Giảm phát không "sản xuất" ở Trung Quốc

THỤY KHA| 16/09/2015 00:14

Dù là công xưởng sản xuất của thế giới nhưng giảm phát tại Trung Quốc (TQ) có tác động tương đối nhỏ ở thị trường nước ngoài.

Giảm phát không

Dù là công xưởng sản xuất của thế giới nhưng giảm phát tại Trung Quốc (TQ) có tác động tương đối nhỏ ở thị trường nước ngoài.

Đọc E-paper

Là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, TQ trở thành công xưởng của thế giới, thống trị toàn cầu gần như tất cả các mặt hàng, từ điện thoại thông minh, tủ lạnh, quần áo đến ghế sofa... Tuy nhiên, gần đây, sự chú ý đã chuyển sang vấn đề khác của xuất khẩu TQ: đó là giảm phát. Chỉ số giá sản xuất (PPI) của nước này đã giảm 41 tháng liên tiếp. Tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, nhiều ngành công nghiệp của TQ đang bị dư thừa, nhu cầu về nhiều mặt hàng đang giảm. Tất cả dấu hiệu này chắc chắn đặt ra áp lực giảm giá ở nhiều thị trường trên thế giới.

Theo The Economist, đây không phải lần đầu tiên TQ "xuất khẩu" giảm phát. Trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, sức mạnh sản xuất khổng lồ của TQ khiến nhiều mặt hàng trên thế giới giảm giá là một điều tốt. Nói không quá khi chính TQ đã làm cho nhiều mặt hàng xa xỉ trước đây như TV, ô tô và tủ lạnh phổ biến hơn trên khắp thế giới. Nhưng bây giờ, đà giảm giá có thể làm tổn thương kinh tế thế giới. Người tiêu dùng có ít động lực để chi tiêu, các công ty có ít lý do để đầu tư và các khoản nợ nặng nề hơn.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy TQ có tác động nhỏ tới giảm phát trên quy mô rộng. Một bài báo được xuất bản vào năm 2006 của chuyên gia Tarhan Feyzioglu Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Luke Willard (Đại học Princeton) nghi ngờ về việc TQ có khả năng dẫn tới giảm phát toàn cầu khi lần đầu tiên nổi lên như là một nước xuất khẩu lớn.

Họ đã chỉ ra rằng, mặc dù các nhà sản xuất TQ đã gây áp lực khiến giá thiết bị gia dụng tại Mỹ và Nhật Bản giảm, nhưng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của TQ tăng lại góp phần làm giá lương thực thế giới cao hơn. Các xu hướng triệt tiêu lẫn nhau nên TQ chỉ tạo ra một tác động nhỏ về lạm phát ở thị trường nước ngoài.

Một báo cáo được xuất bản vào năm 2013 của Sandra Eickmeier và Markus Khnlenz của Ngân hàng Trung ương Đức đặt một kết luận tương tự. Họ phát hiện ra "cú sốc nguồn cung" từ hàng hóa giá rẻ của TQ trung bình tạo ra 1% thay đổi về giá tiêu dùng tại các thị trường bên ngoài TQ trong thời gian từ năm 2002 đến 2011. Nhu cầu "sốc" từ sự tăng trưởng nhanh chóng của TQ chiếm 3,6% thay đổi của giá tiêu dùng toàn cầu, chủ yếu nhờ "cơn khát" của TQ đối với hàng hóa. Khoảng 95% các biến động của lạm phát toàn cầu là do các yếu tố "phi TQ".

Đối với nhiều sản phẩm mà TQ có ưu thế sản xuất và xuất khẩu cũng chỉ tạo ra một phần tương đối nhỏ của chỉ số giá tiêu dùng. Ví dụ, ở Mỹ, máy tính và điện thoại thông minh chiếm ít hơn 1% của chỉ số giá, trong khi thực phẩm là khoảng 15%. Khi lao động giá rẻ TQ không dẫn đến tình trạng giảm phát nghiêm trọng trong những năm 2000, năng lực sản xuất dư thừa của nước này không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lạm phát thấp như hiện nay.

Sự thiếu hụt nhu cầu phát sinh từ sự tăng trưởng chậm của TQ đóng vai trò lớn hơn trong xu hướng này. Điều này đặc biệt đúng với tác động của nó đối với hàng hóa. Tuy nhiên, ngay cả điều này cũng không nên phóng đại. Theo Bundesbank, TQ ảnh hưởng khoảng 11% của lạm phát hàng hóa giá 2002-11.

Đây là một tác động lớn nếu xét trên bình diện một quốc gia duy nhất, nhưng nó vẫn có nghĩa là các yếu tố khác như hạn chế nguồn cung và nhu cầu từ các nước khác, chiếm phần lớn trong sự thay đổi giá cả. Điều này đánh giá đúng thực tế về vai trò của TQ trong thị trường hàng hóa thế giới. Nước này tiêu thụ 60% sản lượng kim loại của thế giới, nhưng chỉ chiếm 1/10 nhập khẩu nhiên liệu toàn cầu và 1/20 thực phẩm nhập khẩu. TQ là một nền kinh tế "nhận giá” hơn là "tạo giá”.

Bình thường ngân hàng trung ương có thể điều chỉnh ảnh hưởng giảm phát từ nước ngoài bằng cách cắt giảm lãi suất. Nhưng hiện lãi suất của các nước phương Tây bị "mắc kẹt" gần bằng không. Điều đó giải thích vì sao các biểu hiện bất thường của nền kinh tế TQ hiện nay khiến các ngân hàng trung ương trên thế giới lo lắng.

Nhưng một lần nữa, tác động quốc tế của TQ được phóng đại. Nhân dân tệ mất giá có thể gây giảm phát cho phần còn lại của thế giới, làm giảm nhu cầu nhập khẩu của "con rồng đói" TQ và buộc những đối thủ cạnh tranh với hàng xuất khẩu của TQ phải cắt giảm chi phí. Điều này giải thích sự lo lắng của nhiều nước khi Ngân hàng Trung ương TQ đột ngột thay đổi chính sách tiền tệ, phá giá đồng nhân dân tệ. Nhưng đồng tiền của TQ chỉ mất giá 3% so với đồng USD trong những tuần gần đây. Vào cuối tháng 7, đồng tiền này vẫn cao hơn 13% so với một năm trước đó.

Như vậy, một sự suy giảm mạnh hơn trong nền kinh tế của TQ sẽ gây áp lực nặng nề trên thị trường chứng khoán và đồng nhân dân tệ, làm tăng thêm áp lực giảm giá. Nhưng lạm phát thấp trên thị trường quốc tế không mang nhãn hiệu "made in China". 

>Kinh tế toàn cầu có thể rơi vào “tình trạng lạm phát đình đốn”

>Châu Á đối mặt với lạm phát

>Điều gì xảy ra khi kinh tế Trung Quốc suy giảm?

>Euro, yen trượt giá vì kinh tế Trung Quốc suy giảm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giảm phát không "sản xuất" ở Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO