Dạt Vòm sang Liublino

27/07/2009 08:55

Chợ Vòm đóng cửa khiến hàng chục ngàn người Việt mất chỗ làm ăn. Hơn 2.000 người Việt đang tìm cơ hội kinh doanh ở chợ Liublino.

Dạt Vòm sang Liublino

Chợ Vòm đóng cửa khiến hàng chục ngàn người Việt và người Trung Quốc mất chỗ làm ăn. Trong khi một tập đoàn của Trung Quốc cùng đối tác Nga bỏ ra 700 triệu USD xây siêu thị mới, thì hơn 2.000 người Việt tìm cơ hội kinh doanh ở chợ Liublino

Minh Đức là người chuyên thầu dịch vụ đưa người Việt tại thành phố Sammara lên Mat-xcơ-va lấy hàng. Đã gần tháng nay kể từ khi chợ Vòm đóng cửa, hôm kia anh mới đi lại được chuyến đầu tiên. Đức cho biết, lúc trước mỗi tuần đi một chuyến, được khoảng trăm khách, nhưng chuyến mới rồi chỉ có tám người, “do dân tình vẫn còn e ngại chưa biết tình hình ở chợ mới Liublino thế nào”.

Một góc buôn bán ở chợ Liublino. Ảnh: M.Đ

Giá thuê sạp tăng gấp 10

Khu chợ Liublino, theo như Đức mô tả, còn gọi là chợ Mat-xcơ-va, diện tích cũng khá rộng nhưng so với chợ Vòm thì chỉ bằng khoảng một phần tư. Thực ra chợ này đã có từ lâu, nhưng không đông nên chủ yếu là Tây mua bán, dân Việt và Trung Quốc hầu như chỉ thuê làm kho.

Ngay sau khi chợ Vòm đóng cửa, nhiều người Việt cũng đã dọn đến một nơi gọi là chợ Sân vận động Lê Nin (tên tiếng Nga là Lyrnhiki). Đúng như tên gọi, dân Tây tranh thủ diện tích bên ngoài sân để buôn bán vào những ngày không có trận đấu. Nhưng dân Việt và Trung Quốc cũng chỉ đến đây được vài hôm thì lại chịu cảnh công an Nga “đuổi” đi.

Tiếp đó người ta chuyển sang chợ Liublino. Vài tuần nay, người đến bán ngày càng đông, giờ đã có 2.000 chủ hàng người Việt. Lúc trước ở chợ Vòm có khoảng vài chục ngàn. “Giá thuê chỗ đang leo kinh lắm, đắt hơn cả chợ Vòm ấy. Lúc đầu thì mỗi công (quầy bán hàng) tiền thuê chỉ khoảng 80 nghìn rúp/một tháng thôi, nhưng tuần trước đã thấy tăng lên 300 nghìn, còn hôm kia mới nghe thì những 700 nghìn rồi (khoảng 22 nghìn đô Mỹ)”.

Vẫn ám ảnh nỗi lo bị “đuổi”

Tám giờ tối, Hoàng Long bơ phờ trở về nhà sau một ngày tất bật ở chợ mới. Đang vào vụ hàng hè, nên bán cũng chạy hơn tháng trước khi đang ở chợ Vòm. Nhưng nếu so với cùng vụ năm ngoái, thì chỉ mới được một nửa.

Từ Bạc Liêu sang đây, Long buôn hàng giày ở chợ Vòm đã sáu năm. Ban đầu vào chợ, Long phải bỏ ra hơn trăm ngàn đô “mua chỗ”, mà trả ngay một lần chứ không phải từng tháng như chợ Liublino. Đùng một cái cấm chợ, tiền ấy coi như mất trắng. Chưa kể lượng hàng bị giữ trong chợ cũng xấp xỉ tiền mua chỗ.

Long kể, trước ở chợ Vòm, người ta buôn đủ thứ từ vải vóc đến tương cà mắm muối. Nhưng giờ ở Liublino, dân Việt chỉ mới dám “đánh” thử hàng giày dép quần áo thôi. Những món khác, như hàng thực phẩm ăn uống, người ta để tạm ở kho, có ai đặt thì mới chở đến giao.

Cũng có một số người, giờ hàng thì bị giam, mà vốn liếng chẳng đủ thuê sạp mới, đành bám trụ lại xứ này bằng cách “bán cầm tay”. Vắt một ít quần áo trên tay đứng giữa chợ bán rong, bán hết thì lại ra xe lấy tiếp. Nhưng bán dạng này thì bị bảo vệ bắt bớ thu hàng, vất vả lắm!

“Tình hình nhìn chung vẫn chưa có gì chắc ăn cả. Chẳng biết có được bán lâu dài không. Mà đang lo khan hàng nữa. Bọn Tàu nghe nói bị giam cả năm tỉ đô tiền hàng trong chợ Vòm nên chưa đánh hàng qua tiếp. Hàng bán hiện nay là do còn tồn ở các kho, hoặc chạy lấy được một ít từ chợ ra, chứ đã có hàng mới đâu. Giá bán sỉ và lẻ, giờ đắt hơn lúc trước khoảng gấp đôi rồi. Nhưng đang mùa vụ, có chỗ bán đã là mừng”, Long nói.

Quê Thái Bình, Nguyễn Văn Xuân, bắt đầu đánh hàng quần jean ở chợ Vòm từ bốn năm trước. Lúc đó để có được chỗ, Xuân cũng phải mua đến 120 ngàn đô. Xuân cho biết, trước ngày chợ đóng, dân tình chẳng ai biết gì, vẫn cứ nghĩ ngày mai lại ra chợ như thường. Thậm chí một ngày trước đó, mỗi công vẫn phải đóng thuế tháng đến hơn bảy ngàn xanh (cách gọi tiền đô của dân Việt tại Nga). Giờ lấy cớ kiểm tra chất lượng, nguồn gốc hàng nên giữ hết lại. “Ai muốn lấy ra nhanh thì phải chi khoảng độ năm ngàn xanh” – Xuân nói.

Mấy ngày nay Xuân đang chịu cảnh chầu chực ở chợ Vòm để chờ lấy hàng ra, mang sang chợ Liublino bán rồi về Việt Nam chơi vài tháng. “Dù khó khăn, bấp bênh nhưng mà nói thật, ai đã qua đây rồi thì chẳng muốn về. Bởi kiểu gì thì bên này vẫn dễ kiếm ra tiền hơn ở nhà”, Xuân tâm sự.

Suy nghĩ của Xuân không phải là cá biệt trong cộng đồng người Việt ở Nga hiện nay. Minh Đức trầm ngâm: “Ở Sammara chỗ tôi, có khoảng hơn 500 người Việt. Kinh tế khủng hoảng, chợ Vòm đóng, mình đương nhiên bị khó lây. Tuy vậy chưa ai muốn về hẳn mà cứ chờ nghe ngóng xem sao đã. Dân tình nói chung đang hy vọng thời gian tới sẽ bớt khó khăn hơn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dạt Vòm sang Liublino
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO