Đột phá trong tư duy kinh tế ở châu Á

24/07/2009 09:43

Ở châu Á giờ đang có những đột phá tư duy, với việc tin rằng mình có lúc cũng giỏi hơn phương Tây về cách vận hành kinh tế

Đột phá trong tư duy kinh tế ở châu Á

Kishore Mahbubani, Hiệu trưởng trường Chính sách công Lý Quang Diệu của Singapore và William Weld, cựu Thống đốc bang Massachusetts của Mỹ, vừa có những nhìn nhận chung về một sự thay đổi trong tư duy kinh tế ở châu Á, những nước trước nay vẫn được coi là chỉ làm theo phương Tây vốn giỏi về kinh tế thị trường. Xin giới thiệu những nhìn nhận của hai tác giả này.

Châu Á giờ đang có những đột phá tư duy, với việc tin rằng cách vận hành kinh tế của phương Tây không phải luôn luôn đúng và luôn là hình mẫu cho châu Á.

Châu Á giờ đang có những đột phá tư duy, với việc tin rằng cách vận hành kinh tế của phương Tây không phải luôn luôn đúng và luôn là hình mẫu cho châu Á. Ảnh SG.

Trước khi khủng hoảng kinh tế - tài chính nổ ra, hầu hết các nhà hoạch định chính sách và giới học giả ở châu Á tin rằng khi nói tới kinh tế cả về lý thuyết cũng như ứng dụng thì dù sao phương Tây vẫn giỏi hơn cả.

Quan điểm này thực tế là chính xác, ít nhất là vài thế kỷ trở lại đây. Châu Á thực sự vận hành tốt nền kinh tế của mình cũng chỉ từ sau khi vận dụng các học thuyết kinh tế của phương Tây, chẳng hạn học thuyết của Adam Smith.

Tuy nhiên, khi khủng hoảng dẫn tới suy thoái trên phạm vi toàn cầu khiến các nền kinh tế phương Tây lao dốc dữ dội thì các nước châu Á bắt đầu tự hỏi về niềm tin của mình, về quan điểm rằng phương Tây vẫn giỏi hơn họ cả về lý thuyết cũng như ứng dụng kinh tế.

Tất nhiên, châu Á vẫn áp dụng các lý thuyết kinh tế phương Tây. Cái họ mất niềm tin, hay nhẹ hơn là nghi ngờ, là về cách áp dụng, cách thực hành của các nước phương Tây, khi mà khủng hoảng bắt nguồn từ đó. Họ tin rằng những sai lầm trong thực hành kinh tế đã khiến phương Tây làm nổ ra khủng hoảng và làm lan tràn khắp nơi.

Ngày nay, nhiều người châu Á vẫn tán đồng với quan điểm về kinh tế thị trường theo kiểu của phương Tây vẫn quan niệm: thị trường thông minh nhất và luôn trả lời chính xác nhất cho mọi vấn đề. Tuy nhiên, về thực hành, quan điểm của người châu Á vẫn là: phát triển kinh tế phải dựa trên các lý thuyết tiên tiến của thị trường nhưng cũng phải kết hợp với truyền thống của người châu Á là làm việc cần cù, tiết kiệm vững bền và phát triển mảng tư nhân nhưng phải có định hướng và can thiệp của nhà nước nếu thị trường gặp trục trặc.

Châu Á rất đa dạng. Ấn Độ rất khác Trung Quốc hay Singapore hoặc Việt Nam. Thế nhưng điểm chung giữa họ là đều tin tưởng vào vai trò quan trọng của nhà nước đối với nền kinh tế của mình.

Tất cả đều đồng tình với quan điểm của nhà kinh tế học Amartya Sen từng đoạt giải Nobel kinh tế, rằng bàn tay vô hình của thị trường cần có sự phối hợp với bàn tay hữu hình của chính phủ.

Một quan điểm đối lập khác nữa là trong khi phương Tây đang có vẻ bảo thủ hơn, dựng nhiều rào cản hơn do lo ngại tự do hoá thương mại - điều họ cổ suý bấy lâu nay – thì châu Á giờ lại thích tự do hoá thương mại. Điều này cũng khiến người châu Á giảm bớt niềm tin về cách thực hành kinh tế ở phương Tây.

Nói cách khác, ở châu Á giờ đang có những đột phá tư duy, với việc tin rằng mình có lúc cũng giỏi hơn phương Tây về cách vận hành kinh tế, hay chí ít là cách vận hành kinh tế của phương Tây không phải luôn luôn đúng và luôn là hình mẫu cho châu Á.

Sự đột phá về tư duy đó, dự báo sẽ dẫn tới những đột phá về hành động. Sẽ có những thay đổi cơ bản.

Lịch sử đã cho thấy, vẫn có chỗ cho những cuộc đổi ngôi thú vị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đột phá trong tư duy kinh tế ở châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO