Foxconn: Người khổng lồ muốn đứng hai chân

THỤY KHA| 21/12/2012 09:00

Hãng gia công cho hơn 40% hàng hóa điện tử trên thế giới lại đang muốn bước ra khỏi cái bóng của một dây chuyền lắp ráp giá rẻ.

Foxconn:  Người khổng lồ muốn đứng hai chân

Hãng gia công cho hơn 40% hàng hóa điện tử trên thế giới  lại đang muốn bước ra khỏi cái bóng của một dây chuyền lắp ráp giá rẻ.

Đọc E-paper

Nhà sáng lập Terry Gou của Foxconn (Hồng Hải) gia nhập vào ngành công nghiệp điện tử vào năm 1974 bằng con đường sản xuất các bộ phận bằng nhựa cho máy thu hình đen trắng. Sau đó, công ty này nhảy vào những mảng phức tạp hơn như linh kiện máy tính.

Đến nay, Foxconn đã lọt vào danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới về doanh thu khi đủ khả năng lắp ráp khoảng 40% lượng hàng hóa điện tử tiêu dùng trên thế giới cho các khách hàng nổi tiếng như Apple, Amazon, Dell, Hewlett-Packard, Motorola, Nintendo, Nokia, Samsung và Sony.

Để hình dung quy mô cơ sở lớn nhất của Foxconn là Long Hoa ở Thâm Quyến, miền nam Trung Quốc, thì nên có chuyến thăm "nhà bếp" của cơ sở này. Đây là một trung tâm với diện tích trên 12.500m2, bốn lầu, chế biến hơn ba tấn thịt mỗi ngày, phục vụ cho hơn 240.000 lao động. Tính tổng cộng, Foxconn tại Trung Quốc sử dụng 1,4 triệu lao động tại 28 cơ sở.

Những ấn tượng hơn cả là tốc độ tăng trưởng và tham vọng của tập đoàn công nghệ Đài Loan này. Trong thập kỷ qua, Foxconn là mắt xích lớn nhất trong chuỗi cung ứng điện tử thế giới. Dự báo doanh thu sẽ vượt quá 134 tỷ USD trong năm nay.

Foxconn đang đầu tư mạnh để mở rộng thị trường nội địa đại lục. Vào cuối năm nay, các cơ sở mới tại Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, sẽ tuyển dụng số lao động nhiều hơn cơ sở Long Hoa.

Foxconn cũng đang mở rộng ở Brazil và Mexico. Foxconn cũng đã đầu tư 10 tỷ USD vào Indonesia để tranh thủ nguồn nhân lực rẻ nhất khu vực châu Á của nước này và một thị trường phi thuế quan với 600 triệu người tiêu dùng. Có tin đồn Foxconn thậm chí có thể mở một nhà máy ở Mỹ.

Ngân hàng Barclays dự báo doanh thu của Foxconn sẽ tăng 15-20% một năm trong ba năm tới. Với tiềm lực của mình, lãnh đạo của Foxconn đặt ra mục tiêu trở thành một trong 20 công ty lớn nhất thế giới.

Nhưng có hai trở ngại chính để duy trì tốc độ tăng trưởng và tham vọng như vậy: giữ chân lao động và cải thiện tình trạng suy giảm lợi nhuận.

Thành phố Hồng Hải của Foxconn từng là minh chứng rõ ràng nhất cho việc Trung Quốc có thể mang lại nhiều nhân lực cho ngành sản xuất với chất lượng tốt hơn Mỹ. Nhưng hai năm trước, một loạt vụ tự tử tại nhà máy của Foxconn đã làm rung chuyển tập đoàn này.

Kể từ đó, nhiều cuộc đình công đã nổ ra chống lại "trại nô lệ Foxconn" và cái tên Foxconn trở nên"gớm ghiếc" nhất trong các nhà tuyển dụng lớn.

Một nhà điều hành của Apple đến thăm nhà máy của Hồng Hải đúng giờ chuyển ca, xe ô tô của ông đã mắc kẹt trong dòng người lao động dài bất tận. Ông thốt lên: "Quy mô thật không thể tưởng tượng nổi!".

Thế nhưng, điều tưởng tượng này không thể kéo dài mãi. Foxconn không còn có thể dựa vào nguồn lao động từ làn sóng nhập cư từ các vùng nông thôn nghèo. Trong khi đó, dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng, lực lượng lao động trẻ thu hẹp lại và tiền lương ngày càng tăng cao.

Trước viễn cảnh khủng hoảng lao động, Foxconn đang tiến đến một kế hoạch chưa từng có là Chủ tịch Terry Gou của Foxconn ký kết thỏa thuận với chính quyền sở tại ở Đài Trung về việc "xây dựng vương quốc robot thông minh" trong vài năm tới với 1 triệu robot, có thể tạo ra 4 tỷ USD giá trị sản xuất với năng lực sản xuất tương đương khoảng 2.000 công nhân.

Nhưng điều đáng quan tâm hơn là người khổng lồ này đang đứng một chân. Lợi nhuận thuần của Foxconn đã giảm từ trên 6% một thập kỷ trước còn khoảng 2%. Foxconn đang bị mắc kẹt ở giữa chuỗi cung ứng điện tử giá trị thấp.

Ở Trung Quốc, chi phí lắp ráp một chiếc iPod chỉ vài USD để sau đó được bán với giá 299 USD. Tình thế này, buộc Foxconn phải chuyển hướng từ một nhà gia công sang một nhà sản xuất lớn. Bước đi đầu tiên của Foxconn là mua lại 10% cổ phần của Sharp trị giá gần 800 triệu USD.

Kế hoạch này nhằm đưa Foxconn đủ năng lực thiết kế những sản phẩm điện tử cao cấp, hợp tác đối với một số công ty Nhật khác để tăng cường năng lực cạnh tranh với hai đối thủ Hàn là Samsung và LG. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy Foxconn đã sẵn sàng di chuyển ra khỏi một chiến lược giá rẻ, thay chất lượng bằng số lượng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Foxconn: Người khổng lồ muốn đứng hai chân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO