Động lực phục hồi kinh tế

THANH TÂM| 29/10/2009 08:35

Hằng năm, những tên tuổi lớn nhất của giới internet tề tựu tại Hội nghị Thượng đỉnh Web 2.0 tại San Francisco, Mỹ. Hội nghị năm nay là đại tiệc mừng ngành CNTT bước ra khỏi vực sâu của cuộc khủng hoảng.

Động lực phục hồi kinh tế

Hằng năm, những tên tuổi lớn nhất của giới internet tề tựu tại Hội nghị Thượng đỉnh Web 2.0 tại San Francisco, Mỹ. Hội nghị năm nay là đại tiệc mừng ngành công nghệ thông tin (CNTT) bước ra khỏi vực sâu của cuộc khủng hoảng.

Người tiêu dùng Mỹ tìm mua Windows 7

IBM, Intel liên tục công bố lợi nhuận khổng lồ. Yahoo! cũng đỡ sụt giảm hơn dự tính. Trong khi đó, Google công bố lợi nhuận đạt đến con số kỷ lục 1,64 tỷ USD - cao nhất trong 11 năm lịch sử của hãng này. Apple cũng làm hài lòng những nhà đầu tư bằng báo cáo thu nhập quý III/2009 đạt 9,9 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn Microsoft làm thế giới hồ hởi đón nhận sự ra mắt của hệ điều hành Windows 7...

Sự lạc quan của giới CNTT còn được thể hiện qua việc các hãng đua nhau công bố các kế hoạch đầu tư khổng lồ nhất từ trước đến nay. Apple hiện đang xây dựng trung tâm dữ liệu trị giá 1 tỷ USD tại Bắc Corolina, dự kiến là trung tâm dữ liệu lớn nhất thế giới. Google rốt ráo xây dựng mạng lưới 30 trung tâm dữ liệu với 2 triệu server toàn cầu. Không chỉ cạnh tranh lẫn nhau, ba người khổng lồ Google, Microsoft và Apple cũng đang chịu sức ép cạnh tranh của các đối thủ trẻ. Đáng gờm nhất có thể kể đến là Amazon, nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới, và Facebook, dẫn đầu mạng xã hội với 300 triệu người đăng ký sử dụng cũng như các dịch vụ trực tuyến ngày càng phát triển.

Ngoài ông trùm CNTT Mỹ, viễn cảnh của các công ty IT khác cũng tỏ ra rất sáng sủa. Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD) nhận thấy những dấu hiệu phục hồi kinh tế từ đầu tháng 8, đặc biệt là tại châu Á. Các quốc gia và vùng lãnh thổ có nhiều công ty sản xuất chip và phần mềm như Hàn Quốc, Đài Loan đã bị ảnh hưởng rất nặng thời khủng hoảng, sản xuất trong nhiều bộ phận giảm đến 40%, nhưng hiện nay, khi hàng trong kho bán hết, đã có nhiều dấu hiệu phục hồi sản xuất.

Theo hãng phân tích IDC, mặc dù kinh tế thế giới suy giảm thời gian qua, đầu tư vào CNTT vẫn tăng trưởng với tốc độ lớn gấp ba lần so với tốc độ tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế. Thậm chí trong lĩnh vực công nghệ tiêu dùng, khả năng tăng trưởng vẫn là rất lớn, đặc biệt là ở các sản phẩm netbook. Biến động về đồng USD có ảnh hưởng ít nhiều đến thương mại ngành CNTT. Đồng USD mất giá đã tạo ra lợi thế cho các nhà sản xuất Mỹ, trong đó, Apple, Google và Intel đã có dấu hiệu phục hồi rõ ràng. Apple tăng thu nhập nhờ sự bùng nổ của iPhone. Google thu nhiều quảng cáo vì thị trường quảng cáo trực tuyến ngày càng phát triển. Còn Intel đã có doanh số tốt nhờ thị trường netbook, notebook phát triển mạnh.

"Windows 7 tạo ra động lực mới cho ngành công nghiệp CNTT. Hàng trăm triệu người dùng sẽ mua máy mới, sử dụng những công nghệ mới. Không chỉ có vậy, họ cũng sẽ có những cách thức sản xuất và sáng tạo”, Tổng giám đốc Microsoft Ballmer phát biểu trong lễ giới thiệu hệ điều hành Windows 7. Nhiều người kỳ vọng rằng, ngành CNTT sẽ dẫn đầu sự phục hồi của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất và tạo thêm việc làm. Tuy nhiên, trên thực tế, không hẳn là ngành CNTT đang kéo kinh tế phục hồi. Mà phải nói ngược lại, chính do đồng đô la hạ giá và nhờ vào những chương trình kích cầu kinh tế, mà người tiêu dùng đến với sản phẩm CNTT. Nhưng chẳng ai phủ nhận sức mạnh của ngành CNTT đang dẫn dắt đà phục hồi của kinh tế thế giới hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Động lực phục hồi kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO