EU trước "trận chung kết" của bà Merkel

THÁI BẢO| 29/11/2016 02:15

Chưa bao giờ sau 11 năm cầm quyền, bà Angela Merkel lại đối diện với thách thức lớn như cuộc bầu cử Thủ tướng Đức sắp tới.

EU trước

Chưa bao giờ sau 11 năm cầm quyền, bà Angela Merkel lại đối diện với thách thức lớn như cuộc bầu cử Thủ tướng Đức sắp tới.

Đọc E-paper

Trong cuộc họp của Đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) ngày 20/11 tuần trước, Thủ tướng Đức Merkel chính thức tuyên bố tranh cử nhiệm kỳ thứ tư. Khác với những năm qua, tuyên bố của bà Merkel trở thành đề tài đặc biệt thu hút dư luận thế giới, vì nước Đức và thế giới nói chung đã có những biến động rất lớn.

Thách thức từ trong nước

Đài CNBC cho biết, quyết định tranh cử của bà Merkel được đưa ra trùng hợp với một khảo sát mới đây cho thấy có 55% các đại cử tri Đức ủng hộ quyết định ấy, vì sự ổn định trong lãnh đạo vẫn được tin là cơ sở cho những đổi mới. Tuy nhiên, con số không quá chênh lệch này phần nào phản ánh uy tín của bà Merkel đã bị ảnh hưởng đáng kể.

Mọi thứ đã diễn ra quá nhanh chỉ sau một năm. Từ chỗ là biểu tượng của những người phụ nữ giỏi giang trên toàn thế giới, là gương mặt của Tạp chí TIME năm 2015, bà Merkel giờ đây đã cảm thấy sự thờ ơ từ cử tri trong nước - những người sẽ bỏ phiếu cho cuộc tổng tuyển cử tại Đức năm 2017 tới.

Cuối tháng 8 qua, báo Bild am Sonntag thực hiện cuộc khảo sát cho thấy 50% người được hỏi đã phản đối việc bà Merkel tranh cử nhiệm kỳ thứ tư, trong khi chỉ 42% muốn bà tiếp tục làm thủ tướng. Hồi tháng 3, đảng CDU của bà  thua đậm ở cuộc bầu cử nghị viện ở ba bang của Đức. Tệ hơn, vào tháng 9, CDU lại thua ngay trên "bang nhà” Mecklenburg - Vorpommern của bà Merkel.

Nổi bật trong số những đảng đối lập là Đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD). Đây là một đảng dân túy cánh hữu, ngày càng lớn mạnh và có sức ảnh hưởng tại Đức. Nguyên nhân của sự sụt giảm uy tín nơi bà Merkel cũng là lý do AfD lớn mạnh: nhiều người Đức không còn kiên nhẫn với gánh nặng người tị nạn mà nước này đang chịu đựng.

Bà Merkel từng được xem là người hùng của nước Đức, nhưng trong vòng xoáy cuộc khủng hoảng tị nạn toàn châu Âu, chính trị gia 62 tuổi này là người bị đổ lỗi nặng nề nhất. CNBC dẫn lời ông Werner Patzelt - nhà khoa học chính trị tại Đại học Kỹ thuật Dresden nhận xét: "AfD là một biểu hiện của chính trị dân túy cánh hữu tại Đức và có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu tại châu Âu. Một trong những thất bại của bà Merkel là đã đánh giá thấp AfD và hiện tại phải đối mặt với hậu quả của nó”.

Thế khó từ cục diện thế giới

Sau 11 năm nắm quyền, bà Angela Merkel được tôn vinh như lãnh đạo hàng đầu của nước Đức và là "công thần" trong việc lèo lái con thuyền Liên minh Châu Âu (EU) vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2007 - 2008. Tuy nhiên trong tình thế EU đang yếu đi cùng đồng euro, bà Merkel đang phải đối mặt với những thách thức rất khác biệt. Đài CBC (Canada) tuần trước ví von rằng bà Merkel đang có đợt tranh cử rất cam go trong "một thế giới của Trump và Farage".

Ông Donald Trump là người đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 8/11, và được cho là đại diện cho sự thắng thế của phong trào dân túy, ưu tiên lợi ích quốc gia và những sự kích động nhằm vào người nhập cư, bọn khủng bố. Riêng bà Merkel, những thành quả hội nhập như Hiệp định Thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) mà bà và Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama dày công đóng góp có nguy cơ tan vỡ. Trong khi đó, ông Nigel Farage là người dẫn đầu phong trào kéo Vương quốc Anh rời EU (Brexit), lấy vấn đề phân bổ nhập cư của EU làm một trong những lý do thuyết phục nhất.

Nói cách khác, tư tưởng dùng sức mạnh cộng hưởng EU - Mỹ làm trọng của bà Merkel đang chứng kiến những thất bại trên nhiều mặt trận. Chính Thủ tướng Đức vừa là biểu tượng chiến thắng vào lúc này, vừa là nhân tố quan trọng cho sự gắn kết hay chia rẽ của EU.

Tại nước Pháp, lãnh đạo Đảng Mặt trận Quốc gia (NF), bà Marine Le Pen được cho là "cơn địa chấn" tiếp theo ở châu Âu. Nữ chính trị gia tranh cử Tổng thống Pháp này đang là mối đe dọa về một "Frexit" (Pháp rời EU), khẳng định với CNBC rằng tư tưởng của bà Merkel đã lỗi thời và chỉ khiến EU trì trệ theo "quán tính" mà thôi.

Cục diện châu Âu vào thời điểm này sẽ ảnh hưởng nhiều đến bà Merkel theo chiều ngược lại. Nếu các nước EU (cũng diễn ra một số cuộc tổng tuyển cử) lựa chọn lãnh đạo theo khuynh hướng dân túy, không chắc người Đức sẽ tin tưởng bà Merkel.

Theo Josef Janning, nhà nghiên cứu chính sách cấp cao tại văn phòng Berlin của Hội đồng Châu Âu về đối ngoại, bà Merkel sẽ phải nỗ lực để chứng tỏ sức ảnh hưởng và kéo EU lần nữa "thoát hiểm" trong giai đoạn chủ nghĩa hoài nghi bao trùm. Nếu một nước Đức không sẵn lòng và không có khả năng lãnh đạo EU, và EU không muốn chịu sự lãnh đạo của một nước duy nhất, đó sẽ là một vấn đề rất lớn cho khối này.

>Thủ tướng Đức là “Nhân vật của năm” 2015

>Angela Merkel và Theresa May: Sức mạnh của "bóng hồng"

> Thủ tướng Đức Merkel: Nỗi buồn của "vị cứu tinh"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
EU trước "trận chung kết" của bà Merkel
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO