Công nghiệp bán dẫn Trung Quốc: Cú trở mình chấn động

TĂNG KHÁNH| 16/11/2017 09:30

Trung Quốc ra sức săn đuổi những chuyên gia bán dẫn người Đài Loan cho cuộc chinh phạt công nghệ mới.

Công nghiệp bán dẫn Trung Quốc: Cú trở mình chấn động

Semiconductor Manufacturing International Co (SMIC) là công ty chế tạo bán dẫn lớn nhất Trung Quốc, đặt tại Thượng Hải. Trong cơn suy thoái toàn cầu 2008, SMIC đứng bên bờ vực phá sản nếu không có 170 triệu USD cứu trợ từ Chính phủ. Gần một thập niên sau, tập đoàn này trở thành vũ khí quan trọng của Bắc Kinh trong cuộc chinh phạt thị trường bán dẫn toàn cầu.

Một giám đốc nhảy việc – một nước cờ của Trung Quốc

Liang Mong-song, 65 tuổi, là Giám đốc R&D cao cấp tại Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) – công ty chế tạo bán dẫn lớn nhất thế giới từ năm 1992 đến 2009. Năm 2011, Liang gia nhập Samsung và dính cáo buộc đã tiết lộ bí mật kinh doanh của công ty Đài Loan cho đối thủ. Giới truyền thông Đài Loan đưa tin Liang chính là nguyên nhân khiến Samsung truất ngôi TSMC trong cuộc đua sản suất chip 14nm và 16nm. Tòa án tối cao Đài Loan đã ra án phạt cấm Liang làm việc tại Samsung cho đến hết năm 2015.

Link bài viết

Đến giữa tháng 10/2017, nhân vật nhiều tai tiếng này rời Samsung về đầu quân cho “con cưng” của Trung Quốc – SMIC, với cương vị mới: đồng giám đốc điều hành. Đây là động thái mới nhất của Trung Quốc trong một chiến lược dài hơi thu hút chuyên gia Đài Loan đến đại lục nhằm xây dựng khả năng sản xuất chip nội địa, giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.

Ở phía bên kia bán cầu, khi Washington nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc mua lại các công ty công nghệ như Lattice và Aixtron, Bắc Kinh đã có một lối đi khác. Họ thu hút những chuyên gia công nghệ hàng đầu về đất nước mình.

“Liang là nhân vật chính của TSMC trong việc nghiên cứu và phát triển. Khi ông rời đi để làm việc cho Samsung, công ty Hàn Quốc này trở thành đối thủ lớn của TSMC giành lấy những hợp đồng sản xuất chip cho Apple lẫn Qualcomm”, một cựu nhân viên TSMC nói với Nikkei Asian Review. Thực tế cho thấy, thành công của Samsung với chip 28 nm và 14 nm có công lớn của Liang. Đây là những dòng chip cao cấp, đắt tiền hấp thụ điện năng thấp, hiệu suất cao nhằm đáp ứng các ứng dụng điện thoại thông minh. Bằng cách bổ trợ công nghệ cho Samsung, Liang cũng giúp ông lớn Hàn Quốc này đảm bảo các đơn đặt hàng từ Qualcomm để sản xuất chip cao cấp cho điện thoại di động và giành lại một số đơn đặt hàng chế tạo chip xử lý cốt lõi của Apple vào năm 2015.

Mặc dù, bộ vi xử lý cốt lõi 10 nm được dùng trong iPhone X đình đám vẫn do TSMC nhưng thị phần của hãng công nghệ Đài Loan bị ảnh hưởng không nhỏ bởi “kẻ chạy đi” Liang. Bởi Apple và Qualcomm đều là hai khách hàng lớn nhất của TSMC, đóng góp tổng cộng 28% doanh thu cho TSMC trong năm 2016. Trong khi TSMC và Samsung vẫn còn trói chặt nhau trong cuộc chiến giành lấy đơn đặt hàng từ cả hai gã khổng lồ công nghệ này, với dòng chip xử lý ngày càng nhỏ thì sản phẩm tiên tiến nhất của SMIC chỉ là con chip 28 nm, thua khá xa các đối thủ. Khách hàng chính của SMIC chỉ là các hãng smartphone trung cấp đến phổ thông của Trung Quốc.

Liang Mong-song - con át chủ bài trong lĩnh vực bán dẫn của Trung Quốc

Liang Mong-song - con át chủ bài trong lĩnh vực bán dẫn của Trung Quốc

Tuy nhiên, lịch sử phát triển của SMIC có thể sẽ sang trang với sự xuất hiện của Liang – một người vừa có khả năng phát triển công nghệ vừa là mắt xích quan trọng kết nối công ty này với mạng lưới công nghệ bán dẫn toàn cầu.

“Liang được bổ nhiệm tại SMIC có nghĩa là nhà chế tạo chip Trung Quốc cuối cùng cũng có một nhà điều hành tầm cỡ quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn”, Clark Tseng – nhà phân tích của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn SEMI, cho biết.

Lin Jian-Hong, một nhà phân tích Topology Research Institute tại Đài Loan cho rằng Liang có thể giúp công ty Trung Quốc tránh mắc sai lầm trong việc xây dựng và phát triển công nghệ. “Nhân tài Đài Loan có thể là mục tiêu hàng đầu trong việc săn đầu người của đại lục, nhờ sự tương đồng về văn hóa và đặc biệt là chiến lược đầu tư, mở rộng ngành công nghiệp bán dẫn của Bắc Kinh trong 3 năm gần đây”, Lin nói. Đài Loan là quê hương thứ hai của công nghiệp bán dẫn, doanh thu chỉ đứng sau Mỹ. Hòn đảo 36.000 m2 này có đến 230.000 chuyên gia trong lĩnh vực bán dẫn.

Trong vòng 2 năm, nhiều nhà quản lý cấp cao của hòn đảo đã đến đất liền đầu quân cho các công ty Trung Quốc với mức lương hấp dẫn. Chiang Shang-yi, một cựu nhân viên của TSMC được mời bước lên con thuyền SMIC với tư cách Giám đốc không-điều-hành. Tương tự, Charles Kau - cựu Chủ tịch công ty chế tạo chip bộ nhớ Nanya Technology và Sun Shih-wei cựu CEO của United Microelectronics Corp đều thuộc Đài Loan. Cả hai đều rời khỏi xứ Đài để đến Tsinghua Unigroup – một tập đoàn ở đại lục được chính phủ hậu thuẫn.

Cả hai công ty đều thừa nhận rằng hàng chục nhân viên đã về đầu quân cho công ty đối thủ Trung Quốc khi họ được đề nghị mức bồi thường hấp dẫn.

Cơn sóng ngầm từ Trung Quốc

Chip không chỉ là bộ não của hầu hết thiết bị điện tử mà còn là chìa khóa để phát triển các công nghệ mới như trí thông minh nhân tạo. Quan trọng hơn, mỗi con chip có thể chính là lỗ hổng trong bảo mật an ninh dữ liệu an ninh quốc gia. Công nghệ sản xuất ra nó, vì vậy, bị chính phủ giám sát chặt chẽ. Sự hùng mạnh của công nghệ bán dẫn là nước cờ quan trọng để nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp chip nước ngoài như TSMC, UMC, Qualcomm, MediaTek, Toshiba, Samsung và SK Hynix. SMIC đóng vai trò chủ đạo trong sứ mệnh kinh tế lẫn chính trị đó.

Nhân viên tại nhà máy chế tạo tấm wafer 12 inch của SMIC. Nguồn: AP

Nhân viên tại nhà máy chế tạo tấm wafer 12 inch của SMIC. Nguồn: AP

Hai cổ đông chính nắm giữ 33,07% cổ phần của SMIC là Datang Telecom và Quỹ đầu tư công nghiệp vi mạch quốc gia (National Integrated Circuit Industry Investment Fund), cũng là nhà đầu tư bán dẫn chính của nước này. Cổ đông đứng thứ ba là Jiangsu Changjiang Electronic Technology. Mức chi tiêu 2,3 tỷ USD của SMIC trong năm 2017 dù vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với 10,8 tỷ USD của TSMC nhưng là vượt bậc so với nhà sản xuất chip lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới, lần lượt là Globalfoundries của Mỹ và UMC của Đài Loan.

Doanh thu của SMIC trong năm 2016 là 2,9 tỷ USD, chỉ bằng 1/10 của TSMC, và lợi nhuận ròng là 337 triệu USD - quá nhỏ nhoi so với TSMC, nhưng đã rất gần với những gì mà UMC và Globalfoundries đang làm được.

Ví dụ, Qualcomm đã chuyển đơn đặt hàng cho các smartphone trung cấp và phổ thông từ UMC sang cho SMIC trong năm nay. Vào năm 2015, cũng có những suy đoán rằng SMIC đã cố gắng mua lại Globalfoundries.

Roger Sheng, một nhà phân tích tại hãng tư vấn nghiên cứu Gartner, đã nói rằng nhiều dấu hiệu cho thấy SMIC sẽ mở rộng và phát triển mạnh trong vài năm sắp tới, song hành cùng chính sách “Made in China 2025” của Bắc Kinh. Một trong những mục tiêu của chính sách này là gia tăng sản xuất các thành phần và nguyên vật liệu công nghệ lõi, đáp ứng 40% nhu cầu trong nước vào năm 2020 và 70% vào năm 2025.

Trung Quốc vẫn nhập khẩu hơn 220 triệu USD các sản phẩm liên quan đến bán dẫn trong năm 2016, lớn hơn số tiền nước này chi tiêu cho dầu. “Trên con đường Trung Quốc tăng nguồn cung nội địa, chắc chắn các công ty nước này sẽ tiếp tục săn lùng các chuyên gia về chip cùng với mức lương cạnh tranh rất cao”, Sheng cho biết. Ông cũng cho biết thêm, nước này vẫn đang phải đối mặt với sự thiếu hụt các kỹ sư có năng lực.

Theo SEMI, từ năm 2017 -2020, trên toàn cầu có tổng cộng 62 nhà máy hoặc dây chuyền bán dẫn mới sẽ đi vào hoạt động, 42% trong số đó là của Trung Quốc. Sự tăng trưởng này cũng có sự tham gia của các nhà sản xuất chip nước ngoài như Intel, Samsung và Hynix nhằm đáp ứng thị trường đang bùng nổ ở Trung Quốc.

Về đầu tư trong nước, Tsinghua Unigroup có kế hoạch xây dựng hàng loạt các nhà máy chip bộ nhớ quy mô lớn tại Vũ Hán, Nam Kinh, Thành Đô và Thâm Quyến. SMIC và công ty địa phương nhỏ hơn như Huali Microelectronics sẽ mở rộng mạnh mẽ để xây dựng các cơ sở chip tại Thượng Hải mà sẽ bắt đầu sản xuất cuối năm 2019.

Tuy nhiên, một số nhà máy mới được xây dựng cuối cùng có thể gây ra sự dư thừa cung cấp và gây áp lực lên giá cả, cảnh báo từ Lin của Topology. “Rất có thể sẽ xảy ra sự mất cân bằng cung cầu trong một số phân khúc trong vòng hai năm tới”. Đồng thời, những khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc trong tương lai gần sẽ không thể mang lại lợi nhuận.

Cuối cùng, một vài cá nhân kiệt xuất như Liang không thể bù đắp được nền tảng còn yếu kém trong nguồn nhân lực của Trung Quốc. “Đặt trách nhiệm xoay chuyển công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc lên vai Liang chẳng khác nào buộc một cầu thủ bóng chày hàng đầu thế giới phải huấn luyện cho các học sinh cấp 2 nắm vững những kỹ năng điêu luyện. Đó là một khoảng cách quá lớn”, một giám đốc điều hành trong ngành bán dẫn người Đài Loan nói với Nikkie.

“Phải còn rất lâu để Trung Quốc đạt được mục đích. Thế nhưng trước mắt, những nỗ lực cứng rắn của họ sẽ gây ra sự đứt gãy và căng thẳng trong nguồn nhân lực”, ông này bình luận thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công nghiệp bán dẫn Trung Quốc: Cú trở mình chấn động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO