chạy vào túi của những kẻ nắm quyền và bạn bè, gia đình họ. Lớp trẻ nước này đang chọn con đường ra đi khỏi đất nước. Nhưng, hiện nay căng thẳng đang tăng lên. Có đem euro đổ thêm vào cho Hi Lạp thì cũng chỉ là làm chậm lại cuộc đấu tranh xã hội, thứ mà đất nước này đang rất cần”.

Nhà kinh tế Rens van Tilbur nhận định tầng lớp trên ở Hi Lạp đang đứng bên lề những khó khăn mà đất nước đang gánh chịu, và đổ hết gánh nặng của chính sách thắt lưng buộc bụng lên vai những người khác.

Họ có thể làm được điều đó vì Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) không muốn can thiệp quá nhiều vào các quyết định của Chính phủ Hi Lạp. Theo ông Rens van Tilbur, các biện pháp cắt giảm chi tiêu của chính quyền Hi Lạp không giải quyết được vấn đề gốc rễ.

“Không phá vỡ quyền lực của những tầng lớp đặc quyền đặc lợi thì không có giải pháp khả thi bền vững và lâu dài”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hi Lạp: người nghèo bị hi sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO