Đông Á: khoảnh khắc giữa chiến tranh và hòa bình

15/04/2013 06:21

Thiết lập lộ trình hiệu quả giữa Mỹ và Trung Quốc, tìm kiếm lối thoát ngoại giao để giải quyết khủng hoảng, trấn an các đồng minh ruột là mục tiêu hàng đầu trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Kerry tại Đông Á.

Đông Á: khoảnh khắc giữa chiến tranh và hòa bình

Thiết lập lộ trình hiệu quả giữa Mỹ và Trung Quốc, tìm kiếm lối thoát ngoại giao để giải quyết khủng hoảng, trấn an các đồng minh ruột là mục tiêu hàng đầu trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Kerry tại Đông Á.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp bộ trưởng bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 13/4.

Ngày 14/4 tại Tokyo, Ngoại trưởng John Kerry tái khẳng định cam kết của Washington giúp Nhật Bản phòng vệ trước một vụ tấn công của Bắc Triều Tiên.

Ưu tiên cao nhất trong chuyến thăm Seoul, Bắc Kinh và Tokyo vừa qua của Ngoại trưởng Mỹ là tìm kiếm một lối thoát ngoại giao để giải quyết khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.

Ngoại trưởng John Kerry nói với Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 13/4 rằng, thế giới đang ở trong "thời điểm kịch tính" với tình hình căng thẳng tiếp sau các đe dọa của Triều Tiên. Hoa Kỳ đã yêu cầu Trung Quốc trợ giúp để kiềm chế không cho Triểu Tiên thực hiện các hành động "gây bất ổn".

Tại Seoul, Mỹ và Hàn Quốc đã bàn về chương trình hạt nhân dân sự của nước này và chuyến công du Hoa Kỳ vào tháng tới của Tổng thống Park Guen-hye.

Một bản thông cáo chung được công bố, theo đó Washington và Seoul đồng ý khởi động lại chương trình cứu trợ Bắc Triều Tiên theo thỏa thuận được các bên liên quan ký kết từ năm 2005.

"Nhưng sứ mệnh của ông Kery không chỉ đóng khung trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Giới phân tích tin rằng Ngoại trưởng Kerry sẽ tìm cách nới rộng cuộc đối thoại ngoại giao ở Tokyo và Seoul để hối thúc Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia nhiều hơn vào các vấn đề toàn cầu, như Syria, Iran và công tác tái thiết Afghanistan.

Ngân sách mà Tổng thống Obama công bố hồi cuối tuần qua cho thấy cam kết của Mỹ đối với một vai trò lớn hơn của nước này ở châu Á, qua việc gia tăng tài trợ cho các chương trình xã hội ở Miến Điện, giúp kinh tế cho Việt Nam, chi tiêu quân sự ở Philippines và hỗ trợ Hiệp hội ASEAN. Tuy nhiên, Washington mong muốn trước hết, Bắc Kinh gấp rút chuyển thông điệp tới Bình Nhưỡng trong các cuộc tiếp xúc lần này.

Theo ông Jim Schoff, chuyên gia hàng đầu về châu Á làm việc cho bộ Quốc phòng Mỹ, vị trí nổi bật của Trung Quốc trong cách ứng phó của Mỹ đối với Bắc Triều Tiên gây ra những mối quan ngại đối với Nhật Bản vốn đang phải đối mặt với vụ tranh chấp kịch liệt với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền lãnh thổ.

Việc Mỹ muốn Trung Quốc là một phần chủ yếu của giải pháp về Triều Tiên có thể gây nên những cảm giác bất an, vì Tokyo đang cần Hoa Kỳ hậu thuẫn mạnh mẽ trong việc bảo vệ các đảo Senkaku trước sự xâm lấn của Trung Quốc.

Vì vậy, chuyến công du lần này là một loạt các hoạt động ngoại giao tế nhị mà ông Kerry phải thực hiện.

Trong cuộc gặp diễn ra tại Đại lễ đường nhân dân Trung Hoa ngày 13.4, Ngoại trưởng John Kerry nói với Chủ tịch Tập Cận Bình: “Thưa ngài Chủ tịch, rõ ràng đây là thời điểm quan trọng đối với một số vấn đề rất khó khăn như vấn đề trên bán đảo Triều Tiên, những thách thức về vũ khí hạt nhân của Iran, tình hình Syria và Trung Đông”.

Ông Kerry nói tiếp: “Là đối tác kinh doanh, tài chính chủ chốt và cũng là một đồng minh ngoại giao của CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc là nước duy nhất có khả năng tác động sức ép lên Triều Tiên”. Vậy là Hoa Kỳ cho rằng nay là lúc Trung Quốc phải ra tay can thiệp với đồng minh Triều Tiên, nếu muốn bảo đảm sự ổn định cho toàn vùng Đông Á.

Trước khi gặp ông Tập Cận Bình, ông John Kerry đã gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

“Rõ ràng có một vấn đề vô cùng khó khăn đang ở trước mắt chúng tôi. Tôi mong muốn cuộc trò chuyện giải quyết được nhiều vấn đề như nâng cấp, mở rộng đối thoại, thiết lập một lộ trình và mô hình quan hệ hiệu quả giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc”, ông Kerry nói như vậy trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Vương.

Nhiều người cũng tin rằng quan điểm của Trung Quốc về CHDCND Triều Tiên đã bắt đầu thay đổi.Tuần qua, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng “không chấp nhận một quốc gia nào đẩy một khu vực hay thậm chí toàn thế giới vào vòng xoáy hỗn loạn vì lợi ích cá nhân”.

Chờ Bắc Kinh hành động dứt khoát

Nguy cơ xảy ra chiến tranh ở Đông Á là có thật. Đích thân tổng thống Barack Obama đã hối thúc chủ tịch Tập Cận Bình can thiệp để ép Kim Jong-un xuống thang.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon cảnh cáo Triều Tiên "đã đi quá xa".

Washington cùng Tokyo và Seoul đều giữ thái độ trầm tĩnh: vừa không thách thức Bình Nhưỡng vừa không kích động công luận của mình.Ba nước đồng minh tăng cường các biện pháp quân sự phòng vệ và răn đe nhưng tránh không làm mất mặt Bình Nhưỡng.

Trong bối cảnh căng thẳng, tuần trước, Mỹ đã thận trọng dời một cuộc thử nghiệm tên lửa liên lục địa, nhưng chỉ vài giờ sau Bình Nhưỡng vẫn leo thang tuyên bố rút hết 53 ngàn nhân công ra khỏi đặc khu công nghiệp Keasong.

Thế nhưng, ngoài những lời tuyên bố kêu gọi “hai bên bình tĩnh” Bắc Kinh chưa có một hành động cụ thể nào. Trong 10 năm qua, chính sách Trung-Triều gần như không thay đổi. Tiếp tục duy trì một mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Seoul, Bắc Kinh ủng hộ chế độ Bình Nhưỡng từ chính trị đến kinh tế.

Tuy nhiên chính sách này hoàn toàn nhằm phục vụ mục tiêu giữ “nguyên trạng”: bán đảo ổn định, lãnh thổ phân chia và không chạy đua vũ trang hạt nhân.

Đối với Trung Quốc thì mọi thay đổi đều gây tổn hại sinh tử cho lợi ích của mình: hai miền Nam Bắc thống nhất dưới ngọn cờ Hàn Quốc, chế độ Bắc Triều Tiên sụp đổ hay Bình Nhưỡng thành công chế tạo được vũ khí hạt nhân thì hệ quả của nó sẽ làm đảo lộn tình hình trong khu vực và đe dọa sự tồn vong của chính bản thân chế độ Trung Quốc.

Thái độ gần như thụ động của Trung Quốc trước hàng loạt hành động khiêu khích của Kim Jong-un là cố tình hay do bất lực?

Cho dù ông Kerry tuyên bố "Trung Quốc là nước duy nhất có thể gây sức ép lên Triều Tiên", nhưng theo các nhà ngoại giao Hàn Quốc thì thực tế rất nghịch lý. Đúng Trung Quốc là điểm tựa của Triều Tiên nhưng ảnh hưởng của Trung Quốc không đủ mạnh, vũ khí duy nhất của Bắc Kinh là chiếc “chày vồ”.

Trung Quốc chỉ cần đóng biên giới, cắt viện trợ nhiên liệu, thực phẩm là chế độ Bình Nhưỡng sẽ sụp đổ trong ba ngày.

Tuy nhiên, trừng phạt Bình Nhưỡng để làm gì khi mà quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc bị tác hại. Biện pháp mạnh không được mà thuyết phục cũng không xong, liệu khi nào thì Trung Quốc có thể nuốt trôi cục xương trong cổ họng của mình?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đông Á: khoảnh khắc giữa chiến tranh và hòa bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO