Cộng đồng quốc tế tiếp tục quan tâm đến Hiệp ước Copenhagen

Nguồn Tân Hoa Xã/BBC| 25/12/2009 08:29

Mặc dù Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc đã bế mạc ngày 19/12 vừa qua, nhưng đến nay cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục quan tâm và phát biểu ý kiến về các vấn đề xoay quanh hội nghị

Cộng đồng quốc tế tiếp tục quan tâm đến Hiệp ước Copenhagen

Mặc dù Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc đã bế mạc ngày 19/12 vừa qua, nhưng đến nay cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục quan tâm và phát biểu ý kiến về các vấn đề xoay quanh hội nghị

Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khoá 64, ông Ali Treki cho biết, việc đạt được Hiệp ước Copenhagen là một mốc quan trọng. Theo ông Ali Treki, mặc dù, một số nước không hài lòng về kết quả đạt được của Hội nghị, tuy nhiên “Chúng ta phải có một thái độ thực tế đối với thành quả này của Hội nghị”. Đây chính là thành quả của các nước sau nhiều cuộc đàm phán khó khăn và “nó thực sự mang một ý nghĩa tích cực”.

Cơ quan năng lượng quốc tế mới đây cũng ra thông cáo hoan nghênh việc đạt được Hiệp ước Copenhagen và cho rằng, Hiệp ước này sẽ dẫn đường cho các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu tiếp sau. Theo thông cáo, Hiệp ước Copenhagen đã kêu gọi các nước phát triển phải đưa ra cam kết hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển trong việc đối phó với biến đổi khí hậu. Cơ quan Năng lượng quốc tế ước tính, mỗi năm các nước đang phát triển cần được đầu tư khoảng 200 tỷ USD thì mới có thể xây dựng được hệ thống năng lượng ít phụ thuộc vào Carbon trước năm 2020. Số tiền mà các nước phát triển cam kết hỗ trợ sẽ có ích cho việc thực hiện mục tiêu này.

Dilma Rousseff, đại diện của Brazil tham gia Hội nghị Copenhagen cho rằng, Hội nghị này là con đường quan trọng trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Bà Rousseff nói, trong thời gian diễn ra Hội nghị, đại diện của 4 nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và Brazil đã có cuộc hội đàm rất hiệu quả; 4 nước đều tôn trọng lẫn nhau, trao đổi ý kiến về mục đích giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Ông Hoàng Lập An, chuyên gia phân tích chính sách cấp cao của Trung tâm tiến bộ Mỹ thì cho rằng, Hiệp ước Copenhagen có ít nhất 3 điều khiến người ta lạc quan. Thứ nhất, lần đầu tiên các nước đang phát triển chính như Trung Quốc, Ấn Độ... đã cam kết cắt giảm khí thải trong một Hiệp ước quốc tế. Thứ hai, hiệp ước đã đưa ra quy định về các vấn đề tiêu điểm như tính minh bạch... Thứ 3, Hiệp ước đã quy định các nước phát triển phải có trách nhiệm hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển đặc biệt là các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu và các nước nghèo. Ông Hoàng Lập An cho rằng, Trung Quốc đã phát huy được vai trò tích cực và mang tính xây dựng tại Hội nghị này.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu khí hậu Nauy thì cho rằng, mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Trung Quốc là một mục tiêu đầy tham vọng.

LHQ kêu gọi thế giới hành động vì mục tiêu Copenhagen

Chỉ còn vài giờ nữa Giáng sinh sẽ đến với nhiều người trên thế giới nhưng thời tiết ở Châu Âu và Mỹ vẫn xấu đi, nhấn chìm những khu vực này trong băng giá

Đó là bằng chứng rõ nét nhất về sự biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia cấp cao về khí hậu của Liên Hợp Quốc kêu gọi các nước trên thế giới hành động để các mục tiêu được đề ra trong Hiệp định Copenhagen được triển khai trên thực tế.

Ngày 23/12, Thư ký điều hành Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, ông Yvo de Boer kêu gọi các nước tránh đổ lỗi cho nhau về kết quả Hội nghị Copenhagen, mà nên bắt đầu hành động để đi đến một thỏa thuận trong năm tới. “Tôi thực sự thất vọng với những gì diễn ra ở Hội nghị Copenhagen, đáng nhẽ ra chúng ta có thể giải quyết được nhiều vấn đề hơn. Điều mà tôi mong muốn hiện nay là các nước không nên đổ lỗi cho nhau nữa mà nên có hành động”, ông Yvo de Boer nói.

Trong khi đó, người đứng đầu của Uỷ ban liên Chính phủ Liên Hợp Quốc Rajendra Pachauri nhấn mạnh, chỉ khi nào năm tới có một thoả thuận, có sự ràng buộc chặt chẽ về mặt pháp lý thì các mục tiêu được đề ra trong Hiệp định Copenhagen mới được thực thi trên thực tế.

Phát biểu trước báo giới tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ) ngày 23/12, ông Rajendra Pachauri cho rằng: “Nếu đến năm 2010, chúng ta không có được sự nhất trí về một thoả thuận mới có sự ràng buộc về mặt pháp lý, thì có nghĩa chúng ta đang đánh mất đi khoảng thời gian vô cùng quý báu. Nó cũng đồng nghĩa là thế giới sẽ khó khăn hơn và chi phí nhiều hơn để đối phó với hiện tượng khí hậu đang nóng lên từng ngày”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cộng đồng quốc tế tiếp tục quan tâm đến Hiệp ước Copenhagen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO