Đàm phán Mỹ - Trung với những "tiến bộ quan trọng"

LÊ PHAN| 26/02/2019 07:00

Sau hơn nửa năm áp thuế lên hàng hóa lẫn nhau và khởi động cuộc chiến thương mại đáng chú ý nhất trong lịch sử, Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp phá vỡ thế bế tắc trong quan hệ giữa 2 bên, mà các đợt đàm phán trong 2 tuần qua đã mang lại một số tiến bộ cụ thể.

Đàm phán Mỹ - Trung với những

Từ Bắc Kinh đến Washington

Nếu như vòng đàm phán trong tuần giữa tháng 2 tại Bắc Kinh đều được cả 2 bên đánh giá là có thành công nhất định nhưng không công bố nhiều nội dung chi tiết, thì trong các cuộc thảo luận vừa kết thúc cuối tuần qua tại thủ đô Washington của Mỹ, nhiều thông tin cụ thể hơn đã được truyền tải.

Cụ thể, sau khi kết thúc những ngày làm việc tại Bắc Kinh, dù các báo cáo cho biết cả 2 phái đoàn vẫn chưa thể thu hẹp sự bất đồng về các cải cách cấu trúc tới nền kinh tế Trung Quốc như Mỹ đã yêu cầu, nhưng Nhà Trắng ngày 16/2 vẫn tuyên bố các cuộc đàm phán là "chi tiết và chuyên sâu", giúp dẫn đến "sự tiến bộ giữa 2 bên".

Về phía Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đánh giá các cuộc đàm phán đã đạt được "tiến bộ quan trọng", dù cụ thể đó là gì vẫn không được nói rõ.

Các cuộc gặp tại Washington đã đạt được một số thành công đáng chú ý.

Link bài viết

Thứ nhất là việc 2 bên đã phác thảo được các biên bản ghi nhớ với một số điều khoản quan trọng liên quan đến các vấn đề như nông sản, chính sách tiền tệ, rào cản phi thuế quan, dịch vụ, chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ. 

Theo đại diện Bộ Thương mại Mỹ Robert Lighthizer thì "Biên bản ghi nhớ cũng được coi là một thỏa thuận, đó là cách thường được sử dụng trong các hiệp định thương mại", dù ông Trump không đồng tình với ý kiến này mà muốn phải đạt được một thỏa thuận toàn diện mới được xem là kết quả cuối cùng.

Thứ hai là Trung Quốc đã đồng ý mua hàng hóa nhiều hơn từ Mỹ, nhằm thu hẹp chênh lệch cán cân thương mại giữa 2 bên cũng như làm hài lòng Mỹ, với kỳ vọng hạn chót tăng thuế vào ngày 1/3 sẽ được dời lại. Cụ thể, Bắc Kinh đã cam kết mua thêm 1.200 tỷ USD hàng hóa Mỹ, trong đó gồm đề xuất mua bổ sung thêm 30 tỷ USD nông sản mỗi năm, bao gồm đậu nành, ngô và lúa mì.

Được biết, kể từ lúc 2 bên tiến tới thỏa thuận đình chiến thương mại vào đầu tháng 12/2018, Trung Quốc đã nối lại việc nhập khẩu một số nông sản Mỹ, bao gồm cả đậu nành.

Tổng thống mỹ Donald Trump đã úp mở về khả năng gia hạn thời gian đàm phán và dời lại hạn chót tăng thuế, đúng như kỳ vọng của Trung Quốc. Dù mọi thứ vẫn chưa có gì chắc chắn, mà theo như cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow chia sẻ, vẫn chưa có quyết định nào chính thức được đưa ra, nhưng việc Tổng thống Trump tuyên bố ngày 1/3 không phải là ngày "thần kỳ" đã khiến giới quan sát cho rằng ông ngầm tỏ dấu hiệu các hàng rào thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc không thể tự động được nâng từ 10% lên 25%, mà cần phải có những quyết định chính thức thông qua và cũng có thể trì hoãn quyết định này.

Thứ ba là sau khi Tổng thống Trump có cuộc gặp với Phó thủ tướng Lưu Hạc - Trưởng Đoàn Đàm phán thương mại của Trung Quốc vào ngày 22/2, và nhận được bức thư của Chủ tịch Tập Cận Bình với nội dung "hy vọng 2 nước có thể nhân đôi nỗ lực để đạt được một thỏa thuận thương mại", thì sau đó các nguồn tin cho biết vòng đàm phán tại Washington sẽ được kéo dài thêm 2 ngày - dấu hiệu được cho là 2 bên đều cố gắng giải quyết những chia rẽ còn lại gồm chuyển giao công nghệ bất hợp pháp và trợ cấp không phù hợp cho các công ty nhà nước.

Tình huống nào sẽ xảy ra?

Bất chấp những nỗ lực của 2 phái đoàn đàm phán, một thỏa thuận toàn diện khó có thể ký kết sớm (như kỳ vọng là trước ngày 1/3). Vì vậy, khả năng cao nhất là chỉ sẽ phác thảo một thỏa thuận sơ bộ, đồng thời thỏa thuận "đình chiến" được gia hạn để 2 bên có thêm thời gian đàm phán, ít nhất là cho đến khi một cuộc họp có thể được sắp xếp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình.

Cuối cùng, do các tiến triển đáng kể trong vòng đàm phán vừa kết thúc, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cho biết sẽ lùi ngày nâng thuế thay vì 1/3. Việc lùi thời hạn sẽ giúp nhà đầu tư bớt lo lắng rằng chiến tranh thương mại leo thang sẽ kéo tụt kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh tăng trưởng vốn đã có nhiều dấu hiệu chậm lại.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Steven Mnuchin cho biết 2 nước đã thống nhất được một điều khoản về tiền tệ. Trước đó, Bloomberg cũng trích một nguồn tin thân cận cho biết Mỹ đề nghị Trung Quốc giữ giá nhân dân tệ ổn định, nhằm tránh nước này hạ giá nội tệ để giảm thiểu tác động từ thuế Mỹ.

Theo một số nguồn tin, ông Trump và ông Tập đang thảo luận về khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại câu lạc bộ sân golf Mar-a-Lago - khu nghỉ dưỡng của Tổng thống Trump vào cuối tháng 3 tới.

Điều này cũng phù hợp với tuyên bố trước đây của ông Trump, khi ông cho rằng sẽ không có thỏa thuận nào được ký cho đến khi ông và ông Tập gặp nhau. Dĩ nhiên giới quan sát luôn kỳ vọng cuộc gặp nếu được tổ chức thành công sẽ trở thành sự kiện chính thức ký kết thỏa thuận thương mại giữa 2 bên, và xem như cuộc chiến thương mại chính thức kết thúc.

Mối quan hệ Mỹ - Trung không chỉ đơn thuần ở vấn đề thâm hụt thương mại hay sở hữu trí tuệ, mà bao gồm nhiều lĩnh vực bất đồng khác, do đó khó nói trước được điều gì sẽ xảy ra và mọi thứ sẽ đi đến đâu, nhất là khi vấn đề CHDCND Triều Tiên được xem là một trong những chiêu bài tác động đến quan hệ giữa 2 "ông lớn" này, do đó kết quả của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội lần này cũng có thể có những ảnh hưởng nhất định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đàm phán Mỹ - Trung với những "tiến bộ quan trọng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO